'Hotel California' vang lên giữa New York và Sài Gòn

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
02/09/2021 19:00 GMT+7

Ca khúc bất tử của ban nhạc Mỹ The Eagles – Hotel California tiếp tục vang lên tại Madison Square Garden ở New York hồi tuần qua. Và cũng như năm 1977 khi lần đầu ra mắt, bài hát khiến cả ngàn người Mỹ khóc vì… sướng!

Lần trở lại đầy cảm xúc

Đây là phần tiếp theo của chuyến lưu diễn Hotel California năm 2020 bị hủy vì đại dịch Covid-19 của ban nhạc The Eagles. Đêm diễn bắt đầu với màn thể hiện tuyệt tác Hotel California rồi mới đến loạt ca khúc hit như Take It Easy, Tequila Sunrise, One of These Nights, I Can't Tell You Why
Don Henley là thành viên sáng lập duy nhất của The Eagles vẫn còn trong ban nhạc cho đến nay. Năm 1980 The Eagles tan rã nhưng rồi tái hợp vào năm 1994 với một vài thành viên mới. Glenn Frey qua đời vào năm 2016, ban nhạc dường như ngưng diễn trong một thời gian ngắn, và rồi họ đã quay lại vào năm 2017 với Vince Gill cùng con trai của Glenn Frey là Deacon Frey thay bố chơi guitar chính.
Hotel California do Don Felder, Don Henley và Glenn Frey sáng tác. Ngoài 3 thành viên này, The Eagles còn có Joe Walsh, Randy Meisner chơi guitar chính và guitar bass. Ca khúc này đã mang về cho The Eagles vô số danh hiệu, đoạt giải Grammy.

The Eagles biểu diễn ca khúc Hotel California năm 1998

The Eagles là ban nhạc rock Mỹ do Glenn Frey, Don Henley, Bernie Leadon và Randy Meisner thành lập tại Los Angeles vào năm 1971. Đây là một trong những ban nhạc có đĩa bán chạy nhất mọi thời đại với tổng số 150 triệu đĩa và là ban nhạc Mỹ có đĩa nhạc bán chạy nhất trong lịch sử âm nhạc.

Từ “giấc mơ Mỹ” trở thành “tù nhân của chính mình”

Hotel California không chỉ là một bài hát, nó còn hiện thân cho giới trẻ Mỹ vào thập niên 1970, hiện thực hóa những giấc mơ, từ người bình thường ở tầng lớp trung lưu hay thậm chí là nghèo khó bỗng chốc có thể chói sáng ở tầng thượng lưu, giàu có, sang trọng.
Trong lần phỏng vấn với tạp chí 60 Minutes vào năm 2007, Don Henley cho rằng Hotel California miêu tả “phần chìm của giấc mơ Mỹ và lối sống vô độ ở Mỹ, một thứ mà chúng tôi đã từng rất biết rõ”. Don Henley không sai khi gần như các thành viên của The Eagles đều là những đứa trẻ thuộc gia đình trung lưu ở vùng Trung Tây nước Mỹ. Họ khăn gói đến Los Angeles với giấc mơ đổi đời bằng con đường âm nhạc. Các thành viên của The Eagles với tài năng thiên bẩm đã dần chiếm được vị trí đáng nể trong làng nhạc nước Mỹ rồi cả thế giới. Tiền bạc, danh tiếng tự động chạy vào túi, biến họ thành người khác, dần rơi vào trụy lạc với ma túy, bia rượu cùng những phụ nữ trẻ đẹp vây quanh.

Hotel California là album thứ 5 của The Eagles

ẢNH: T.L

Hotel California lấy cảm hứng sáng tác từ chính những năm tháng cuộc đời lạc lối đó của các thành viên The Eagles. Trong phim tài liệu History of the Eagles khởi chiếu năm 2013, Don Henley có nói rằng: “Hotel California là sự ẩn dụ, không chỉ của mặt trái lối sống giới thượng lưu ở Nam California mà còn là giấc mơ Mỹ nói chung. Bài hát vẽ lằn ranh đầu tiên giữa giấc mơ Mỹ và địa ngục kiểu Mỹ”.

