Khi nghệ thuật là 'liều thuốc' cho cuộc sống

Nguyên Vân
Nguyên Vân
15/08/2020 06:22 GMT+7

Ca sĩ Thái Thùy Linh vừa khởi động dự án Du ca để mang âm nhạc đến gần hơn với sinh hoạt đời thường. Lê Cát Trọng Lý có Khù khờ tour đến các vùng nông thôn để cùng tiếng đàn, lời ca kết nối các em nhỏ với những nhà hảo tâm. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vừa hoàn thành album 6 bài hát tương ứng 6 bước trị liệu tâm hồn...

Âm nhạc không chỉ để ca hát

Sau thời gian dài ấp ủ và lên kế hoạch, Thái Thùy Linh đã thực hiện chương trình đầu tiên của dự án Du ca. Nữ ca sĩ cho biết mỗi tháng sẽ có một tập Du ca gồm 4 phần, phát vào tối thứ bảy hằng tuần trên kênh YouTube của mình. Đúng như tinh thần Du ca mà cô hướng đến: đi và hát để yêu và thương, khi đến vùng Ngư Thủy (Quảng Bình), đoàn đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của o Gắng - nữ pháo binh Ngư Thủy năm xưa, cùng o dậy sớm đi chợ, để cảm được vẻ tần ngần của o khi mặc cả mớ tôm cân cá, để nhận ra những nhọc nhằn của cuộc sống người dân nơi đây… Linh chia sẻ khi bất ngờ “bị” nhận ra ở giữa chợ, mấy o kéo vào hát cho bà con nghe ngay bên những sạp rau quả, hay khi hai cô cháu vừa nhặt rau vừa ngẫu hứng ngân nga những câu hát về một thời hào hùng, rồi khi chiều về trên biển, một sân khấu không dàn dựng, không khoảng cách giữa người già với người trẻ, giữa người nghe và người hát, giữa âm nhạc và hơi thở của cuộc sống..., cô cảm thấy “thật sự hạnh phúc được làm một người nghệ sĩ đúng nghĩa, khi tiếng hát tôi hòa cùng âm thanh bình dị của cuộc sống, hòa trong tiếng sóng biển và tiếng bi bô của lũ trẻ xóm chài”.
Dành nhiều tâm sức để chuẩn bị và thực hiện dự án này, theo Thái Thùy Linh: “Tiếng hát du ca, biết đâu, có thể xóa nhòa những ranh giới, bạn hát về tôi, tôi hát về bạn, chúng ta hát về nhau, xoa dịu những nỗi đau, nhân thêm niềm vui và cùng sẻ chia những nhọc nhằn của cuộc sống”.
Khi nghệ thuật là 'liều thuốc' cho cuộc sống 1

Lê Cát Trọng Lý trong một buổi diễn của Khù khờ tour

Trước đó, Thái Thùy Linh là nghệ sĩ khởi xướng và tổ chức chương trình Mang âm nhạc đến bệnh viện (từ cuối năm 2011). Đến nay, cô cùng ê kíp tình nguyện viên đã thực hiện được 193 số tại các bệnh viện cả nước, cả những vùng sâu vùng xa, biên giới hay hải đảo. Và cũng bằng âm nhạc, cô là người khởi xướng nâng cao nhận thức về trẻ tự kỷ với chuỗi chiến dịch Tôi đã hiểu, còn bạn, tạo được sự lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội hơn 3 năm qua. Với hơn 10 chương trình mà nội dung gồm các hoạt động: biểu diễn âm nhạc, trò chơi tương tác giữa nghệ sĩ, chuyên gia tự kỷ và khán giả, tìm hiểu về tự kỷ, giao lưu các bạn nhỏ tự kỷ có tài năng nghệ thuật và các nghệ sĩ..., chiến dịch đã thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều nghệ sĩ như: NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Hồng Liên, NSƯT Khánh Hòa, MC Lê Anh, MC Phan Anh, MC Quốc Bình, ca sĩ Tùng Dương… cùng hàng trăm học sinh, sinh viên có năng khiếu nghệ thuật.
Cũng với quan niệm âm nhạc không chỉ để ca hát, sau hơn 4 năm thực hiện Khù khờ tour cùng quỹ Khù khờ học nhằm giúp các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường (chương trình đã bảo trợ được 79 trường hợp khó khăn, 4 em thi đỗ đại học, cao đẳng và 3 em đã tốt nghiệp đại học), Lê Cát Trọng Lý vừa thông báo về một dự án mới mà qua đó, cô “mong muốn âm nhạc kéo mọi người lại gần nhau hơn, từ trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên đến người lớn tuổi, người ở các ngành nghề khác nhau khi chúng ta ngồi lại cùng nhau ở Những chiều muộn gấp gáp”. Đó cũng là chủ đề của tour concert dự kiến tổ chức xuyên Việt qua hơn 10 tỉnh, thành.
Nhìn lại hành trình âm nhạc mà Lê Cát Trọng Lý đã và đang đi, không khó để nhận ra nguồn năng lượng tích cực mà những lời ca, giai điệu, những sáng tác Lý mang đến cho đời sống. Và điều đó chỉ có thể có được khi người nghệ sĩ không chỉ đứng trên sân khấu. Lý từng chia sẻ sau mỗi chuyến đi, đến vùng khốn khó bên những mảnh đời thiếu may mắn, tâm hồn cô rộng mở hơn, đó cũng là nguồn cảm hứng mới cho tác phẩm tiếp theo…
Khi nghệ thuật là 'liều thuốc' cho cuộc sống 2

