Khánh thành Bảo tàng Văn hóa Phật giáo

24/12/2015 19:30 GMT+7

Hàng trăm hiện vật trong đó có nhiều cổ vật quý hiếm, độc bản liên quan đến văn hóa Phật giáo lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng.

Hàng trăm hiện vật trong đó có nhiều cổ vật quý hiếm, độc bản liên quan đến văn hóa Phật giáo lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng.

Các sư thầy chiêm ngưỡng tượng Phật được sắp đặt theo văn hóa miền BắcCác sư thầy chiêm ngưỡng tượng Phật được sắp đặt theo văn hóa miền Bắc
Chiều nay 24.12, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đặt tại khu ngũ giác đài Sen Ngọc (thuộc chùa Quán Thế Âm, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) đã khánh thành sau 1 năm chuẩn bị.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận, lịch sử Phật giáo luôn đồng hành cùng lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong các bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng dân tộc học, hiện vật liên quan đến lịch sử Phật giáo luôn chiếm vị trí quan trọng.
Lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ sưu tập, hàng trăm hiện vật quý liên quan đến văn hóa Phật giáo được ra mắt công chúngLần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ sưu tập, hàng trăm hiện vật quý liên quan đến văn hóa Phật giáo được ra mắt công chúng
Theo ông Dương Trung Quốc, nhà chùa cần cố gắng đưa hình ảnh nhiều hiện vật lên internet để lập một bảo tàng trên mạng, qua đó công chúng có chuyên môn có thể đánh giá, nhận xét thêm.
Chuyên gia giám định cổ vật Phạm Quốc Quân cho rằng, bộ sưu tập của chùa Quán Thế Âm hội tụ nhiều yếu tố Phật giáo Việt Nam, khu vực Đông Nam Á cũng như các yếu tố của Phật giáo Đại thừa lẫn Tiểu thừa.
Các hiện vật được trưng bày lần này, theo ông Quân là rất độc đáo và điển hình.
Trụ trì chùa Quán Thế Âm, đại đức Thích Huệ Vinh cho biết, số hiện vật được 3 đời trụ trì dày công sưu tập trong vòng 40 năm qua. Trong đó có số do nhà chùa mua lại, số được các tín đồ đem đến biếu tặng nên hiện rất khó xác định nguồn gốc.
Theo sư thầy, ngoài việc triển lãm các hiện vật, nhà chùa sẽ trưng bày thêm sách, tài liệu, đặc san liên quan đến Phật giáo từ thời Pháp thuộc.
Được biết, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo có rất nhiều bộ tượng Phật quý hiếm với rất nhiều chất liệu như: gỗ, ngọc, đồng, sắt, đá…
Những cổ vật khiến giới nghiên cứu trầm trồ về giá trị hiếm có và độc bảnNhững cổ vật khiến giới nghiên cứu trầm trồ về giá trị hiếm có và độc bản
Trong đó, có nhiều tượng được các chuyên gia giám định đánh giá là ngang tầm bảo vật quốc gia, có giá trị đặc biệt về mặt nghệ thuật lẫn giá trị tạo hình, như: bộ bát tượng Mật tông (từ thời Champa), tượng bạch ngọc Quan âm tống tử (dưới triều Nguyễn)… cùng nhiều tượng bằng hổ phách, đá quý…
Các tượng được xác định có niên đại sớm nhất cách nay 1 thế kỷ và xa nhất là 7 thế kỷ.
Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng Trần Quang Thanh cho biết, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo là bảo tàng ngoài công lập thứ 3 tại địa phương. Trong suốt quá trình hình thành bảo tàng, Sở rất quan tâm và thường xuyên cử cán bộ có chuyên môn giúp đỡ nhà chùa bài trí, sắp xếp hiện vật.
Theo ông Thanh, ngành văn hóa sẽ tăng cường hỗ trợ công tác quảng bá bảo tàng đến với các công ty lữ hành. Qua đó, mong muốn bảo tàng sẽ là điểm đến du lịch trong tương lai.
Được biết, bảo tàng sẽ mở cửa miễn phí để phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.