Huế phải làm gì với Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng?

21/04/2016 11:16 GMT+7

Đó là câu hỏi được đặt ra sau 10 năm thành lập Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) và sau một năm ngày họa sĩ Lê Bá Đảng qua đời.

Đó là câu hỏi được đặt ra sau 10 năm thành lập Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) và sau một năm ngày họa sĩ Lê Bá Đảng qua đời.

Một du khách xem tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng (Huế)Một du khách xem tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng (Huế)
Ngày 20.4, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức cuộc triển lãm với chủ đề "Lê Bá Đảng, một tâm hồn thuần Việt" và buổi tọa đàm Phát huy giá trị nghệ thuật Lê Bá Đảng tại Huế.
Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh ngày 26.7.1921, tại làng Bích La Đông (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Ông là họa sĩ Việt Nam thành danh trên đất Pháp và được mệnh danh "Một bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây". Từ Festival Huế 2004 đến 2015, họa sĩ Lê Bá Đảng đã có nhiều cuộc triển lãm và hoạt động nghệ thuật tại Huế. Năm 2006, theo lời mời của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, họa sĩ Lê Bá Đảng cũng đã trở về Huế và có nhiều hoạt động nghệ thuật tại các kỳ Festival Huế. Cùng năm đó, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định giao tòa biệt thự tuyệt đẹp, nguyên là trụ sở của Sở Tài chính Thừa Thiên-Huế, ngay bên dòng sông Hương, tại số 15 Lê Lợi, TP.Huế, để thành lập Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng. Sau khi thành lập trung tâm, họa sĩ Lê Bá Đảng cũng đã rất nhiều lần về Huế, tổ chức nhiều chương trình triển lãm, sáng tác và hoạt động mỹ thuật tại Huế. Ngày 7.3.2015, họa sĩ Lê Bá Đảng đã qua đời tại Paris, Pháp, hưởng thọ 94 tuổi.
Các nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham dự triển lãm "Lê Bá Đảng, một tâm hồn thuần Việt"
Sau khi thành lập trung tâm, họa sĩ Lê Bá Đảng đã hiến tặng cho tỉnh Thừa Thiên-Huế 394 tác phẩm, trong đó có 349 tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng sáng tác và 45 tranh, tư liệu của một số họa sĩ nổi tiếng trên thế giới như Picasso, Matta, Pignon… mà vợ chồng họa sĩ Lê Bá Đảng sưu tập được.
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, người góp công rất lớn cho việc hình thành Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng tại Huế và hiện tại đang phối hợp cùng gia đình sáng lập Quỹ sáng tạo Lê Bá Đảng cùng nhiều dự án khác tại Huế, cho biết: “Khi còn sống, họa sĩ Lê Bá Đảng còn rất nhiều dự định và ấp ủ nhưng chưa làm được. Ông luôn đau đáu làm sao để xây dựng cho được một nền mỹ thuật VN mà “Tây không có, Tàu cũng không có, chỉ có ở Việt Nam”.
“Sau khi họa sĩ qua đời, trước những bức ảnh, những dự án về đồi Vọng Cảnh, dưới lòng sông Hương, trên vùng đồi Thiên An…, trước đống thư viết tay gửi tôi từ Paris, những trằn trọc vì các dự án, những bức tranh mà anh gửi về tặng nhân dân Thừa Thiên-Huế… tôi đã bị ám ảnh”, nhà văn Tô Nhuận Vỹ chia sẻ.
Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại Huế là một tòa nhà tuyệt đẹp bên sông Hương
Làm gì để phát huy giá trị Lê Bá Đảng?
Theo ông Tô Nhuận Vỹ, hiện tại có rất nhiều dự án mà cả gia đình, tổ chức và cá nhân đang triển khai về Lê Bá Đảng. Những dự án này hiện đang có “va chạm” nhau, nhưng chỉ là mâu thuẫn giữa cái tốt và cái tốt hơn, nên phía cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cần có cái nhìn toàn diện để xử lý. Cốt làm sao để phát huy cho được giá trị tên tuổi của Lê Bá Đảng.
