Khi ở giữa lang thang và cơ nhỡ

04/02/2016 14:58 GMT+7

Không ai muốn quay về thời nghèo khổ. Nhưng sao tôi vẫn thèm sống lại thời Hà Nội sau chiến tranh ấy.

Không ai muốn quay về thời nghèo khổ. Nhưng sao tôi vẫn thèm sống lại thời Hà Nội sau chiến tranh ấy.

Đạp xe cả đêm. Cuốc bộ nửa ngày. Trong túi không tiền, trên đầu không mái ấm, vẫn sống ung dung. Vì có bạn bè. Mỗi lần đạp xe từ Hải Dương về Hà Nội, tôi hay tá túc nhà thi sĩ Trúc Thông. Anh lớn hơn tôi sáu tuổi, nhưng coi nhau như bạn bè. Bà mẹ Trúc Thông là điển hình cho bà mẹ nông dân nghèo miền Bắc, dù nhà bà ở ngay Thủ đô - 16 phố Hồng Phúc, cạnh vườn hoa Hàng Đậu. Công việc chính của bà là nuôi lợn, và lo chuyện bếp núc. Còn Trúc Thông, anh nhận nhiệm vụ bất di bất dịch, là lấy nước gạo từ các nhà hàng xóm, vào đúng tầm bảy giờ tối. Xong việc thì có thể đi chơi. Bao giờ tôi cũng đợi Trúc Thông xong việc, sau đó anh em thong dong đạp xe qua các phố phường Hà Nội. Ngày ấy Hà Nội còn vắng xe cộ lắm, phương tiện giao thông hầu hết là xe đạp. Người đi bộ cũng rất đông. Gần như không thấy tai nạn giao thông. Chúng tôi cứ vừa đạp xe chầm chậm trên phố, vừa chuyện trò say sưa. Chuyện thơ. Chuyện tình yêu. Chuyện bạn bè khắp cả nước. Thi thoảng, lại ghé hàng chè chén năm xu. Bấy giờ cuộc đời sao thanh thản lạ lùng. Và tốn rất rất ít tiền.
Vào một lần đạp xe lang thang như vậy, tôi chợt nói với Trúc Thông về một cô gái tôi mới gặp ở nhà Trần Nguyên Vấn. Gặp chứ chưa quen. Tôi có vẻ thích cô gái này. Hóa ra, Trúc Thông cũng biết cô ấy. Anh nói, cô thuộc nhóm những học sinh Huế lên chiến khu rồi ra Hà Nội học, cùng với mấy anh lớn hơn là hai nhà thơ Trần Vàng Sao và Nguyễn Hữu Ngô. Vậy thì tôi cũng biết. Trước khi đi B, tôi đã đọc thơ Nguyễn Hữu Ngô và Trần Vàng Sao, những bài thơ khác lạ so với thơ miền Bắc hồi đó. Biết cô gái này đang học lớp báo chí, tôi đề nghị Trúc Thông đi cùng tôi lên trường gặp cô ta. Trúc Thông vui vẻ nhận lời. Hôm sau, hai chúng tôi đạp xe lên trường, nhờ bác thường trực gọi cô gái ra cổng, có khách. Nhờ cô gái có quen Trúc Thông, nên tôi đỡ quê, chuyện trò rất hồn nhiên, thân mật. Hóa ra, được. Cô gái ấy sau này là vợ tôi, và chúng tôi vừa kỷ niệm bốn mươi năm ngày mới quen nhau. Chính là cái lần quen khi tôi đi cùng Trúc Thông lên trường báo chí. Tháng 9 năm 1975.
Có người yêu, vẫn… lang thang cơ nhỡ. Cũng chả có gì lạ, khi người yêu không gia đình ở miền Bắc, chỉ nội trú trong trường. Còn tôi thì vẫn đạp xe rong ruổi Hải Dương - Hà Nội, vẫn tá túc nhà bà con hay bạn bè, vẫn cùng Định Nguyễn rượu 109 Phố Huế, tiền trong túi vẫn có có không không. Tôi nhớ một lần đạp xe từ Hải Dương xuống Hải Phòng chơi. Không quen ai, chỉ đạp xe qua các con đường đẫm vị cần lao của thành phố Cảng. Buổi chiều, nhìn những công nhân Cảng cởi trần đi trên phố tìm bia hơi, tôi rất ấn tượng. Có lẽ đây là thành phố duy nhất trong nước mà công dân cởi trần đi ra đường một cách hồn nhiên, “phanh ngực áo và mở trần bản chất” đúng tính cách người Hải Phòng. Chơi chán, tôi lại ra ga, mua vé tàu xuôi Hà Nội. Mất khoảng năm tiếng đồng hồ để về ga Hàng Cỏ. Nhưng tôi có thời gian. Cái tôi giàu có lúc ấy, chính là thời gian.