Buổi học âm nhạc trị liệu cho trẻ “đặc biệt” của NSƯT Hoàng Điệp tại Trung tâm Hy vọng xanh, TP.HCM

Để những điệu nhảy, thanh âm xoa dịu tâm hồn

Không dừng lại ở ca hát, biểu diễn hay trưng bày, âm nhạc - nghệ thuật đã và đang được không ít nghệ sĩ, nhà giáo dục tại Việt Nam nghiên cứu và “chuyển hóa” thành liệu pháp tâm hồn, mà theo họ, nó như “liều thuốc tinh thần” trước những lo toan, áp lực của cuộc sống.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết anh vừa hoàn thành album Heal me (tạm dịch: Hãy cứu chữa tôi) với 6 bản nhạc không lời tương ứng 6 bước trị liệu tâm hồn mà anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tư vấn bác sĩ tâm lý. Lọ thuốc lãng quên, Phép thuật chữa lành, Giấc ngủ ngon, Thanh lọc, Lời chúc buổi sáng, Một khởi đầu mới, hành trình đi qua 6 tác phẩm này, theo Nguyễn Văn Chung, cũng là chuỗi ngày khó khăn mà anh từng phải tìm cách để đối diện, vượt qua khi chính anh đã rơi vào giai đoạn đầy muộn phiền tưởng chừng suy sụp vì những biến cố trong cuộc sống.
“Xã hội ngày càng hiện đại mang đến cho người ta càng nhiều nỗi lo. Ngày càng nhiều người cô đơn, bế tắc mà đôi khi họ không thể hiện ra ngoài được do công việc, do sĩ diện hoặc vì lý do riêng nào đó. Âm nhạc, với tôi, là để chia sẻ. Khi vui, nghe nhạc để hưng phấn hơn, lan tỏa niềm vui cho người xung quanh; khi buồn, nghe nhạc để được sẻ chia, vơi đi muộn phiền. Tôi quan niệm sáng tác của mình phải làm sao để đến được với người nghe khi họ cần nó nhất. Và Heal me không ngoài mong muốn được sẻ chia cảm xúc với người nghe khi cần được vỗ về, an ủi”, Nguyễn Văn Chung nói.
Theo chia sẻ của các nghệ sĩ nghiên cứu về các liệu pháp chữa lành, ở các nước Âu - Mỹ, ngoài việc phát triển mạnh mẽ về âm nhạc trị liệu, còn có các thể loại khác như art therapy (nghệ thuật trị liệu) hay dance therapy (khiêu vũ trị liệu) để hỗ trợ các chức năng trí tuệ, tình cảm và vận động của cơ thể.
Tuy chưa phổ biến nhưng tại Việt Nam, có thể thấy hình thức đó qua dự án Wintercearig do nghệ sĩ 9X Việt Tricia Nguyễn khởi xướng năm 2016 với chuỗi chương trình thông qua nghệ thuật đương đại như múa, hội họa... để khơi gợi nhận thức về vấn đề sức khỏe tâm lý. Đây là dự án được Tricia thực hiện sau khi cô được chẩn đoán mắc chứng lo lắng và trầm cảm. Theo Tricia: “Nghệ thuật là phương pháp trị liệu tự nhiên theo cách riêng của nó. Bằng cách cung cấp cho công chúng một sự hình dung, một khái niệm tổng quát để có thể hiểu và thử nghiệm các loại hình nghệ thuật khác nhau, chúng tôi mong họ có thể tìm ra cách riêng của mình để đối phó các tác nhân gây căng thẳng hằng ngày, đặc biệt là các sinh viên chịu áp lực học tập”.
Trong nhiều năm múa và vẽ, nghệ thuật đã giúp Tricia vượt qua những quãng thời gian khó khăn. “Tôi nghĩ rằng nghệ thuật có thể là một cách tuyệt vời để thể hiện cảm xúc của một người mà không sợ bị phán xét. Tôi sẵn lòng hỗ trợ cộng đồng ở đây trong việc hiểu vấn đề về tâm lý mà chúng ta đối mặt”, Tricia chia sẻ trong buổi triển lãm nghệ thuật về sức khỏe tâm lý tại TP.HCM năm 2019.
Âm nhạc trị liệu là sự kết hợp giữa âm nhạc và y học trong trị liệu; là cách sử dụng âm nhạc nhằm mục đích cải thiện sức khỏe và các chức năng của cơ thể. Kết hợp với tâm lý trị liệu có thể ứng dụng tốt trong hỗ trợ điều trị các hội chứng/căn bệnh: Down, Alzheimer, trầm cảm, tự kỷ, tăng động, tâm thần phân liệt…
Ở Việt Nam, âm nhạc trị liệu và cảm thụ âm nhạc còn mới lạ nhưng ở các nước Âu - Mỹ, 2 môn này đã hình thành và phát triển thành môn học chính quy tại các trường đại học từ năm 1946. Những năm gần đây, có nhiều nơi tại Hà Nội và TP.HCM đã mở lớp đào tạo, cho thấy nhu cầu được học và tìm hiểu về 2 môn này, nhu cầu giải trí và “văn hóa tinh thần” bắt đầu được quan tâm dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhạc trưởng - NSƯT Hoàng Điệp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.