Hotel California làm giới trẻ Sài Gòn phát cuồng vào thập niên 1980

Hẵn nhiều người thuộc thế hệ 5X, 6X và sau này có thể là 7X ở Sài Gòn đều ít nhiều từng 1 lần nghe Hotel California từ những năm 1980 để rồi mê mẩn.
Sài Gòn những năm tháng đó còn rất nghèo và thiếu thốn đủ thứ. Giới trẻ nhất là lứa tuổi 16-20 ít có cơ hội giải trí. Mùa hè chỉ biết nằm đọc sách, nhà nào khá giả hơn chút thì cho con đi học đàn, học vẽ. Nói học đàn cho oai chứ thật ra chỉ là học mandolin hay guitar thùng mới rẻ chứ các loại nhạc cụ khác thì gần như vô phương. Và dĩ nhiên những chàng nào được đi học guitar là “bảnh” lắm, nhất là học lên tới đẳng cao, tức là có thể bắt chước đánh được đoạn dạo đầu và khúc solo guitar cuối của ca khúc Hotel California nổi tiếng.
Biết đánh solo guitar Hotel California dường như chưa đủ, thanh niên thời đó thường ra rạp Vinh Quang góc Pasteur-Lê Lợi xem video ca nhạc có nhóm The Eagles biểu diễn bài này để bắt chước từng cú “líp”, “vuốt” và “ngân” trên phím đàn guitar cho thật giống với nguyên bản. Cú dạo đầu guitar của Don Felder và Joe Walsh không thể lẫn vào đâu được, tạo nên “hồn cốt” cho Hotel California. Đây có thể nói là màn dạo guitar “kinh điển” cho những tin đồ guitar mê nhạc rock.
Tiếp đó Don Henley ngồi bên bộ trống cất tiếng hát chính: “On a dark desert highway, cool wind in my hair. Warm smell of colitas, rising up through the air…” (tạm dịch: Trên đường cao tốc trong một đêm tối ở sa mạc, cơn gió lạnh thổi bung mái tóc. Mùi vị ấm áp mê hoặc, bùng lên trong không khí…).

Ban nhạc The Eagles vào thập niên 1970

ẢNH: T.L

Chỉ cần nghe đến đây giới trẻ Sài Thành ngày đó đã phát cuồng. Màn song tấu guitar ở cuối ca khúc của Don Felder và Joe Walsh xứng đáng “đỉnh của đỉnh”, thể hiện tài năng của nhóm nhạc The Eagles. Đây cũng chính là lý do vì sao gần 50 năm sau, khi The Eagles chơi lại Hotel California nhiều người Mỹ bật khóc và người viết tin rằng không ít người Việt cũng đầy cảm xúc khi nghe lại. Màn biểu diễn kinh điển này được nhiều khán giả bình chọn là đoạn guitar solo hay nhất mọi thời đại.
Một số sân khấu ca nhạc ngoài trời ở Sài Gòn thời đó dành cho giới “bình dân” như Trống Đồng, 126, Phú Thọ… thi thoảng ban nhạc đệm vẫn chơi solo guitar Hotel California khi ca sĩ chạy sô chưa đến kịp. Tuy nhiên ở Sài Gòn rất hiếm ca sĩ thể hiện thành công ca khúc bất tử này.
Hotel California không chỉ là một tác phẩm âm nhạc mà hơn thế nó còn là ký ức khi ngày xưa có người ôm chặt người yêu trên sân trường cấp 3 đầy gió, khe khẽ hát Up ahead in the distance, I saw a shimmering light. My head grew heavy and my sight grew him. I had to stop for the night… (Ngẩng đầu nhìn về phía trước, tôi đã thấy một tia sáng lung linh. Đầu tôi trở nên nặng trĩu và đôi mắt thì mờ mịt. Đêm nay tôi phải dừng lại thôi…). Và sân khấu là những đứa bạn cùng lớp cùng trường đang say sưa “líp” phím guitar, ngân cho thật giống những gì The Eagles đã thể hiện.
Kỷ niệm là thứ không thể mất trong đời mỗi con người và vì thế Hotel California trở thành bất tử. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.