Karl Lagerfeld, kỳ tài hiếm có của làng mốt thế giới

Thanh Tuyền
Thanh Tuyền
20/02/2019 11:24 GMT+7

Ngày 19.2, hàng triệu người bàng hoàng trước sự ra đi của Karl Lagerfeld, 'bố già' có công đưa Chanel từ một công ty đang đứng trên bờ vực phá sản trở thành một đế chế thời trang hàng đầu thế giới.

Nếu không phải thời trang thì sẽ chẳng là gì khác

Karl Lagerfelt sinh năm 1933 tại Hamburg (Đức) trong một gia đình giàu có nhờ kinh doanh sữa đặc sau Thế chiến thứ hai. Từ khi còn là một cậu bé, vị giám đốc sáng tạo đại tài của Chanel đã mải miết với đống búp bê giấy, mân mê hàng trăm bức ảnh váy vóc từ các tạp chí nổi tiếng hay dành cả ngày trời bên những phụ kiện làm đẹp, đồ nội thất.

“Tôi được sinh ra với cây bút chì trong tay và tôi không thể nhớ nổi bản thân từng mơ ước làm gì khác ngoài công việc hiện tại”, nhà thiết kế 85 tuổi bày tỏ trong cuộc phỏng vấn với Vanity Fair năm 1992.

Karl Lagerfelt thuở mới vào nghề ẢNH: PINTEREST

Năm 1954, khi mới 21 tuổi, Karl Lagerfelt tham gia một cuộc thi thời trang và giành chiến thắng ở hạng mục áo khoác. Thế rồi cơ duyên đưa đẩy kẻ “tay mơ” mới chập chững vào nghề đến với công việc trợ lý cho Pierre Balmain. Bắt đầu từ những năm cuối thập niên 1950, ông làm việc như một nhà thiết kế tự do. Nhà thiết kế kỳ cựu người Đức tạo kiểu giày cho Charles Jourdan, đồ da cho Mario Valentino, đồ thể thao cho Krizia cùng với những món đồ như: lược chải tóc, bút, đồ nội thất… cho nhiều nơi khác.

Trong khi những đồng nghiệp cùng thời, bao gồm Sonya Rykiel và Kenzo hay Saint Laurent, đã mở công ty với tên riêng của họ trên nhãn nhiệu, Karl Lagerfeld vẫn cần mẫn thử sức với nhiều nhãn hàng mới và vô tư nói rằng ông không muốn lo lắng về việc sở hữu một doanh nghiệp của chính mình.

Karl Lagerfelt vào năm 1972 ẢNH: GETTY IMAGES

Dần dà, Karl Lagerfelt thu hút được sự chú ý với tư cách là một cộng tác viên tại Chloe, một thương hiệu thời trang nữ của Pháp vào năm 1963. Đầu những năm 1970, khi đã là nhà thiết kế chính, ông bắt đầu tạo ra một hình ảnh lãng mạn, mang hương vị cổ điển cho những trang phục của hãng. Năm 1975, “ông hoàng” thời trang tiếp tục cho ra mắt một dòng nước hoa Chloe ngọt ngào, nhẹ nhàng và trở thành một trong những thành công nhất của thương hiệu này trong suốt một thập niên. Sau hàng loạt dấu ấn sâu đậm với Chloe, Karl Lagerfelt rời đi vào năm 1984.

Bên cạnh Chloe, Karl Lagerfeld đã chứng minh sự linh hoạt và tài năng của mình cho thành công thương mại khi nhận được lời đề nghị từ Fendi, “gã khổng lồ thời trang Ý”. Biểu tượng thời trang 85 bắt đầu mải mê tạo ra những thiết kế da và lông thú khác biệt, độc đáo và mang tính xu hướng nhất. Từ bộ sưu tập Fendi đầu tiên của ông vào năm 1966, những phát minh của ông dường như không có biên giới. Và những tín đồ của thời trang liên tục bị mê hoặc bởi những gì được tạo ra từ bàn tay của nghệ sĩ tài hoa người Đức. Fendi cũng là một trong những thương hiệu mà Karl Lagerfeld gắn bó lâu năm nhất. Từ khi bận rộn với thương hiệu thời trang riêng đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, vị giám đốc sáng tạo quyền uy này vẫn giữ vai trò cố vấn cho thương hiệu nói trên.

Đối với mỗi thương hiệu từng hợp tác, Karl Lagerfeld luôn biết cách tạo nên cá tính và sức hút riêng, chính điều này tạo nên thành công không giới hạn của ông ẢNH: GETTY IMAGES

Chloe, Fendi rồi những năm làm việc vô danh tại nhiều nơi khác nhau, Karl Lagerfeld đã thể hiện phong cách biến hóa đa dạng nhưng không pha lẫn vào nhau. Với mỗi thương hiệu mà ông bắt tay hợp tác, người ta lại thấy một cá tính riêng, một màu sắc khó nhầm lẫn. Sự biến hóa được ví như tắc kè hoa của nhà sáng tạo hàng đầu thế giới đã được nữ nhà văn Alicia Drake khẳng định trong cuốn sách thời trang The Beautiful Fall: “Karl Lagerfeld có thể thay đổi tư duy sáng tạo của mình nhanh như cách người khác thay đồ”.

