Kênh YouTube của những tấm lòng vàng

Nguyên Vân
Nguyên Vân
07/03/2021 06:45 GMT+7

Cũng sử dụng kênh YouTube để kiếm tiền, song không ít nghệ sĩ, YouTuber trích số tiền ấy giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, thiếu may mắn, biến kênh YouTube thành cầu nối gắn kết yêu thương.

Tình nghệ sĩ tuổi xế chiều

Sau thời gian lập kênh YouTube Ngũ Long Du Ký, chia sẻ cuộc sống hằng ngày, hậu trường công việc, những tiểu phẩm hài, 5 nghệ sĩ là chủ nhân kênh này: Phi Phụng, Phương Dung, Thụy Mười, Diễm Hương, Năm Chà, vừa ra mắt chương trình Thương đời gạo chợ nước sông. Chương trình nhằm kêu gọi đồng nghiệp, mạnh thường quân và khán giả quan tâm giúp đỡ những nghệ sĩ neo đơn, kém may mắn...
Mỗi số phát sóng (vào tối thứ sáu hằng tuần) thể hiện cuộc sống của một nghệ sĩ, xoay quanh quá trình đến nơi sinh sống của nhân vật, trò chuyện để rõ hơn bệnh tình cũng như những khó khăn mà nhân vật đang đối mặt... “Thông qua chương trình, nhóm mong muốn mọi người hiểu hơn về những mảnh đời nghệ sĩ ở tuổi xế chiều, cả đời cống hiến nhưng nay người lủi thủi một mình, người thì nằm một chỗ...”, hoa hậu Diễm Hương thổ lộ. Số đầu tiên nhóm thực hiện về diễn viên Hoàng Lan (vừa phát vào tối 5.3) đang chịu nhiều đau đớn vì bị hoại tử cột sống (sau khi mổ cột sống 2 lần), mù một bên mắt...
Theo nghệ sĩ Phương Dung (người lo hết các khâu từ kế hoạch, nội dung, tìm hiểu thực tế, dựng clip, kêu gọi - kết nối), khi lập kênh Ngũ Long Du Ký, nhóm đã trích tiền thu nhập từ YouTube và vận động thêm để ủng hộ một nghệ sĩ khó khăn hoặc giúp các trại trẻ mồ côi, nhưng không thường xuyên. “Sau khi kênh đạt được nút bạc thì nhóm mình thực hiện nội dung chỉn chu hơn, và nhóm chọn hình thức thiện nguyện, hướng đến việc chia sẻ nhiều hơn những mảnh đời thiếu may mắn thuộc lĩnh vực nghệ thuật, từ diễn viên đến các cô chú anh chị em thiết kế, hậu đài, âm thanh ánh sáng...”, chị cho biết.
Nghệ sĩ Phương Dung nói thêm: “Ban đầu, đợt 1 chúng tôi chỉ được nghệ sĩ, đồng nghiệp: Thu Trang - Tiến Luật, Việt Hương, Phú Quý, Lê Giang, Hứa Vĩ Văn... hỗ trợ, nhưng đợt 2 vừa quay xong đã có nhà hảo tâm, khán giả đóng góp. Ngoài việc hỗ trợ kinh tế, bằng mối quan hệ của mình, chúng tôi cũng vận động - liên kết để có thể giúp phần nào việc chữa bệnh cho các cô chú nghệ sĩ”, chị chia sẻ.
Sau đợt thăm - tặng quà đầu tiên với các nghệ sĩ Hoàng Lan, Tùng Lâm, Diễm Kiều, Thanh Tú - Trang Bích Liễu, nhóm vừa thực hiện đợt 2 với các nghệ sĩ: Trang Thanh Xuân - cô đào chính tài sắc một thời (nay bán vé số và trọ trong căn phòng 6 m2), nghệ sĩ Hồng Sáp trên 80 tuổi vẫn cặm cụi đến đình Nhơn Hòa phụ giúp việc cho thuê phục trang cải lương để trang trải tiền thuê nhà, nghệ sĩ Tòng Sơn thổi kèn harmonica đã hơn 90 tuổi, sống một mình - ở nhờ nhà người em, và nghệ sĩ Minh Hùng một thời huy hoàng với vai đô úy Mã Tắc trong vở Tiếng trống Mê Linh.

“Yêu thương trao đi là yêu thương còn mãi”

So với người bình thường, nghệ sĩ có lợi thế hơn trong công tác thiện nguyện, vì sự nổi tiếng, sức ảnh hưởng và niềm tin mà công chúng dành cho tên tuổi của họ. Tuy nhiên hiện nay, không chỉ có người của công chúng lập kênh YouTube với các chương trình thiện nguyện, người-bình-thường ở bất kỳ đâu cũng có thể xây dựng cho mình “thương hiệu” nhân ái khi đủ lòng thành. Có thể kể đến một số kênh YouTube lan tỏa tinh thần này đang nhận được sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước: Nhí Hờn - Cà Mau quê tôi, Phi Một Chân, Châu Đại Dương...
Thái Văn Nhí - chủ kênh YouTube Nhí Hờn - Cà Mau quê tôi, cho biết anh lập kênh YouTube “ban đầu để thỏa sở thích săn bắt, ẩm thực, nhưng trong quá trình rong ruổi ấy, Nhí đã gặp hoàn cảnh thương tâm của 3 đứa bé (ở xã Khánh Bình Đông, H.Trần Văn Thời, Cà Mau) bị cha mẹ bỏ rơi, không nơi nương tựa. Thế là Nhí thực hiện clip về các em, sau khi chia sẻ trên kênh của mình, không ngờ đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các nhà hảo tâm, xây được cho 3 cháu căn nhà, mua vật dụng cần thiết, lập sổ tiết kiệm...”. Từ đó, Nhí chuyển sang thực hiện clip với tính chất thiện nguyện cho đến nay, làm cầu nối cho hàng trăm trường hợp bà con cần cứu giúp, hỗ trợ ở quê mình (H.Trần Văn Thời) và các huyện ở Cà Mau: khi giúp xây sửa nhà, xây cầu, lúc giúp tiền trị bệnh, lo tiền ma chay, khi tiếp sức các em học sinh nghèo vượt khó...
Niềm vui ngày Lương Phi mang được nước về nhà cho bà cụ Phạm Thị Bông

Niềm vui ngày Lương Phi mang được nước về nhà cho bà cụ Phạm Thị Bông

Trong khi đó, Lương Phi (ở Quảng Nam) - chủ kênh Phi Một Chân, lập kênh YouTube, làm video với tinh thần “yêu thương trao đi là yêu thương còn mãi”. Lúc đầu, Phi cũng gặp rất nhiều khó khăn, từ việc tiếp cận đến người xem, kết nối các mạnh thường quân. Nhưng qua những việc làm cụ thể của Phi, sự chân thành yêu thương Phi dành cho người khác, niềm tin bắt đầu được gầy dựng; dần dần Phi được nhiều mạnh thường quân tin tưởng, đặc biệt là những Việt kiều. “Những hoàn cảnh mà em giúp đỡ cũng mở rộng hơn, từ những trường hợp đau, ốm đau bệnh tật không có tiền đi viện, tâm thần, người già neo đơn đến trẻ mồ côi không được đến trường, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, người chết không có tiền mai táng...”, Phi nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.