Khi các đệ nhất phu nhân muốn 'đổi ngôi'

11/09/2015 05:54 GMT+7

Những biến động, sự kiện trên chính trường một lần nữa lại 'đẩy lên' hình ảnh của 2 người phụ nữ quyền lực, mạnh mẽ ở Guatemala và Azerbaijan. Hai đất nước ở rất xa nhau nhưng hai nhân vật lại có một điểm gần nhau: khát vọng vươn lên tầm ảnh hưởng cao hơn nữa so với danh hiệu Đệ nhất phu nhân.

Những biến động, sự kiện trên chính trường một lần nữa lại “đẩy lên” hình ảnh của 2 người phụ nữ quyền lực, mạnh mẽ ở Guatemala và Azerbaijan. Hai đất nước ở rất xa nhau nhưng hai nhân vật lại có một điểm gần nhau: khát vọng vươn lên tầm ảnh hưởng cao hơn nữa so với danh hiệu Đệ nhất phu nhân. 

Khi các đệ nhất phu nhân muốn 'đổi ngôi'Bà Sandra Torres
Sự trở lại của Sandra Torres
Đất nước Trung Mỹ Guatemala đang phải chứng kiến một làn sóng mạnh mẽ chống lại tham nhũng khi hết nữ Phó tổng thống Roxana Baldetti đến Tổng thống Otto Pérez Molina phải từ chức và đối mặt với hàng loạt cáo buộc. Cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống lập tức khởi động rồi nhanh chóng tăng tốc. Và 1 trong 3 ứng viên sáng giá hiện nay chính là bà Sandra Torres, đệ nhất phu nhân của Guatemala từ năm 2008 đến 2011. Theo một kết quả khảo sát sơ bộ đầu tháng 9 của báo Prensa Libre, người dẫn đầu với số phiếu cao nhất là ngôi sao truyền hình Jimmy Morales, tiếp đến là doanh nhân Manuel Baldizon và đứng thứ 6 là Sandra Torres, 59 tuổi.
Từ nay đến tháng 10 vẫn còn nhiều cơ hội cho chính trị gia Sandra Torres - thủ lĩnh đảng National Unity of Hope (UNE) thay đổi tình thế bởi hai ứng viên có số phiếu cao nhất sẽ bước vào vòng đối đầu trực tiếp để tìm ra người chiến thắng. Chắc chắn lần tranh cử tổng thống lần 2 này của bà Torres cũng không dễ dàng như năm 2011.
Câu chuyện 2011 là một minh chứng hùng hồn nhất cho tham vọng chính trị của bà Torres. Năm đó, chồng bà là Tổng thống Álvaro Colom chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ và đương kim đệ nhất phu nhân chính thức được đảng UNE đề cử làm ứng viên tổng thống. Kế hoạch chuyển tiếp quyền lực từ chồng sang vợ của họ gặp phải trở ngại lớn vì hiến pháp của nước này không cho phép những người có quan hệ với tổng thống ra tranh cử. Và họ đưa ra một quyết định khiến ai cũng choáng váng: ly dị. Bà Torres vượt qua được “chướng ngại vật” ban đầu từ các nhóm đối lập cho rằng động thái này là trò lừa bịp chính trị khi được tòa tuyên “ly dị là chuyện cá nhân”. Trong một bài diễn văn thấm đẫm nước mắt vào tháng 3.2011, bà xác nhận ý định chấm dứt cuộc hôn nhân 8 năm của mình với lời tuyên bố hùng hồn: “Tôi sẽ ly dị người chồng hiện nay của mình nhưng tôi sẽ kết hôn với nhân dân. Tôi không phải là người phụ nữ đầu tiên hay cuối cùng quyết định ly dị, nhưng tôi là người phụ nữ duy nhất ly dị vì đất nước mình”.
