Nếu không sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, anh có nghĩ mình sẽ trở thành một nghệ sĩ?

Người ta hay nói: đâu ai chọn được cửa sinh. Tôi đồng ý mình thừa hưởng từ truyền thống gia đình nhưng bản thân tôi phải có tố chất nghệ thuật thì mới có thể theo đuổi con đường này lâu dài. Trước đây tôi đã từng mê nghề giáo, muốn làm giáo viên dạy văn; và nếu theo nghệ thuật thì tôi sẽ trở thành nghệ sĩ cải lương chứ không phải nghệ sĩ thoại kịch, vậy nhưng cuộc đời mà, tôi lại yêu nghệ thuật kịch nói nhiều hơn. Tôi nghĩ tôi mà bước ra khỏi con đường nghệ thuật giống như là cá quăng lên bờ. Cũng may mắn khi tôi được sinh ra trong gia đình truyền thống nghệ thuật nên giúp tôi trở thành nghệ sĩ trình diễn không lẫn với người khác được, vì tôi hiểu biết khá nhiều những hình thức biểu diễn khác nhau từ sớm. Tất cả những điều đó làm nên một Thành Lộc như bây giờ.

Anh từng e ngại khi được mời đóng vai chính là một nhân vật đồng tính trên phim ảnh, vì sao? Lý do nào anh vẫn đảm nhận, như vai mới nhất là một "drag queen" (nữ hoàng chuyển giới biểu diễn trên sân khấu) trong bộ phim Ngôi nhà bươm bướm?

Tôi lo sợ đây là một nhân vật câu khách, chọc cười rẻ tiền như các bộ phim trước đây tôi từng xem. Người đồng tính cũng muôn màu muôn vẻ, nhưng người ta lại thích miêu tả các nhân vật đồng tính một cách đáng thương, đáng buồn cười và làm quá lố, bởi vì dễ gây cười, dễ bán vé. Họ nghĩ đến lợi nhuận nhiều hơn và làm phim bất chấp suy nghĩ của cộng đồng này để có lợi nhuận tốt nhất cho họ. Điều đó khiến xã hội đã có thành kiến với cộng đồng này lại càng thêm thành kiến là cộng đồng này chỉ làm hề, nên tôi rất e ngại khi họ mời tôi đóng dạng vai này. Tôi không muốn góp phần làm giảm giá trị cộng đồng này, bởi vì không ít người trong giới LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) đã có những đóng góp tích cực trong đời sống xã hội.

Hiện cách nhìn về LGBT đã cởi mở hơn trước nhiều, nhưng thực tế là chưa hoàn toàn bình thường hết trong xã hội. Anh nghĩ sao về điều này?

Tôi không muốn hô hào, kêu gọi đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT, bởi những người thuộc cộng đồng LGBT có gì không bình đẳng đâu. Chúng ta không kêu gọi người khác phải thương hại mình và ai cũng biết người đồng tính vẫn có giá trị của họ. Tôi muốn truyền cảm hứng tích cực đến những người chưa hiểu về cộng đồng này qua vai diễn của tôi, và nếu trong gia đình của ai đó có một thành viên như thế thì hãy hiểu và thông cảm cho họ hơn.


Chính danh thì anh mới chỉ có danh hiệu NSƯT. Việc trở thành NSND phải là nỗi niềm khó nói của anh?

Tôi tin là người ta có trân trọng đóng góp của tôi trong lĩnh vực sân khấu, nhưng nhược điểm ở đây là cơ chế. Nếu Nhà nước thấy người nào xứng đáng với danh hiệu thì hãy trao cho họ, chứ đừng để nghệ sĩ phải làm đơn, báo công để xin cho được danh hiệu đó. Cho nên tôi mới nói là “của cho không bằng cách cho”.

Người nghệ sĩ khi phấn đấu cả cuộc đời cho nghề thì thực sự họ không cần danh hiệu nào cả, nhưng nếu được Nhà nước phong danh, họ sẽ cảm thấy rất hãnh diện, ý nghĩa và tự hào.

Anh mong muốn làm việc trong môi trường làm nghề như thế nào để các nghệ sĩ truyền cảm hứng cho nhau, cùng làm nên những tác phẩm tử tế cho xã hội?

Hoạt động nghệ thuật nói chung cũng giống như cái đồ thị parabol vậy, có những lúc lên và xuống. Đơn vị sân khấu nào có tác phẩm hay thì khán giả đến, tác phẩm không còn hay nữa thì khán giả đi. Chuyện đó hết sức tất yếu. Nhưng người làm nghệ thuật ở VN hay bị sa đà và chiều theo thị hiếu. Nhưng cũng mừng vì các bạn trẻ làm nghệ thuật hiện tại có thể dung hòa được giữa nghệ thuật và thị hiếu khán giả; còn thế hệ trước thì đa số nghiêng về nghệ thuật nhiều hơn, loay hoay giữa “nghệ thuật vị nhân sinh” hay “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Nếu dung hòa được cả hai thì tốt, bởi suy cho cùng, chức năng đầu tiên của nghệ thuật là giải trí, giúp người ta cảm thấy yêu cuộc đời và làm đẹp cho đời nhiều hơn.

Đức tính cao quý của người làm nghệ thuật là sự hy sinh, đừng có máu “con buôn” khi làm nghệ thuật. Thay vì lời 10 thì mình chấp nhận lời 7 thôi, hãy chừa 3 phần còn lại cho nghĩa vụ của người nghệ sĩ là giáo dục thẩm mỹ. Nếu làm tốt sẽ còn giúp tạo dựng được tên tuổi và uy tín nghệ thuật, để có tiếp khán giả gắn bó với mình.