Những người lang thang cơ nhỡ trên khắp thế giới này đều có nét giống nhau: họ dư thừa thời gian. Sau này tôi đã gặp ở Paris một ông già lang thang cơ nhỡ, trước quán cà phê Flore nổi tiếng, nơi J.P.Sartre từng “ngồi đồng” mỗi sáng và viết bộ tiểu thuyết Những ngả đường tự do. Ông ta nuôi một con chó làm bạn, và ông ủ nó trong một cái bao tải. Con chó thò đầu ra từ bao tải, nhìn tôi một cách thân thiện. Con chó lang thang và người già cơ nhỡ, đó là hai ngả đường của tự do. Hai bản thể của một tồn tại. Hai thân phận của một số phận. Và họ đều dư thừa thời gian. Ngồi trong quán cà phê Flore mà nghĩ như thế, cũng tạm coi là được. Triết học xuất hiện khi nó nói về tha nhân. Còn năm 1975 ở Hà Nội, tôi không biết mình là ai, giữa người già cơ nhỡ và con chó lang thang. Có thể tôi là cả hai. Và không có một chút triết học nào ở đây cả. Chỉ có thơ. Hơn nửa năm trời lang thang cơ nhỡ tôi đã viết khá nhiều thơ. Không bốc phét, chứ nhiều bài trong số đó là những bài thơ hay. Thơ khác triết học ở chỗ nó chỉ nói về chính thân phận người viết. Không bao giờ khái quát, thơ cụ thể tới mơ hồ, cụ thể tới đau đớn. Nó bay lên từ vũng lầy của cuộc sống thường nhật.
Chỉ tiếc bây giờ thi sĩ Trúc Thông đã không còn nói được. Anh bị đột quỵ từ nhiều năm nay, và chỉ còn biết làm bạn cùng im lặng. Nếu Trúc Thông nói được, anh với tôi chắc còn đàm đạo về thơ. Một điều mà bây giờ chả mấy ai buồn làm.
Đàm đạo về thơ rất thú vị, dù không phải ai cũng thích. Thơ rất dân chủ, ở chỗ ai cũng có thể nói về nó mà không sợ sa
3i. Dù nói sai đi nữa cũng không ai bắt bẻ. Vì thơ thật rộng, nó như cuộc đời vậy. Không ai bắt bẻ về cuộc đời, thì cũng đừng ai bắt bẻ thơ.
Tôi may mắn bắt đầu làm thơ khi cả cộng đồng mê thơ. Ngày miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, thơ lên ngôi như một tiếng nói nội tâm đầy sức mạnh. Nó thôi thúc và thủ thỉ, nó đẹp và hùng. Trong chiến tranh, con người cần mạnh mẽ để có thể sống qua những thời khắc nghiệt ngã nhất. Thơ có mặt bên cạnh con người vào đúng lúc con người cần bạn bè, cần đồng đội, cần sự sẻ chia. Bây giờ, đọc lại tuyển tập thơ chống Mỹ, nhiều bài thơ trong đó vẫn khiến tôi xúc động. Chỉ mấy câu thơ viết về Hải Phòng, Đào Nguyễn (bút danh của Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh) đã mê hoặc tôi hoàn toàn. Hay thơ của Nguyễn Mỹ trước lúc anh đi chiến trường, những bài thơ vừa lãng mạn vừa quyết liệt, như tiếng còi tàu trong đêm chia tay.
