Huyền thoại báo chí Peter Arnett: Đừng sợ khi nói sự thật !

03/05/2009 22:05 GMT+7

Ngày 6.5 tới, Peter Arnett, cựu phóng viên (PV) chiến trường 75 tuổi của hãng tin AP, CNN, người được coi là “huyền thoại sống” của báo chí thế giới, sẽ đến VN nhân ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn tự truyện Live from the battle field của ông. Mời nghe đọc bài

Live from the battle field (tựa đề tiếng Việt Từ chiến trường khốc liệt) vừa được NXB Thông tấn phát hành dịp cuối tháng 4 này, với bản dịch của Phạm Hải Chung - một học trò của Peter Arnett trong khóa học thạc sĩ báo chí quốc tế cuối năm 2007 tại Hongkong Baptist University.

Từ chiến trường khốc liệt kể về những trải nghiệm của Peter Arnett khi làm PV chiến trường ở VN, ở Baghdad, ở Kabul, Afghanistan, và những quan sát của ông như một PV độc lập, có chính kiến.

Trong những năm 1962 - 1975, Peter đã viết 3.545 bài báo về cuộc chiến tranh ở VN. Những câu chuyện của chàng PV người Mỹ gốc New Zealand này bao quát mọi chủ đề, từ ngóc ngách của chiến trận đến thời sự chính trị ở Sài Gòn, tới những cuộc thăm viếng của các nhân vật quan trọng trong chính quyền Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu và Chính phủ Mỹ, thậm chí cả những bữa tiệc chiêu đãi ở bãi biển.

Năm 1966, Peter Arnett được trao giải báo chí Pulitzer vì những tác phẩm báo chí viết về chiến tranh ở VN...

Thanh Niên đã phỏng vấn Peter Arnett qua e-mail trước ngày ông sang VN.

Sự hời hợt của danh tiếng và giải thưởng

* Tại sao ông muốn trở thành một PV chiến trường? Hình như một PV chiến trường thì dễ nổi tiếng hơn một PV ngồi ở nhà, bởi vì anh ta có nhiều cơ hội để thể hiện hơn, thưa ông?

- Không một nhà báo trẻ khôn ngoan nào khi bắt đầu sự nghiệp lại muốn bị bắn khi đang tác nghiệp ở chiến trường. Thế nhưng, khi những trải nghiệm nghề nghiệp của bạn ngày càng phong phú và đến một ngày, biên tập viên của bạn đề nghị bạn tình nguyện theo dõi mảng tin chiến sự thì có lẽ bạn sẽ bớt lo lắng hơn. Điều đó đã xảy đến với tôi khi tôi làm thường trú cho hãng tin AP ở Jakarta và được đề nghị đến chiến trường VN năm 1962.

Đúng là một PV chiến trường có thể dễ nổi tiếng hơn những PV ngồi nhà, và điều đó là sự thật. Bởi vì tất cả mọi người có dính líu đến chiến tranh đều có thể nổi tiếng: những vị tướng, những chính khách, những người lính cừ nhất... Một bản tin chiến sự, vì vậy, cũng thường rất đắt giá. CNN đã trả hàng triệu USD để có tin về cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ 2 năm 2003. Các kênh truyền hình khác cũng sẵn sàng trả hàng triệu USD cho một tin tức chiến trường. Ở Iraq hiện giờ, các chi phí bảo đảm an ninh cho PV Thời báo New York và Bưu điện Washington cũng đã ngốn hàng ngàn USD mỗi ngày.

Trong cuộc chiến VN xưa kia, mỗi PV AP như tôi đều được bảo hiểm thương tật và sinh mạng, đồng thời chi phí cho trang thiết bị và các phương tiện tác nghiệp cũng rất đắt đỏ. Điều này có nghĩa là chỉ những tờ báo dư dả mới dám “nuôi” mảng tin quốc tế. Dĩ nhiên, kiếm được một công việc loại này cũng chẳng dễ dàng gì. Sự thật là đã có hơn 60 nhà báo phương Tây chết trên chiến trường VN và rất nhiều người bị thương khi đang tác nghiệp. Cái giá để trả cho những PV mặt trận, xét cho cùng, chẳng hơn gì những PV ở nhà, khi mà họ không phải đánh đổi cả sinh mạng chỉ để lấy một dòng thông tin nhỏ.

* Như vậy, danh tiếng không phải là mục tiêu mà một PV nên hướng đến? Nhưng hãy thử hình dung, nếu một PV đã cống hiến cả cuộc đời để sản xuất ra những tác phẩm báo chí mà chẳng ai hay, liệu đó có phải là thất bại?

- Tôi đã nhận được 1.000 USD khi giành giải thưởng Pulitzer cho những bài tường thuật về chiến tranh ở VN, và sau đó cũng chẳng được tăng lương. Đấy là “cái giá” của sự nổi tiếng ư? Và sự nổi tiếng ấy sẽ kéo dài bao lâu? Hãy nhớ, hằng năm, có ít nhất 10 đến 12 giải Pulitzer được trao. Từ khi tôi được giải Pulitzer (năm 1966) đến nay, đã có xấp xỉ 500 giải thưởng được trao. Thế nhưng trong số đó, liệu còn lại bao nhiêu cái tên mà bạn có thể nhớ? Ngược lại, bạn có thể nhớ tên một vị tướng, một chính khách...

Bởi vậy, với những PV chiến trường thực thụ thì danh tiếng và giải thưởng chỉ là những giá trị hời hợt, hào nhoáng bề ngoài. Thật phí thời gian và thật đáng thương khi cố gắng đánh cược cả cuộc đời chỉ để giành cho được một giải thưởng!