Nhưng cuối cùng, lời kêu gọi tha thiết gửi đến tòa án hiến pháp để cho phép bà ra tranh cử với một mục đích cao cả: vợ chồng bà đặt tình yêu với đất nước Guatemala trên cả tình cảm vợ chồng “không thể bị chia cắt” vẫn không được đáp trả. Tướng Otto Pérez Molina - người công kích dữ dội nhất trước nỗ lực này của bà Torres đã về đích ở cuộc chay đua năm đó. Tuy nhiên đến nay thời thế đã đổi, Molina đang trong vòng vây của scandal tham nhũng, liệu con đường trở lại của người vợ thứ ba (và cũ) của ông Colom lần này có bằng phẳng?
Khi các đệ nhất phu nhân muốn 'đổi ngôi' 2Bà Mehriban Aliyeva
Ngôi sao Azerbaijan 
Những ngày đầu tháng 9, báo chí ở Azerbaijan đưa rất đậm và rất sinh động về chuyến viếng thăm Paris của đệ nhất phu nhân Mehriban Aliyeva, nhất là cuộc gặp gỡ với Tổng thống Pháp Francois Hollande ở Điện Elysee. Trong vai trò Chủ tịch Quỹ tài trợ Heydar Aliyev, bà Aliyeva đến Pháp để dự lễ khai mạc sự kiện giao lưu văn hóa mang tên “Thành phố Azerbaijan”.
Theo tường thuật của báo AzerNewz, ông Hollande ghi nhận tiềm năng to lớn về mối quan hệ song phương giữa hai nước và cho biết Pháp và Azerbaijan đã phát triển thành công mối quan hệ trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, công nghệ thông tin, vũ trụ và nông nghiệp. Còn về phía Aliyeva, bà cho biết các mối quan hệ giữa hai nước là ở tầm đối tác chiến lược và việc làm sâu sắc hơn nữa những mối quan hệ này là một khía cạnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này.
Nếu ở Guatemala, bà Sandra Torres đang tìm cách thu hút lại sự chú ý của người dân và báo chí thì ở Azerbaijan suốt từ năm 2003, từ khi Tổng thống Ilham Aliyev lên cầm quyền đến nay, bà Aliyeva vẫn là người phụ nữ quyền lực nhất của đất nước giàu nguồn năng lượng này. So với các đệ nhất phu nhân ở các nước thuộc Liên Xô cũ khác thì có lẽ không ai nổi bật như Aliyeva bởi bà gần như gom hết các chức danh, từ nhà hoạt động nhân đạo, đại sứ văn hóa đến thành viên quốc hội.
Những đồn đoán về bước ngoặt trong sự nghiệp của bà xuất hiện vào giữa năm 2013 khi bà được bầu làm Phó chủ tịch đảng cầm quyền New Azerbaijan (YAP). Giới quan sát chính trị Baku cho rằng việc bất ngờ đưa bà Aliyeva vào hàng ngũ cấp cao YAP là cách hợp lý để bà trở thành ứng viên tổng thống nếu chồng bà chỉ muốn dừng lại ở hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, một cánh cửa lớn hơn vẫn chưa mở ra với người phụ nữ từng tốt nghiệp hai trường đại học y khoa ở Azerbaijan và Nga bởi chồng bà vẫn tiếp tục với nhiệm kỳ 3 sẽ kéo dài đến năm 2018.
Thế nên trọng trách của bà Aliyeva ở chiếc ghế Phó chủ tịch đảng YAP, theo lời đại diện của đảng này, là hỗ trợ chồng xây dựng một đất nước Azerbaijan mạnh hơn. Còn con đường chính trị phía trước của đệ nhất phu nhân 51 tuổi này vẫn chưa rõ ràng như chính sự bày tỏ tình cảm của ông tổng thống dành cho vợ: “Phụ nữ vẫn là phụ nữ ngay cả nếu đó là vợ của tổng thống”, cùng lúc ông ca ngợi vợ mình là “một người bảo đảm hòa bình, hòa thuận và tình yêu trong gia đình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.