35 năm trở thành "linh hồn" của nhà mốt hàng đầu thế giới

Năm 1983, Alain Wertheimer, chủ sở hữu của Chanel, đã mời Karl Lagerfeld thổi hồn vào ngôi nhà thời trang mang tính biểu tượng của Pháp, nơi đã bị suy tàn kể từ sự ra đi của Coco Chanel vào năm 1971. Và nghệ sĩ tài hoa này đã thực hiện điều đó một cách ngoạn mục. Bằng chứng là kể từ khi lèo lái Chanel, Lagerfeld đã nhanh chóng hồi sinh thương hiệu, khoác lên chúng một diện mạo mới mẻ, khác biệt nhưng không hề lãng quên những tiêu chí mà hãng vẫn hằng theo đuổi: độc lập, tự do và hiện đại.

Với tư duy sáng tạo đi trước thời đại cùng sự hăng hái của mình, nhà tạo mẫu tài năng đã biến Chanel trở thành chuẩn mực trong các cuộc phục hưng thương hiệu di sản ẢNH: AFP

Năm năm sau khi Karl Lagerfeld gia nhập Chanel, các chương trình của ông là chiếc vé nóng nhất trong tuần lễ thời trang Paris. Mức lương của “phù thủy” làng mốt cũng nhanh chóng tăng từ 1 triệu USD mỗi năm lên 1 triệu USD cho mỗi bộ sưu tập. Thành công của ông đã khởi đầu một cuộc cách mạng thời trang xa xỉ, khiến các nhà mốt từ Dior và Givenchy ở Paris đến Gucci ở Milan phải thuê các nhà thiết kế trẻ tài năng nhất để cập nhật xu hướng.

Karl Lagerfeld khiến cả thế giới hết choáng ngợp lại trầm trồ trước những sàn diễn hoành tráng, ngoạn mục, nơi Chanel giới thiệu đến giới mộ điệu những bộ sưu tập đẳng cấp nhất của hãng ẢNH: CHANEL

Trong hơn nửa thế kỷ gắn bó với thời trang, Karl Lagerfeld đã nhận được vô số giải thưởng danh giá cho những cống hiến vĩ đại của mình trong ngành công nghiệp khổng lồ này. Thế nhưng, giải thưởng giá trị nhất với nghệ sĩ đại tài này là sự săn đón nồng nhiệt và niềm say mê không điểm dừng của các tín đồ thời trang đối với những thiết kế do chính tay ông tạo ra.

Cả cuộc đời của Karl Lagerfeld gắn liền với thời trang và chỉ có niềm đam mê duy nhất với thời trang. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2004 với tạp chí Vogue, tượng đài bất hủ của làng thời trang đương đại từng thẳng thắn bày tỏ: “Tôi chẳng biết gì về tương lai, tôi chỉ biết với tất cả những công việc yêu thích về thời trang, hiện tại đã là thiên đường”.
Nhiều người đặt hoa hồng trắng trước cửa hàng của Chanel để tưởng nhớ Karl Lagerfeld. Tờ Los Angerles Times nhận định rằng sự ngưỡng mộ mà công chúng dành cho ông chẳng hề thua kém sự say mê mà họ dành cho những món đồ đắt đỏ nhưng đầy tinh tế của Chanel ẢNH: REUTERS

Hai năm trở lại đây, giới điệu mộ dễ dàng nhận thấy những bước chân của Karl Lagerfeld không còn vững vàng như trước. Và rồi, sự vắng mặt của ông tại Chanel Couture hồi tháng 1.2019 khiến công chúng không khỏi lo lắng về những vấn đề sức khỏe mà Lagerfeld đang phải đối mặt. Đến ngày 19.2, làng thời trang thế giới chính thức mất đi một kỳ tài.

Trên trang Facebook của hãng, Chanel vừa phát đi một thông báo, bên cạnh nội dung bày tỏ sự tiếc thương trước cái chết của nhà mốt lừng danh này, họ còn trích nguyên văn lời của giám đốc điều hành Alain Wertheimer: "Nhờ vào sự sáng tạo thiên tài, sự hào phóng và trực giác đặc biệt của mình, Karl Lagerfeld đã đi trước thời đại, đóng góp không nhỏ cho thành công của House of Chanel trên toàn thế giới. Hôm nay, tôi không đơn thuần chỉ mất một người bạn và tất cả chúng ta đã mất một bộ óc sáng tạo phi thường”.

Sau sự ra đi của Karl Lagerfeld, liệu Virginie Viard có đủ sức gồng gánh đế chế thời trang mà "ông trùm" để lại? ẢNH: AFP

Kể từ nay về sau, công chúng thời trang trên toàn thế giới sẽ chẳng còn nhìn thấy một quý ông luôn diện vest đen, để tóc đuôi ngựa, đeo gang tay da, nhẫn Chrome Hearts và đôi mắt kiêu hãnh sau cặp kính râm quen thuộc mỗi khi show diễn của Chanel hạ màn.

Tiếp bước Karl Lagerfeld, Virginie Viard - cộng sự trong hơn 30 năm của ông, đã được Alain Wertheimer giao phó công việc sáng tạo các bộ sưu tập tương lai của Chanel, góp phần để di sản của Coco Chanel và Karl Lagerfeld có thể sống mãi trong hơi thở gấp gáp của thời trang đương đại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.