Hun hút đường dài cõi nhớ quên

30/07/2017 07:05 GMT+7

Nhận được tập thơ nhỏ mang tên Thưa em, trời đất nhớ quên... (NXB Hội Nhà văn) mà nhà thơ Lê Nhược Thủy gửi tặng, tôi không khỏi ngạc nhiên.

Tập thơ có bìa vẽ hình những khuôn mặt người mờ tỏ ma mị mang màu vàng úa của thời gian; những trang giấy cũng vàng như màu giấy xưa… cứ như vừa được lấy ra từ một tiệm sách cũ nào đó.
Tôi biết đến thơ của Lê Nhược Thủy từ hồi còn đi học. Thời đó, ca khúc Một thời áo trắng do nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên phổ thơ anh rất được giới học trò yêu thích với ca từ thật nhẹ nhàng, trong sáng đầy xao xuyến: “Em vẫn chép bài thơ bằng mực tím/Trang giấy hồng ngỡ có mây bay/Có gió nương theo tà áo trắng/Có bàn tay khẽ chạm bàn tay”. Tôi bồi hồi gặp lại bài thơ của thời hoa mộng ấy trong tập Thưa em, trời đất nhớ quên… Trang giấy hồng chỉ còn trong ký ức, nhưng mây - biểu tượng của khung trời mộng ảo trong thơ anh - thì vẫn bay hoài giữa cuộc đời dâu bể: “Anh mang tình em về một góc trời xa/Cánh hải âu lượn lờ cùng mây trắng/Biển và trời hôn nhau thầm lặng/Làm sao anh chẳng nhớ em” (Biển).
Tôi không sống trong giai đoạn Lê Nhược Thủy sáng tác “những dòng kêu thương bi tráng” (lời của nhà thơ Giao Hưởng) góp vào phong trào đấu tranh ở đô thị miền Nam trước 1975, nên đối với tôi, anh vẫn là người đàn ông lang thang trong cõi mộng, như chính anh tự nhận: “Biết bao lần đời thường mà tưởng mộng” (Đêm cuối cùng của mùa xuân). Từng làm việc với anh một thời gian dài ở Báo Thanh Niên, tôi biết tính anh - trong công việc rất chu đáo, song chỉ cần bước ra khỏi không gian bàn giấy là anh có thể ngẫu nhiên đọc một câu thơ, hát lên một khúc nhạc… bất cứ lúc nào, như thể những lo toan xô bồ xung quanh chẳng hề chạm vào cái dáng cao gầy, mái tóc dài và cái giọng Huế nhỏ nhẹ ấy. Nghe một người con gái xứ Huế cất tiếng, anh lập tức mộng mơ về “Mùa trăng thành cổ bốn bề hương sen… Ngàn năm mây trắng vờn quanh Ngự Bình” (Một trời thơ bay). Ngắm đôi mắt một người con gái Pleiku, anh cảm thấy trong đó chứa cả “Núi rừng đang thở/Suốt mùa hoang vu” (Đôi mắt Pleiku).
Dường như Lê Nhược Thủy đặc biệt thích đắm chìm trong những đôi mắt. Không chỉ có Đôi mắt Pleiku, thơ anh còn có Mắt núi với những câu thơ tình hết sức khoáng đạt: “Chút rượu trên môi níu lại tháng ngày/Ta quờ quạng giữa hồn thảo nguyên xanh thẳm/Ai nói đất trời không say đắm/Không bàng hoàng cùng mắt núi tình xưa”. Đặc biệt, trong Đôi mắt địa đàng, khi nhà thơ viết: “Là đâu rượu đã nghiêng bầu/Uống đi uống cạn ngọt màu mắt em” thì ta không biết anh đang uống rượu hay uống màu mắt kia, và cái chuếnh choáng: “Mặt đất đảo điên tràn cơn địa chấn/Ta tìm hoài, ta hỏi hoài, đôi mắt em là đâu” liệu có phải anh đang miêu tả cái giây phút thăng hoa mà con người và vũ trụ là một?
Trong bài Cõi nhớ quên, tác giả đưa ta vào một cõi “đời trăm năm cây cỏ đã ngàn năm”, trong đó anh dặn người yêu đừng đến, đừng nhớ, hãy: “Để mình ta uống cạn cơn đau/Để mình ta tìm đến mai sau/Mưa không tạnh một đời mưa không tạnh/Hun hút đường dài cõi nhớ quên”. Cũng mộng đấy, nhưng là giấc mộng cô liêu đến tận cùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.