Khám phá câu chuyện kỳ thú của đất Uzbekistan

20/09/2020 10:00 GMT+7

Đi, trải nghiệm, khám phá, mở rộng và sẻ chia, Uzbekistan - Giấc mơ màu lam ngọc là cuốn sách ghi lại nhật ký “du mục”, pha nhiều lấp lánh niềm vui của Hảo Phạm Fiori trong hơn 2 năm tại sống Uzbekistan - Chiếc vương miện long lanh của Trung Á.

Từ bỏ cuộc sống ổn định ở đất nước nơi có Thành Roma xinh đẹp và lãng mạn, Hảo Phạm Fiori và chồng chọn lên đường theo các dự án cứu trợ của một tổ chức nhân đạo, bắt đầu hành trình trở thành công dân toàn cầu. Cuốn sách Uzbekistan - Giấc mơ màu lam ngọc ra đời từ đó.
“Một ngày tháng 6.2015, trong khi gia đình tôi rong chơi trên bãi biển xinh đẹp của đảo Guadeloupe thì Andrea - chồng tôi - bất ngờ nhận được điện thoại. Đó là cuộc gọi từ trụ sở chính của tổ chức mà anh đang công tác. Họ mời anh tham gia một dự án ở Uzbekistan. Tuy cuộc sống ở Kenya lúc đó rất tốt, chúng tôi vẫn quyết định nhận lời mời để có cơ hội tận mắt chứng kiến xứ sở Nghìn lẻ một đêm”. Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân. Hảo Phạm Fiori đã giới thiệu về cơ duyên - bước chân đầu tiên, bắt đầu cho chuyến hành trình hơn 2 năm cùng với tổ ấm của mình tại đất nước Uzbekistan.
Trước sự háo hức lên đường, khao khát được học tiếng Nga và tìm hiểu văn hóa Nga - vốn chỉ biết qua sách truyện, xem phim - tác giả không ngại thú nhận khi bên trong cô vẫn có sự bất an và thậm chí phát hoảng bởi đất nước mình sắp đến nằm ngay cạnh “chảo lửa” Afghanistan. Thế nhưng, du hành qua 18 câu chuyện của Hảo Phạm Fiori, mọi định kiến cố hữu dần được đập tan. Vậy Uzbekistan qua những điều mắt thấy tai nghe của tác giả là gì?

Tác giả Hảo Phạm Fiori đã có nhiều trải nghiệm quý giá trong cuộc sống “du mục”