Cũng theo ông Vỹ, trong các văn bản do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành, vẫn chưa có vai trò kế thừa của bà Michenline Mourriette Louise (phu nhân của cố họa sĩ) đối với Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại Huế. "Đó là thiếu sót cần phải bổ sung, bởi vì bà Louise là người có tâm huyết rất lớn, có tâm nguyện đóng góp nhiều hơn nữa cho Huế với cái tâm rất trong sáng", ông Vỹ nói. Ông đề xuất, sắp tới chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế cần bổ sung bà Louise làm cố vấn đặc biệt cho Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại Huế, để bà và gia đình có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho Huế.
Bà Michenline Mourriette Louise (phu nhân của cố họa sĩ) tham dự buổi tọa đàm
Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN cho rằng tên tuổi của Lê Bá Đảng mang tầm quốc tế. Tác phẩm của Lê Bá Đảng từ tranh, tượng và tác phẩm khác đều có một nét riêng, không lẫn với bất kỳ ai và mang tâm hồn thuần Việt. Việc tỉnh Thừa Thiên-Huế đã dành ra một tòa nhà tuyệt đẹp bên dòng sông Hương để làm trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng là một việc mà chưa có nơi nào trong nước làm được, kể cả Hà Nội và TP.HCM. Đóng góp của mỹ thuật không phải là giá trị vật chất hiện hữu mà là đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Huế là một trung tâm mỹ thuật lớn của cả nước nên thời gian tới cần phải phát huy hơn nữa những trung tâm nghệ thuật như của Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị. Huế cũng cần phải có bảo tàng mỹ thuật xứng tầm để trưng bày, giới thiệu quảng bá, tôn vinh mỹ thuật của VN.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, cho rằng Lê Bá Đảng là một trong số 20 ngàn người Việt có mặt trong đoàn quân chống phát xít của Pháp. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đóng góp cho đất nước bằng cách học nghề để sau này về xây dựng quê hương”. Chàng trai trẻ Lê Bá Đảng đã trải qua quãng thời gian cơ cực và đã trở thành nghệ sĩ lớn trong bối cảnh lịch sử ấy. Trong ông và tác phẩm của ông ẩn chứa một tình yêu to lớn dành cho quê hương và đất nước. Vì vậy, để phát huy giá trị nghệ thuật Lê Bá Đảng, cần thiết phải có một phần để giới thiệu về con người, tư tưởng Lê Bá Đảng.
Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN trao huy hiệu của Hội Mỹ thuật VN cho bà Michenline Mourriette Louise
Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng Trường ĐH Nghệ thuật Huế, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên-Huế cho rằng những giá trị di sản vật thể và phi vật thể của Lê Bá Đảng là rất lớn. Câu hỏi đặt ra là sau 20 năm và xa hơn nữa, chúng ta sẽ làm gì với giá trị nghệ thuật Lê Bá Đảng? Di sản mà Lê Bá Đảng để lại là rất lớn, ngoài tác phẩm mà ông đã hiến tặng cho Huế và nằm ở các cá nhân, còn có giá trị phi vật thể đó là những dự định, những khát vọng của ông về xây dựng một nền mỹ thuật VN, khát khao biến Huế thành “kinh đô” của mỹ thuật VN.
Để có thể định hình được những việc làm nhằm phát huy giá trị nghệ thuật Lê Bá Đảng, cần phải có những cuộc hội thảo nghiêm túc để lắng nghe những nhân chứng, những nhà phê bình, giới học thuật đánh giá một cách đầy đủ về tư tưởng mỹ thuật và sự nghiệp của ông. “Chúng ta vẫn chưa có được một cái nhìn thấu đáo về Lê Bá Đảng. Gọi Lê Bá Đảng là họa sĩ thật ra cũng đã là chưa đúng với tầm vóc của ông vì ở ông còn những tư tưởng lớn về mỹ thuật mà trong đó có hội họa, điêu khắc… Một khi chưa hiểu hết Lê Bá Đảng thì chúng ta sẽ không thể phát huy tốt những giá trị nghệ thuật của ông”, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức nói.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết sau 10 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại Huế đã trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn đối với du khách và những người yêu mến, đam nghê nghệ thuật nói chung và nghệ thuật Lê Bá Đảng nói riêng. Mục đích của buổi tọa đàm là để lắng nghe ý kiến đóng góp của lãnh đạo, của các ban ngành chuyên môn, của gia gia đình họa sĩ… để xây dựng trung tâm ngày một phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành trung tâm văn hóa và du lịch đặc sắc của cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.