Khi người dân làm nhà khảo cổ

20/07/2019 06:15 GMT+7

Những ngày khai quật ở khu di chỉ khảo cổ thời dựng nước Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, H.Hoài Đức, Hà Nội) đã gần như khép lại phần nghiên cứu địa tầng. Nhưng việc nghiên cứu cũng như tìm cách gìn giữ di chỉ này vẫn tiếp tục.

Ngày 17.7, ông Nguyễn Văn Thắng, một người dân ở làng Lai Xá, viết một bức thư dài, đăng trên trang Facebook cá nhân của ông và người cùng làng, PGS-TS Nguyễn Văn Huy. Trong thư, ông Thắng “kính đề nghị nhà nước và TP.Hà Nội” sớm ra quyết định công nhận di chỉ này là di tích lịch sử văn hóa để dễ bề bảo vệ, xây dựng di chỉ thành bảo tàng ngoài trời.
Ở Lai Xá, không chỉ ông Thắng mà còn có nhiều người dân hiểu về giá trị di chỉ trên mảnh đất làng. Ông Phan Văn Hùng, một người dân khác, đã nhiều năm gom nhặt các di vật Vườn Chuối thành một bảo tàng nho nhỏ trong nhà. Ông còn đính cả số điện thoại của mình lên cánh đồng Vườn Chuối để ai phát hiện ra điều gì lạ sẽ gọi điện cho ông. PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cũng sát cánh với họ trong việc bảo vệ Vườn Chuối. Những gì người dân ở Vườn Chuối làm, chính là việc người dân làm khảo cổ, cũng là khảo cổ học cộng đồng.
Khảo cổ học là di sản gắn với quá khứ rất xa xôi. Nó gắn vừa phải với bà con thôi, nên nếu không có hỗ trợ bà con hiểu, không có nhóm dẫn dắt thì không có ai bảo vệ di sản cả
GS-TS Lâm Mỹ Dung
Khảo cổ học cộng đồng có ở VN đã lâu. Theo chuyên gia khảo cổ, GS-TS Lâm Mỹ Dung (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), thời kỳ chiến tranh lại là giai đoạn khảo cổ học cộng đồng được làm rất tốt. Người dân phát hiện di tích và báo với ngành văn hóa. Sau đó, do nhu cầu xây dựng, tái thiết, chính họ lại phá các di tích khảo cổ. Việc phát triển kinh tế từ những năm 1980 trở lại đây cũng khiến nhiều di tích bị phá.
Tình trạng hiện nay của khảo cổ học cộng đồng VN, theo GS-TS Dung, là có chỗ tốt, chỗ chưa tốt và cần sự hỗ trợ từ phía các nhà khoa học. “Khảo cổ học cộng đồng cũng cần có tập huấn, phải có người hướng dẫn. Khảo cổ là khoa học, khảo cổ học cộng đồng cũng cần có tập huấn. Tháng 10 tới, một trưng bày ảnh sẽ được tổ chức tại Vườn Chuối. Nó do bà con tự hiểu về Vườn Chuối và làm. Ông Thắng cũng chính là người tham gia thực hiện trưng bày”, GS-TS Dung cho biết. Cũng phải nói thêm, triển lãm này ra đời dựa trên nhiều trao đổi giữa người dân và các chuyên gia khảo cổ học, bảo tàng học. Vườn Chuối cho thấy sự tương tác giữa nhà khoa học và người dân có thể giải quyết vấn đề tích cực hơn.
Từ góc độ đào tạo, GS-TS Lâm Mỹ Dung cho rằng hiện ngành khảo cổ học cũng đưa nhiều nội dung khảo cổ học cộng đồng vào chương trình. Trong điều kiện hiện nay, nếu chỉ giới hạn ở việc các nhà khảo cổ tiếp cận thông tin, rồi mang một ít hiện vật về bảo tàng trưng bày thì sẽ không phát huy được giá trị của di tích. Nếu không đẩy mạnh tương tác thông tin khảo cổ với người dân, họ sẽ khó hiểu về giá trị xưa. “Khảo cổ học là di sản gắn với quá khứ rất xa xôi. Nó gắn vừa phải với bà con thôi, nên nếu không có hỗ trợ bà con hiểu, không có nhóm dẫn dắt thì không có ai bảo vệ di sản cả”, GS-TS Dung nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.