Nửa cuối năm 1975 vẫn còn nguyên không khí thơ ca. Khi tôi ra Hà Nội, nhiều bạn thơ, trong đó có những người tôi chưa quen, đã tìm đến thăm tôi. Họ thích chùm thơ mười ba bài của tôi in trên tạp chí Tác phẩm mới. Họ thích hai bài thơ không có trong chùm thơ ấy là Thử nói về hạnh phúcMột người lính nói về thế hệ mình. Tôi vừa cảm động vừa vui, vì nghĩ mình đã đi đúng hướng. Bao nhiêu người nằm lại ở chiến trường, nằm lại trên Trường Sơn, họ cần một tiếng nói về họ. Thơ không thể im lặng, hay đãi bôi. Thơ cũng không thể lên gân, hay tuyên truyền. Nhất là nó không thể háo danh. Nơi nào sự háo danh trào lên, là nơi ấy thơ bặt tiếng, thơ bị buộc phải “rút vào bí mật”. Tôi muốn làm thơ như trẻ con vẽ nguệch ngoạc trên cát. Có khi còn lại, có khi không. Nhớ một lần đi thực tế với nhà thơ Xuân Diệu, ông nhận xét sau khi đọc mấy trang bản thảo của tôi viết về Nguyễn Du: “Cậu hiền, mà sao thơ cậu dữ thế?”. Tôi không nghĩ thơ mình dữ theo kiểu “dữ tợn”. Có lẽ nó có phần dữ dội, nhất là trong khoảng thời gian cuối những năm 70 và đầu những năm 80 thế kỷ trước.
Học sinh bây giờ “học, học nữa, học mãi” mà chưa chắc kiến thức thực sự đã có gì. Tôi ngẫm từ mình, những kiến thức thời phổ thông bây giờ dùng được quá ít. Nếu đã không dùng được mấy những kiến thức phổ thông khi vào đời, thì hà cớ gì phải học ngày học đêm, học túi bụi tung bùng như thế? Ít ra, như thời chúng tôi, chương trình học rất nhẹ, vừa học vừa chơi, vừa học vừa lao động, thậm chí trốn học đá bóng… rồi vẫn đâu vào đấy. Tôi nhớ thời tôi học cấp ba Chu Văn An, nhiều hôm trốn học cùng bạn đi xe điện lậu vé xuống Bờ Hồ, rồi vào chơi lơ ngơ ở Hiệu sách Ngoại văn Tràng Tiền. Vào để nghe nhạc, chứ không phải đọc sách, vì có biết ngoại ngữ đâu mà đọc. Nhưng nghe nhạc qua chiếc máy quay đĩa cũ thì rất thích, toàn những bản nhạc hay, những bản nhạc “lớn”. Hóa ra, cái ấy sau này lại “được việc”: tôi nghe khá tốt nhạc cổ điển, và cấu trúc nhạc cổ điển, nhất là cấu trúc giao hưởng đã giúp tôi rất nhiều khi cấu trúc một trường ca.
Trong đời này có bao nhiêu cái để học, mà nhà trường chỉ là một trong những nơi truyền kiến thức. Có khi đi chợ lại học được nhiều điều “độc chiêu” hơn. Đặc điểm nổi nhất chợ là không khí chợ. Và cái đập vào ta ấn tượng nhất là màu và mùi. Nhờ thường đi chợ mà tôi đã viết được một đoạn ưng ý về chợ trong Khối vuông ru-bich. Sau này trường ca Ô mai của Đặng Đình Hưng cũng có một đoạn viết về chợ rất hay. Chợ cung cấp cho ta không chỉ kiến thức về đời sống mà còn bổ sung cho “từ điển” của ta rất nhiều ngôn từ hay và mới mẻ. Kể cả những câu chửi ở chợ nghe cũng rất thú vị. Nhà thơ tích hợp ngôn ngữ từ đời sống, trên cơ sở đó mà sáng tạo thêm những “tổ hợp” ngôn từ mới. Tạo được sự cân bằng giữa cái đã có và cái mới nảy sinh, thơ sẽ đứng vững hơn trong lòng người đọc. Thơ Văn Cao, thơ Đặng Đình Hưng thành công ở chỗ đó.