Theo anh,những vở kịch được đầu tư lớn và mang tính giáo dục, thẩm mỹ, giải trí cao như vở nhạc kịch Tiên Nga nhưng trải qua quá nhiều trắc trở, liệu có còn cơ hội thuận lợi xuất hiện trên sân khấu kịch? Tại sao khi nói về Tiên Nga, anh cho biết “càng thành công tôi càng tủi thân”?

Tôi nói tủi thân là vì ngay từ đầu khi có thông tin Thành Lộc sẽ làm vở kịch thơ Lục Vân Tiên thì có người cười sau lưng tôi từ cả phía đồng nghiệp lẫn truyền thông. Người ta nói “thời buổi này mà còn làm kịch thơ Lục Vân Tiên, ai mà coi”; “nhắm làm qua được vở cải lương Kiều Nguyệt Nga của nhà hát Trần Hữu Trang hồi trước hay không mà sao gan vậy”… Đúng ra họ phải động viên tinh thần cho người làm. Cho nên người làm nghệ thuật ở VN phải dũng cảm, chứ trái tim nhạy cảm quá thì dễ bị tổn thương. Tôi bị “cô đơn” là vậy đó.

Tôi nghĩ một con én thì không làm nên mùa xuân, nhưng trời đã ban cho mình là con én thì phải dệt nên mùa xuân thôi. Như bản thân tôi khi làm giám khảo cho một cuộc bình chọn gương mặt trẻ, tôi có thấy một đạo diễn trẻ ở Hà Nội cũng đang làm những vở nhạc kịch; điều đó khiến tôi cảm thấy hứng thú, có thêm động lực để tiếp tục công việc của mình và tôi dựng vở Tiên Nga. Cũng như những vở diễn chính kịch ở sân khấu Hoàng Thái Thanh của NSƯT Thành Hội và Ái Như cũng làm cho tôi cảm thấy vui vì vẫn có được đối tượng khán giả khi họ tâm đắc theo con đường riêng của họ. Tôi nghĩ mình cứ làm đi, sẽ tìm được những khán giả tri âm tri kỷ của mình.

Má anh vừa mất hồi tháng 5 năm nay (cũng như ba anh đã mất trước đó) có phải là điều làm anh buồn và tiếc nuối nhất trong cuộc đời này? Anh nói 80 tuổi vẫn độc thân thì trong mắt má, anh vẫn chưa trưởng thành. Vậy trong đời sống hiện tại của anh, những điều là chưa trưởng thành?

Tôi không thấy buồn và trống vắng gì cả dù ở một mình và rất thương ba má, bởi tôi hiểu đó là quy luật cuộc đời. Mà từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ nũng nịu với ba má tôi cả. Sự độc lập của tôi đã như vậy từ lâu lắm rồi. Tôi tự làm, tự chịu trách nhiệm với mình và tôi nghĩ đó cũng là một cách rèn luyện của ba tôi để cho tôi trưởng thành.

Tôi nghĩ trong mắt của người lớn thì đứa con nào chưa thành thân, lập gia thất thì đều là chưa trưởng thành. Tôi chưa có kinh nghiệm làm cha nhưng đối với tôi, một người đã có gia đình, có con có cháu cũng chưa chắc đã trưởng thành. Trưởng thành ở đây là sự giác ngộ về nhận thức. Đôi khi tôi thấy mình cũng có nhiều lúc chưa trưởng thành, ví dụ như có những người mình rất tin yêu, luôn nghĩ họ tốt với mình, nhưng đến một lúc nào đó nhận ra họ không như mình nghĩ. Hoặc có những người trước giờ mình rất thành kiến, ác cảm nhưng rồi một ngày mình mới hiểu được họ là người tốt, thì rõ ràng là thời gian trước mình chưa trưởng thành (cười).

Mọi người nghĩ anh sống một mình ở tuổi này chắc buồn cô đơn lắm?

Tôi rất sợ đám đông, nhưng dù sống một mình, tôi vẫn vui, không buồn chút nào. Ở nhà mỗi khi đám giỗ đông người, tôi lo xong công chuyện là kiếm cớ đi chỗ khác. Bạn bè nghệ sĩ cũng vậy, tôi ít tụ tập vì quen quá rồi. Tôi thường thích gặp gỡ bạn bè mới ngoài nghề, vì được nghe những câu chuyện, đề tài mới mà mình có thể học hỏi, khi diễn vai đó thì mình còn biết ứng dụng. Tôi thích cùng họ ngồi uống trà vui vẻ và mỗi ngày của tôi là như thế. Tôi rất enjoy (tận hưởng) điều đó. Dù thế tôi vẫn một mình khi ở nhà với thế giới riêng của tôi. Yên tâm là tôi không có buồn và cô đơn, tôi vui vẻ, hài lòng với cuộc sống của mình dù có ra sao.

Hiện giờ anh quan trọng điều gì?

Sức khỏe. Vì có sức khỏe thì mới sống lâu và làm nghề được dài. Còn tiền thì vẫn cần chứ, vì không có tiền làm sao mà sống. Nên tôi vẫn nhận việc để làm, mà khi nhận việc rồi thì phải có sức khỏe. Còn tình yêu với tôi, có thì tốt, nhưng nếu không có thì cũng không sao!

Báo Thanh Niên
22.09.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.