Khán giả phim truyền hình Việt phải 'ăn mày dĩ vãng'?

18/06/2015 06:00 GMT+7

(TNO) Câu chuyện của Phùng Ngọc thủ vai 'thằng Cò' trong phim Đất phương Nam được công chúng quan tâm và bày tỏ tình yêu thương, nhưng điều ấy đã gợi lên bao suy tư về những bộ phim truyền hình Việt bị ghẻ lạnh.

(TNO) Câu chuyện của Phùng Ngọc thủ vai 'thằng Cò' trong phim Đất phương Nam được công chúng quan tâm và bày tỏ tình yêu thương, nhưng điều ấy đã gợi lên bao suy tư về những bộ phim truyền hình Việt bị ghẻ lạnh.

Bộ phim Đất phương Nam và các nhân vật trong phim vẫn luôn sống trong lòng khán giả, dù thời gian trôi qua gần 20 năm - Ảnh: T.L
Ngỡ tưởng khán giả sẽ không nhớ phim Đất phương Nam nhưng sự chú ý đặc biệt của bạn đọc về câu chuyện cuộc đời “thằng Cò” Phùng Ngọc đã cho thấy bộ phim này vẫn luôn sống trong lòng khán giả, dù thời gian đã trôi qua gần 20 năm. Bất ngờ hơn khi nhiều bạn đọc cho biết luôn tìm kiếm tin tức về “thằng Cò” năm nào.
Qua những dòng bình luận của độc giả cuối bài viết đăng trên Thanh Niên Online và khắp cộng đồng mạng xã hội, dường như Đất phương Nam đã trở thành một phần ký ức đầy trong sáng và hồn hậu của biết bao thế hệ khán giả Việt. Họ tìm thấy tuổi thơ, nguồn cội và số phận của mình trong đó. Nhìn lại nhiều bộ phim truyền hình Việt Nam hiện nay, khán giả không mấy mặn mà, nếu không muốn nói là quay lưng và ghẻ lạnh. Trong vài lần ngồi xem phim, người viết đã từng bị bạn nói hàm ý mỉa mai: “Đừng nói là đang xem phim Việt Nam đấy nhé!”.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải phim truyền hình Việt Nam hiện nay nhạt nhẽo, khiến công chúng không còn thích thú như xưa, trong đó phải kể đến yếu tố văn hóa Việt chưa được khảm sâu vào kịch bản. Cũng nói về đời ấy nhưng tại sao phim truyền hình trước đây chân thực, sống động là thế còn hiện nay nhạt nhẽo tới vậy, dù được đầu tư nhiều tiền và công nghệ làm phim hiện đại hơn.
Nhìn những hình ảnh trong phim Đất phương Nam khiến người dân vùng sông nước Cửu Long đã yêu lại càng thương hơn quê hương bản quán của mình, còn người miền Bắc, miền Trung thêm hiểu và yêu mảnh đất này. Không riêng gì phim Đất phương Nam, nhiều bộ phim khác như: Những nẻo đường phù sa, Chuyện làng Nhô, Sóng ở đáy sông, Ma làng, Áo lụa Hà Đông, Trăng nơi đáy giếng... đã kể những câu chuyện của từng vùng đất đầy hấp dẫn thông qua chuyện đời của các nhân vật trong phim. Và rõ ràng nhiều người đã phải bật khóc khi xem hoặc nhớ đến những bộ phim như thế.
Phim Việt Nam hiện nay gây được chú ý và có doanh thu lớn đa phần là phim chiếu rạp, còn phim truyền hình khó còn tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả như trước đây. Và chuyện người Việt chuyển sang xem những bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc, chuyện tình sướt mướt Hàn Quốc, rồi phim Thái Lan, Ấn Độ... cũng là điều dễ hiểu.
Đề tài của phim truyền hình Việt Nam hiện nay quá nhạt, quanh đi quẩn lại là chuyện tình tiền bạc bẽo, muốn hâm nóng phải dùng tới... cảnh nóng. Mà dạng đề tài này làm sao chúng ta có thể “ăn đứt” được so với các nhà làm phim nước ngoài.
Phong vị vùng miền của nước ta rất đặc sắc, tuyệt vời. Đây mới là “mảnh đất màu mỡ”, là thế mạnh để những nhà làm phim Việt Nam khai thác và tạo ra màu sắc riêng biệt trong thế giới phim ảnh. Mấy ai không lớn lên với cỏ cây, đồng đất quê hương? Khai thác tối đa điều này chắc chắn những nhà làm phim Việt Nam sẽ không để công chúng của mình phải “ăn mày dĩ vãng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.