Hừng Đông: Hình tượng những người cộng sản ở thời kỳ dựng Đảng, cứu Nước

18/01/2021 06:28 GMT+7

Tiểu thuyết Hừng Đông vừa khắc họa chân dung những người cộng sản chân chính, vừa là tiếng nói phản biện mạnh mẽ và đậm tính thời sự của tác giả Nguyễn Thế Kỷ.

Văn chương, nghệ thuật là lĩnh vực có khả năng thanh lọc tâm hồn, bồi đắp nhân cách, góp phần làm tráng kiện tinh thần, hưng phấn cảm xúc, củng cố những kiến thức, niềm tin đã tích lũy, gợi mở những suy nghĩ mới về con người, thời cuộc, tìm câu trả lời cho những vấn đề đang cần được trả lời trước thực tại... của mỗi con người. Nghĩa là người đọc sẽ chuyển trạng thái khi tiếp nhận một cách có ý thức đối với văn chương nghệ thuật. Tôi đọc tiểu thuyết lịch sử Hừng Đông của Nguyễn Thế Kỷ với trạng thái tinh thần đó.
Hừng Đông là tiểu thuyết viết về nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu, một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, có cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy gian khổ, hy sinh thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Lịch sử đấu tranh của Đảng những năm tháng đó là những trang bi hùng, kiêu hãnh của những con người đứng mũi chịu sào với ý chí gang thép, có lý tưởng cộng sản cao đẹp, có trái tim tràn đầy nhiệt huyết, yêu nước thương dân mẫu mực. Họ sẵn sàng nhường thuận lợi, nhường sự sống cho đồng chí mình, nhận lấy gian khổ, hy sinh một cách có ý thức, có tính chủ động. Phan Đăng Lưu là một người cộng sản như vậy.
Nhưng đó là “lịch sử tự nó” chúng ta từng được biết qua những trang tiểu sử, những trang tư liệu. Tiểu thuyết Hừng Đông muốn tập trung dựng lại nhân vật lịch sử đó bằng tư duy của người viết tiểu thuyết, một phương diện nhận thức khác với nhận thức lịch sử. Ở đây, lịch sử được chuyển tải bằng ngôn ngữ nghệ thuật, bằng các thủ pháp nghệ thuật, bằng cách đưa người đọc đến những không gian, thời gian nghệ thuật mà ở đó tác giả, người kể chuyện muốn người đọc cùng tham gia vào câu chuyện của mình.
Với 288 trang sách chia thành 11 chương, mở đầu tiểu thuyết Hừng Đông, tác giả đưa người đọc đến thời khắc bi tráng trước phút cuối cùng của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Đó là lúc nửa đêm về sáng trong nhà lao tối mịt mù, kẻ thù dẫn Phan Đăng Lưu, Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí yêu quý khác đi hành hình. Một không gian ngột ngạt, một thời khắc đau thương, một “bình minh bầm tím” tang tóc như gieo vào lòng người đọc sự tiếc thương, uất ức... trước sự tổn thất không gì bù đắp nổi. Điều này được nhắc lại thêm một lần cuối sách nhưng ở một “gam màu” lạc quan hơn: Anh chỉ kịp nhìn thấy ánh lửa lóe lên từ nơi đầu họng súng và bình minh mang tới những tia nắng mảnh mai trên vòm trời cao thăm thẳm... Khi anh và đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí trung kiên khác máu nhuộm đỏ ngực áo thì những tia nắng hồng tươi cũng vừa lóe rạng phía chân trời (tr.286). Từ mất mát hiện tại, tác giả dắt dẫn người đọc “đi tìm” điều đã bị tước đoạt bằng cách ngược về quá khứ, theo những bước chân của nhân vật. Sự xáo trộn thời gian này nằm trong ý đồ nghệ thuật của tác giả.
Viết Hừng Đông, tác giả đã dày công sưu tầm, nghiền ngẫm và sử dụng hợp lý với chủ đề của tiểu thuyết một khối tư liệu phong phú (mà không sa vào lạm dụng) về lịch sử đấu tranh của Đảng giai đoạn từ 1925 đến Hội nghị T.Ư lần thứ 7 (giữa tháng 11.1940). Cuốn tiểu thuyết dừng lại ở thời điểm cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (tháng 11.1940) bùng nổ và rơi vào thất bại, do Phan Đăng Lưu - người mang chỉ thị của T.Ư về đến Sài Gòn chỉ muộn trong giây lát và bị bắt ngay sau đó. Nhưng không vì thế mà trang viết của Nguyễn Thế Kỷ nhuốm màu bi quan. Ngược lại, tác giả khẳng định Hừng Đông, tuy chưa phải là thời điểm bước sang ngày mới, nhưng là một bình minh hứa hẹn sẽ mang đến màu sắc rực rỡ của ngày mới, là đêm trước đầy máu lửa, nhưng cũng đầy hy vọng của cách mạng.
Viết Hừng Đông, Nguyễn Thế Kỷ có nhiều tâm sự muốn gửi gắm trong câu chữ. Tác giả đặt người đọc trước sự đối sánh về phẩm chất của những người cộng sản chân chính hôm qua và “một số không ít” những người mang danh cộng sản hôm nay, mà mượn lời nhân vật, tác giả gọi đó là “lũ chuột” đang làm ô danh Đảng. Đừng coi thường lũ chuột... trong bóng tối. Chúng dễ sinh sôi, và có thể làm mọi trò bẩn thỉu để có miếng ăn. Chúng cũng sẵn sàng cắn phá mọi thứ tài sản to lớn mà phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của người ta mới tích lũy được. Lũ chuột cũng có thể làm hỏng việc lớn... (tr.285). Nếu ở Phan Đăng Lưu là sự hy sinh tự nguyện vô bờ bến, là không mảy may có sự ngần ngại, chần chừ, là sự giữ gìn uy tín của Đảng trong bất cứ hoàn cảnh nào..., thì những tiêu cực mà một số đảng viên, trong đó có những người có chức vụ cao trong Đảng như thời hiện tại là một sự phản biện mạnh mẽ của ngòi bút Nguyễn Thế Kỷ, thể hiện tính công dân tích cực và thẳng thắn của tác giả, cũng là tính thời sự của tiểu thuyết Hừng Đông, một tiếng nói tâm huyết, cần thiết trước Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thực ra điều này không phải mới mẻ, nhưng làm trong sạch đội ngũ Đảng lúc này vẫn là bài học hệ trọng, nóng hổi liên quan đến vận mệnh của Đảng, của chế độ.
Nguyễn Thế Kỷ vừa là cán bộ quản lý, vừa là cây viết tiểu luận về các vấn đề văn hóa, văn nghệ, báo chí, vừa là nhà thơ, nhà biên kịch sân khấu, nhà tiểu thuyết... Trang viết của Nguyễn Thế Kỷ, dù là thơ hay các thể loại khác, đều thể hiện tâm huyết, nhiệt tình của một ngòi bút giàu cảm xúc, trí tuệ, trách nhiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.