Những PV chiến trường cừ khôi nhất là những người làm việc chỉ bởi vì họ tin rằng câu chuyện của những người lính sẽ được kể, với tất cả sự can đảm và cả sai lầm. Các bậc cha mẹ, dư luận đáng được biết cái gì đang diễn ra ở trận địa. Và tôi tin rằng đấy là điều đáng để bạn liều cả mạng sống!

Sự thật về chiến tranh ở VN

* Làm thế nào ông có đầy đủ thông tin về “phía bên kia” chứ không phải là những thông tin một chiều do chỉ thị của Chính phủ Mỹ?

“Yêu cầu chính yếu cho sự thành công của một PV chiến trường là anh phải tin rằng câu chuyện mà anh đang viết thật sự quan trọng đến nỗi nó xứng đáng để anh liều cả mạng sống”.

- VN là cuộc chiến hiện đại đầu tiên của người Mỹ, do vậy, Chính phủ Mỹ cho phép mở rộng tuyên truyền. Không có bất kỳ sự kiểm duyệt nào, chỉ có một chút ít hạn chế trong thông tin về sự di chuyển của quân đội. Chúng tôi có thể đi lại với tất cả đồ đạc lỉnh kỉnh. Chúng tôi có thể chụp ảnh người chết và người bị thương, phỏng vấn bất kỳ sĩ quan hoặc người lính nào. Và cũng vì thế mà sự thật chúng tôi chứng kiến thường xuyên trái ngược với những tờ truyền đơn của chính phủ.

Sau này, trong chiến tranh Iraq, Chính phủ Mỹ đã muốn kiểm soát truyền thông. Thế nhưng, với một PV cừ thì sẽ chẳng có bất kỳ giới hạn nào. Sự thật sẽ được kể nếu anh làm việc đủ chăm chỉ.

* Nhưng Chính phủ Mỹ trả tiền cho ông, vậy mà những năm 1960, ông lại viết những câu chuyện ủng hộ người VN. Ông đã nghĩ gì vậy?

- Càng ở VN lâu, tôi càng muốn phát hiện sự thật. Và sự thật ở thời điểm đó là cuộc chiến ở VN đã không tiến triển tốt đẹp như Chính phủ Mỹ mong muốn. Thậm chí, dẫu cho họ đã đổ hàng triệu USD và một triệu quân nhân vào nam VN. Có quá nhiều người chết vì chiến tranh. Cho đến bây giờ, tôi vẫn giữ quan điểm rằng: thật tiếc, chiến tranh đáng lẽ phải kết thúc sớm hơn nữa. Nhưng đấy không phải là vì tôi ủng hộ người VN, mà tôi chỉ ủng hộ sự thật đang diễn ra. Tôi đơn giản chỉ là người phát ngôn cho sự thật đó.

 * Ông bị sa thải vì chỉ trích chính quyền Mỹ trong chiến tranh Iraq. Có nghĩa là ông đã chọn lợi ích của độc giả thay vì lợi ích của nhà cầm quyền?

- Những bình luận của tôi về cuộc chiến của Mỹ ở Iraq là đúng, và sau đó, thực tế đã diễn ra đúng như tôi cảnh báo. Tôi chỉ bình luận dựa trên những điều xảy ra trước mắt tôi. Bạn hỏi tôi có sợ không? Đừng sợ khi nói sự thật, đơn giản vì bạn là nhà báo. Tôi không sợ bị chỉ trích và cũng chẳng sợ thất nghiệp.

 
Peter Arnett ở chiến trường VN - Ảnh do Peter Arnett cung cấp

 * Ông tin vào quyền lực của truyền thông - quyền lực của sự thật?

 - Ở phương Tây, đường lối chiến tranh của chính phủ có thể khiến chính họ thất bại trong việc nhận được sự ủng hộ từ các phương tiện truyền thông, mà cuộc chiến tranh ở VN là một ví dụ. Ở Mỹ, dòng chảy của báo chí chính thống đóng vai trò quan trọng trong việc ủng hộ các cuộc tranh cử cũng như góp một phần làm nên chiến thắng của Barack Obama. Tuy nhiên, báo chí ở Mỹ chỉ hoạt động hiệu quả nhất khi được chính phủ ủng hộ.

Quyền lực của truyền thông? Với tư cách một PV chiến trường, tôi tin rằng mọi cuộc chiến tranh trên thế giới này đều sai và đều có thể tránh được bằng cách đàm phán. Đó là lý do tại sao chúng ta có tổ chức Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng chiến tranh vẫn xảy ra, dẫu cho tôi có tán thành hay không. Vậy thì, sứ mệnh của những nhà báo là hãy vẽ ra những bức tranh sống động từ chiến trường. Chính sự sống động, sự chân thật đó sẽ thu hút sự chú ý của dư luận, và biết đâu những thảo luận, tranh cãi và cả cơ hội để tìm giải pháp sẽ đến...

* Theo tôi biết, Elsa - con gái ông, cũng là một nhà báo. Ông đã nói gì với con gái mình?

- Elsa làm việc cho hãng Knight Ritter trong 10 năm, từng đến Hà Nội cuối những năm 1990. Nó có nhận thức rất tốt về nghề báo. Từ thời sinh viên, vào các kỳ nghỉ, nó đã theo tôi đến trung tâm của nước Mỹ, đến Moscow, đến Baghdad và đã tác nghiệp như một PV ngoài mặt trận. Tôi chỉ nói với nó rằng: “Hãy cẩn trọng!”.

Y Nguyên (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.