Được suy nghĩ một mình, với tôi là hạnh phúc. Rất nhiều suy nghĩ đã không thành hiện thực dưới bất cứ hình thức nào, nhưng luôn luôn suy nghĩ giúp tôi tiếp cận nhanh với mọi vấn đề. Lại trích thêm một câu của cụ Einstein qua nhà thơ Nguyễn Đỗ: “Sự khác nhau giữa thiên tài và ngu dốt ở chỗ thiên tài là hữu hạn”. Dĩ nhiên, ngu dốt là vô hạn. Nhưng rất ít người là thiên tài, còn bất cứ ai cũng phải đi qua ngu dốt để trở nên một người bình thường. Tôi cũng đã phải liên tục trải qua những “lò luyện ngu dốt” để có thể đứng trong cuộc đời. Với tôi, thơ dở thơ hay, chẳng qua may rủi. Không bao giờ nói trước mình sẽ viết như thế nào. Đó là một bí mật. Những câu thơ từ đâu ra, từ đâu tới, mình không biết. Chỉ biết, cái gì tới ngay trong đầu mình lúc ấy, được viết ra, thì nó là thơ của mình. Hay nhờ và dở chịu.
Giống như cây bưởi nhà tôi, khi nó vượt qua được ách nạn sâu rầy phá hại, tự nhiên chồi lộc bừng lên, nở hoa và kết trái đĩnh đạc. Những người sống sót qua chiến tranh cũng thường cho quả ngọt như thế, khi họ tự biết giá trị vô song của đời sống.
Biết sống vì cộng đồng, vì đất nước, cũng là biết tạo quả ngọt cho mình. Bất chấp tất cả những tồi tệ, khốn nạn. Cứ vững tin vào cách sống của mình nếu nó đúng, và nói như B.Pasternak: Hãy sống, sống và cứ thế/Sống và cứ thế, đến cùng. Những người như Pasternak, bằng tác phẩm của mình, họ gieo những hạt giống thánh thiện xuống cánh đồng cuộc sống. Cho mọi người thu hoạch.
Ôi những mùa, ôi những lâu đài/Có tâm hồn nào không lầm sai (A.Rimbaud). Thỉnh thoảng câu thơ này trở về trong tôi. Nó nói cái gì vậy nhỉ? Hay nó nói về chuyển động và bất động? Và trên nền của chuyển động cùng bất động ấy, con người trần thế với tất cả những ảo mộng những lầm tưởng của mình cũng đang chuyển động và bất động? Thơ có thể thăm thẳm. Mà thăm thẳm mới là bản chất, chứ không phải thay đổi trên hình thức là quan trọng. Tôi nhớ có lần tới thăm nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao, uống rượu và đàm đạo với ông. Tình cờ hôm ấy, xui khiến thế nào, ông và tôi lại quyết định “chém gió” về Rimbaud. Lại đưa cả máy ghi âm ghi lại, theo sáng kiến một người bạn. Năm 2015 kỷ niệm 20 năm ngày Văn Cao mất, nhớ ông là nhớ sự chân thành dung dị đến tuyệt đối của một tài năng lớn. Một con người cần lao như Hải Phòng. Khiêm nhường và ngạo nghễ như Hải Phòng. Những nhà thơ lớn của Việt Nam đều gắn bó đến đau đớn với quê hương mình. Những “nhà thơ toàn cầu” bây giờ nên nhớ: nếu anh không có một quê hương, anh sẽ chẳng có gì hết. Dù quê hương ấy nhỏ bé tới đâu, nghèo khổ tới đâu.
Chơi với Văn Cao, tôi có cảm giác rất dễ chịu. Không phải vì ông là thiên tài, chơi với ông mình được thơm lây, được ăn theo, mà vì chính con người ông, nhân cách của ông như cái cây tỏa ra dưỡng khí khiến mình dễ chịu. Nhiều cái cây như thế sẽ góp phần thanh lọc bầu không khí, hóa giải độc tố, và nâng đỡ cuộc sống. Những người đố kỵ, họ chung một thường tình: không có “kênh” tỏa dưỡng khí như ông. Hám danh là một bệnh thiên hạ nhiều người mắc. Nhưng hám danh thái quá dẫn tới độc ác, hại người thì quả là khốn khổ. Hồi xưa, người ta cấm Văn Cao xưng nhà thơ, dù ông là nhà thơ thứ thiệt. Tôi thấy buồn cười: xưng nhà thơ thì đâu có gì ghê gớm? Và người như Văn Cao thì cũng không hơi đâu xưng mình là nhà thơ cho... rách việc. Còn bây giờ, ai cũng có thể xưng danh nhà thơ, dù chỉ làm mấy câu... vè. Như thế dân chủ hơn sao? Dễ chịu hơn một chút về kinh tế, chưa hẳn là dân chủ. Và có quá nhiều nhà thơ, chưa hẳn đã có một nền thơ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.