Khai quật ngôi mộ cổ ở cánh đồng đào Nhật Tân: Người trong mộ là chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm?

09/05/2005 22:09 GMT+7

Trong 2 ngày 6 - 7/5, Ban Quản lý di tích và thắng cảnh Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật ngôi mộ cổ được phát hiện tại cánh đồng đào Nhật Tân (Nam Thăng Long). Cuộc khai quật này đã đem lại cho các nhà khoa học những phát hiện thú vị về cách mai táng mộ hợp chất và kỹ thuật ướp xác độc đáo của người Việt cổ.

Chủ trì cuộc khai quật - PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết:

- Đây là ngôi mộ hợp chất (ở miền Bắc đã phát hiện được khoảng 35 ngôi mộ hợp chất, riêng Hà Nội đã đào được 4 ngôi mộ như thế này). Gọi là mộ hợp chất là bởi bao toàn bộ bên ngoài ngôi mộ là một loại hợp chất cứng như xi măng, gồm có các thành phần: vôi, mật, cát, gạo, giấy dó. Các thành phần này trộn với nước gạo nếp như một chất keo kết dính các thành phần với nhau. Đập vỡ hợp chất đó thì đến quách gỗ, bên trong là quan tài. Bao quanh quách gỗ là 2 cái đai sắt. Có một chiếc đinh bằng đồng dài khoảng 20 phân liên kết giữa quách gỗ với quan tài. Tôi đã từng đào nhiều mộ hợp chất và thấy rằng, khi quan tài lộ ra, 5 phút đầu thì thơm nhưng sau đó thối khủng khiếp, ngôi mộ này mở từ hôm 26/4 nhưng đến ngày khai quật vẫn còn thơm. Những người công nhân phát hiện ra ngôi mộ kể lại, khi mở nắp mộ thấy chất ướp trong quan tài khá nhiều. GS Đỗ Quý Hợp cho rằng, chất ướp xác người Việt cổ thường dùng là tinh dầu thông (chủ yếu) và dầu khuynh diệp. Hôm 7/5, tôi đã lấy 2 lọ nước có chứa chất ướp đưa đến Viện Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia nhờ phân tích, để xem các chất liệu ướp trong ngôi mộ này có khác các ngôi mộ cổ không.

* Thưa ông, mộ hợp chất phổ biến ở thời kỳ nào? Và đối tượng nào mới được xây mộ hợp chất?

- Mộ hợp chất phổ biến ở thời kỳ hậu Lê, đầu Nguyễn. Các thời kỳ trước như thời Trần không có, thời Lý càng không. Mộ hợp chất chỉ dành cho vua chúa, nhà giàu, quan lại, cung tần. Mộ vua Lê Dục Tông được tìm thấy cũng là mộ hợp chất. Niên đại ngôi mộ này, theo dự đoán của tôi khoảng cuối thế kỷ 18 nhưng có thể sớm hơn.

* Ông đã nói rằng việc phát hiện ngôi mộ cổ này đã đem lại kết quả cực kỳ thú vị, xin nói rõ hơn!

- Phần lớn những ngôi mộ cổ chúng tôi đào được cốt không còn nguyên vẹn, nhưng chủ nhân của ngôi mộ này được chất ướp bảo quản rất tốt. Da, thịt, tóc vẫn còn, thậm chí khi tôi ấn ngón tay lên cánh tay cốt không hề bị lõm. Tóc ông để dài đến lưng, có buộc lại đằng sau gáy. Tôi đã đo đạc sơ bộ bộ não thì biết đó là một người đàn ông khoảng 60, 62 tuổi, cao 1,62m. Người đàn ông này chỉ mặc 2 cái quần nhưng lại mặc rất nhiều áo, gồm 9 cái áo lụa bên ngoài, 10 cái áo gấm, và bên trong 4 cái áo lụa nữa. Những áo ngoài đã nát nhưng 10 áo gấm bên trong còn khá tốt, hoa văn rất đẹp. Chúng tôi đã đưa toàn bộ số chăn gối chèn, và số quần áo đến Viện 69 Bộ Tư lệnh Lăng để tẩy và làm khô trong nhiệt độ nhất định. Giá trị của phát hiện này là ở chỗ, chúng ta sẽ được biết chân xác trang phục của người Việt ở thế kỷ 18. Chân ông đi đôi giày cao cổ (tựa như giày đi hia mũi nhọn). Chính từ giày và áo này mà nhiều người cho rằng đây là một ông quan. Có người còn cho rằng, đây có thể là ngôi mộ chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (mộ bà Đoàn Thị Điểm đã được phát hiện ở Nam Thăng Long. Theo sử sách, bà lập gia đình với tiến sĩ Nguyễn Kiều người làng Phú Xáá, huyện Từ Liêm). Thông thường trên nắp quan tài các ngôi mộ cổ đều có chữ viết, hoặc có chữ viết trên những tấm vải liệm, nhưng ở ngôi mộ này không có một chữ viết nào. Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu bằng 2 cách: nghiên cứu mẫu quần áo; lấy gỗ quan tài xác định niên đại bằng phương pháp C14 thì mới có thể công bố kết quả chính xác được.

Có một chi tiết cũng rất thú vị, chúng tôi phát hiện được ở đáy quan tài dưới tấm thất tinh (lớp gỗ mỏng đục 7 lỗ hình ngôi sao) có 5 cm gạo rang, trong khi các ngôi mộ khác chúng tôi tìm thấy cát hoặc chè. Gạo rang có tác dụng hút ẩm. Phát hiện này càng cho thấy kỹ thuật ướp xác độc đáo của người Việt xưa.

* Các nhà khoa học xử lý ngôi mộ như thế nào, thưa ông?

- Với người quá cố chúng tôi làm hết mình. Chúng tôi đã rửa cho ông bằng nước thơm, quấn vải đỏ liệm ông vào quan tài. Vì không biết danh tính nên chúng tôi làm bia cho ông. Người dân địa phương đã tự nguyện thuê kèn trống đưa ông về nghĩa trang gần đó. Họ coi ông như một người con của mảnh đất làng đào Nhật Tân.

Thu Hồng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.