Khám phá vẻ đẹp của văn chương qua ‘Muôn nẻo đường văn’

31/01/2021 18:00 GMT+7

Muôn nẻo đường văn là tập nghiên cứu phê bình mới nhất của nhà giáo Nguyễn Văn Nhượng (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2020). Tập sách tập hợp 21 bài viết đã được công bố trên các Tạp chí chuyên ngành và ở một số Hội thảo khoa học trong 5 năm qua.

Muôn nẻo đường văn thể hiện rõ nét lối viết khoa học với kiến thức văn chương nói chung và kiến thức văn học ở nhà trường nói riêng rất vững vàng. Đọc những bài viết trong Muôn nẻo đường văn, có thể nhận thấy sự lao động nghệ thuật miệt mài, cẩn trọng và cả những phát hiện mới mẻ, tinh tế của một nhà giáo.
Thầy giáo Nguyễn Văn Nhượng chia sẻ: “Trong hành trình chiếm lĩnh tri thức, khi nghiên cứu và giảng dạy có sự song hành sẽ tạo cho người thầy có một thế đứng vững vàng hơn, có thể đi xa hơn, và không ngừng nuôi dưỡng, bồi đắp được nhiều hơn những trải nghiệm, đam mê sáng tạo cùng cảm hứng nghề nghiệp... Nghiên cứu giúp cho việc giảng dạy không bị chông chênh, phiến diện, nửa với hoặc lạc hướng. Đến lượt nó, quá trình trải nghiệm trong giảng dạy sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi phải nghiên cứu thận trọng và tỉ mỉ”.
Muôn nẻo đường văn được bố cục làm 2 phần, trong đó Phần 1: Một số vấn đề giảng dạy Ngữ văn ở trường Trung học, tác giả đã trình bày những vấn đề cơ bản, cốt lõi trong bối cảnh dạy học theo xu hướng hiện đại. Đó là việc Thiết kế hệ thống câu hỏi kiểm tra đánh giá kỹ năng đọc hiểu văn bản theo định hướng phát triển năng lực; Từ một đề kiểm tra nghĩ về việc đổi mới dạy, học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở trường THCS; Sử dụng kiến thức tiếng Việt trường từ vựng vào đọc hiểu thơ trữ tình trong chương trình Ngữ văn 9; Văn học chiến tranh trong chương trình Ngữ văn trung học: Từ giá trị nội dung đến ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ... Phần 2: Một số tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại gồm 15 bài nhận định về các tác giả văn học hiện đại.
Trong Phần 2, Vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu là bài viết có liên quan trực tiếp đến tác phẩm hiện đang dạy trong chương trình lớp 12. Nguyễn Văn Nhượng rất có nghề khi đưa tác phẩm và phân tích nó trong một chỉnh thể; triển khai bài viết rất khoa học, lôi cuốn. 14 bài viết còn lại của những tác giả chưa có bài được đưa vào chương trình sách giáo khoa giảng dạy hiện hành nhưng góp phần rất hiệu quả trong việc mở rộng kiến thức và cái nhìn bao quát, toàn diện hơn trong mối tương quan với những nội dung trong sách mà học sinh đang học, giáo viên đang dạy. Những tác giả, tác phẩm đương đại với cái nhìn và cách khám phá mới mẻ, ấn tượng đã làm cho người đọc cảm thấy thích thú; được đắm mình trong những trang viết giàu giá trị hiện thực nhưng cũng không kém phần lãng mạn và mang hơi thở thời đại.
Giáo dục - Những mảng sáng tối qua truyện ngắn Thừa ra một người của nhà văn Văn Thành Lê có lẽ là bài viết thể hiện nhiều suy tư, trăn trở nhất về nghề dạy học nói riêng, ngành giáo dục nói chung. Nguyễn Văn Nhượng hiện là người đang trực tiếp đứng lớp, còn Văn Thành Lê cũng đã có thời gian gắn bó với bảng đen phấn trắng nên cả hai có sự đồng điệu. Cả hai đều tinh tế khi nhìn vào những sự thật của ngành giáo dục. Chính điều này, khi đọc tác phẩm của Văn Thành Lê, thầy giáo Nguyễn Văn Nhượng đã có những nhận định, đánh giá tác phẩm rất sâu sắc. Anh phân tích, mổ xẻ, luận bàn thấu đáo những nội dung trong tập sách viết về giáo dục mà ở đó có những điều tốt đẹp nhưng cũng lắm những góc khuất, tiêu cực, dở khóc dở cười mà Nguyễn Văn Nhượng gọi nó một cách hình ảnh là “những mảng sáng tối”. Nhiều yếu tố giễu nhại, hài hước, cách kể chuyện bằng thành ngữ, tục ngữ, các thuật ngữ sinh học, toán học được vận dụng đúng chỗ, đúng lúc làm cho truyện ngắn thêm phần sinh động, lôi cuốn độc giả. Qua bài viết của Nguyễn Văn Nhượng, người đọc sẽ cảm thấy thú vị khi được tiếp cận với một tác phẩm phản ánh trực diện “bộ mặt thật” của giáo dục nước nhà hiện nay.
Thiên nhiên và con người trong tập truyện ngắn Qua Đồng Cói của nhà văn Vũ Thanh Lịch cũng là bài viết khá kỹ lưỡng của Nguyễn Văn Nhượng. Bởi anh đã đọc kỹ, lại có tư duy khái quát nên đã tìm được những điểm cốt lõi, chi tiết hay, hình ảnh độc đáo... của tác phẩm để phẩm bình.
Bên cạnh đó, nhiều bài viết khác có sự đầu tư kỹ và nhìn nhận công tâm, sòng phẳng: Tình người trong truyện ngắn Trầm Nguyên Ý Anh; Triết lý nhân quả trong một số truyện ngắn của nhà văn Mai Tiến Nghị; Top ten truyện ngắn hay 2014: Một vài suy ngẫm; Tâm sự nàng Thúy Vân của nhà thơ Trương Nam Hương - Giải định kiến từ tiếng nói thấu hiểu trái tim...
Với những nội dung kiến thức hữu ích, Muôn nẻo đường văn là cuốn sách - tài liệu rất cần cho những ai thích nghiên cứu, khám phá vẻ đẹp của văn chương, đặc biệt là những thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn ở bậc Trung học.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.