ẢNH: ÁI NHI

Mộc mạc nhưng lôi cuốn, bức ký họa được vẽ nên bằng tình yêu và hiểu biết của người nghệ sĩ về văn hóa, con người nơi đây. Uzbek tái hiện trong Uzbekistan - Giấc mơ màu lam ngọc là tổng hòa của nhiều mảnh ghép về một đất nước của những người dân chân chất và mộc mạc, thành phố thay da đổi sắc qua bốn mùa, thậm chí công dân của xứ sở này còn tự hào rằng Tashkent, thủ đô nước Cộng hòa Uzbekistan là thủ đô xinh đẹp nhất thế giới.
Nằm sát vách láng giềng Afghanistan, biên giới kéo dài khoảng 150 cây số nhưng theo lời tác giả, đây là đường biên giới có hàng rào an toàn nhất thế giới bởi hệ thống bảo vệ hiện đại và nghiêm ngặt. Dấu tích về một Liên Xô cũ vẫn còn in dấu, bằng chứng là phong cách điêu khắc của nhiều đại lộ và tượng đài tại thành phố Tashkent. Đặc biệt, người dân có đời sống văn hóa - tinh thần vô cùng phong phú, họ biết chơi ít nhất một loại nhạc cụ và các môn thể thao trí tuệ.
Phải thật trân trọng và nâng niu cơ hội trong thời gian sống tại Uzbek, Hảo Phạm Fiori mới có cái nhìn sâu sát, tường tận về đất nước này. Không coi đây chỉ là nơi dừng chân, cô biến đất nước này thành “nhà” thật sự cho tổ ấm gồm 5 thành viên. Đó là nỗ lực học một ngôn ngữ để nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống, duy trì những tình bạn khác biên giới.
Vốn là xứ của đạo Hồi nên không quá ngạc nhiên khi vấn đề cưới hỏi và quyền phụ nữ ở đây vẫn “hết sức truyền thống”. Trong câu chuyện Chuyện cưới xin của người Uzbek, cô kể việc kết hôn của con cái hầu hết do cha mẹ sắp đặt và “cô gái xinh đẹp có đoan trang không mới quan trọng, còn việc chàng trai đẹp hay xấu chỉ là thứ yếu”. Mamura - nhân vật trong chuyện Các cô giúp việc nhà tôi là một ví dụ về cuộc hôn nhân chóng vánh.
“Lenin bảo thế!” trở thành câu nói cửa miệng của con dân xứ Uzbek nếu họ làm những điều tốt đẹp. Khi miễn phí sửa giày cho những em bé và cụ già, khi tặng ai đó một món quà nhỏ, lý do đơn giản cho những hành động tốt bụng chỉ là vì “Lenin bảo thế!”.
Xuyên suốt trong những câu chuyện kể về văn hóa và con người nước bạn, len lỏi trong tác giả vẫn có một tình yêu và niềm tự hào quê hương xứ sở. Mọi hình ảnh về những bóng cây lừng lững trong thành phố, tiếng rao sớm, một con phố với nhiều ngôi nhà riêng thấp tầng đều gợi cho cô nhớ đến cuộc sống thường ngày Hà Nội. Kể cả đi cổ vũ bóng đá, khi nhạc quốc ca Việt Nam vang lên cả gia đình cô vẫn cất vang tiếng hát, trong lòng dâng trào cảm xúc lớn lao, xúc động.
Là “hậu phương” của một nhà hoạt động xã hội làm việc cho một tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn, dấn thân tại nhiều quốc gia - nơi chiến tranh, bệnh tật và nghèo đói vẫn còn hoành hành, Hảo Phạm Fiori không phải vì muốn đi một con đường khác biệt, có chăng đó là cách cô được thoải mái khám phá và luôn có cho mình đầy ắp trải nghiệm. Mở lòng, dung thứ và đón nhận mọi điều bằng con mắt cởi mở không vướng bận những định kiến. Bibo - cậu bé đến từ giấc mơ màu lam ngọc chính là món quà mà mảnh đất hạnh phúc Uzbekistan dành tặng cho gia đình của cô.
Uzbekistan - Giấc mơ màu lam ngọc duyên dáng, hóm hỉnh và chân thực. Tác giả có biệt tài kể chuyện khéo léo, phản ánh sinh động thực tế cuộc sống về một trong những chặng dừng trên Con Đường Tơ Lụa danh tiếng đến nỗi đôi lúc, người đọc cảm tưởng như đang theo sau bước chân của người phụ nữ, đi đến từng ngóc ngách đất nước Uzbekistan nghe cô giới thiệu. Cùng với Chuyện lạ Phi châu (NXB Kim Đồng) xuất bản hồi quý I năm 2020, cuốn sách mang đến cảm hứng và khích lệ những trái tim nhỏ bé, dám dấn thân, bước ra khỏi biên giới đất nước để có cái nhìn mở rộng hơn về thế giới và con người.
Hảo Phạm Fiori sinh năm 1979 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, Đại học Mỹ thuật Roma và Đại học Bách khoa Turin. Năm 2009, Hảo Phạm Fiori và chồng, anh Andrea Fiori, quyết định từ bỏ cuộc sống ổn định ở Ý để lên đường theo các dự án cứu trợ của một tổ chức nhân đạo, bắt đầu hành trình trở thành công dân toàn cầu.
Hơn 10 năm trôi qua, gia đình đa văn hóa của 2 vợ chồng họ giờ là tổ ấm của 5 thành viên. Từ ngày rời Ý, họ đã sống tại Thái Lan, Kenya, Uzbekistan và Sudan. Cuộc sống “du mục” mang lại cho Hảo Phạm Fiori và các thành viên trong gia đình - đặc biệt là ba nhóc tì tinh nghịch Baba, Bubu và Bibo - những trải nghiệm quý giá, giúp họ có cái nhìn rộng mở hơn về thế giới và con người.
Trước cuốn sách này, Hảo Phạm Fiori đã xuất bản Vì yêu (tiểu thuyết, 2018), Em đến Ý để yêu (tiểu thuyết, 2020) và Chuyện lạ Phi Châu (du ký, 2020).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.