Học giả An Chi chú giải 'Truyện Kiều'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
19/03/2020 08:09 GMT+7

Học giả An Chi vừa ra mắt Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872 , NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành ( ảnh ) do ông phiên âm, chú giải và thảo luận.

Hẳn độc giả sẽ thắc mắc: Truyện Kiều là của đại thi hào Nguyễn Du, tại sao lại ghi thêm “bản Duy Minh Thị 1872”? Vậy Duy Minh Thị là ai? Học giả An Chi đã dẫn nhiều tư liệu để cho rằng rất có thể Duy Minh Thị là nội tôn (cháu nội) của ông này”, tuy nhiên vẫn chỉ “xin nêu vấn đề để các bậc cao minh thẩm định”.
Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872 từng được nhà Kiều học Nguyễn Quảng Tuân và học giả Nguyễn Tài Cẩn phiên âm, tuy nhiên do còn nhiều chữ do một số khác biệt của chữ Nôm miền Nam và sự chưa cẩn trọng trong quá trình khắc chữ in ấn đã dẫn đến sai sót. Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872 ra mắt lần này được thực hiện với tâm nguyện của nhà nghiên cứu An Chi là “đưa đến bạn đọc một bản Duy Minh Thị 1872 đúng với chân diện mục và giá trị đương nhiên của nó, bằng cách cố gắng đọc đúng chữ, đúng từ, đúng nghĩa mà Duy Minh Thị đã công bố bằng những chữ Nôm do thợ Tàu bên Quảng Đông khắc in, trong đó có nhiều chữ khắc sai, hoặc khó đọc, hoặc khác lạ”. Tác giả cho biết: “Chúng tôi muốn trả về cho Nguyễn Du một số chỗ mà chắc chắn là những người đi trước đã đọc sai: hạc nội mây nhàn (đọc sai thành hạc nội mây ngàn), đỉnh Hiệp non Thần (đọc thành đỉnh Giáp non Thần), đồng thời cải chính những thiếu sót mà nhiều vị giảng sai, như non Thần nào là Thần Châu, Thần Sơn, nào là “ba qua núi Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu”, trong khi hẳn hoi là non Thần Thần Nữ phong, đi chung với đỉnh Hiệp thành một cặp đôi hoàn hảo ngay tại một vùng địa lý cụ thể ở bên Tàu”.
Ở chữ chải hoa ở câu 1.310, ông Nguyễn Quảng Tuân và Nguyễn Tài Cẩn đều đọc thành sạch hoa (không còn hoa), cũng tương tự như sạch bụi là không còn bụi, sạch gàu là không còn gàu. Học giả An Chi phân tích: “Sạch cũng có thể được hiểu như một vị từ động (động từ) có nghĩa là “làm cho sạch”, vì kiểu nói này không phải là tiếng Việt”, nên tác giả đưa ra lập luận: “Xin nhớ rằng chải là một từ cùng trường nghĩa với tắm, như có thể thấy trong thành ngữ tắm mưa chải gió của Huình - Tịnh Paulus Của đã ghi nhận. Thành ngữ này còn được vận dụng trong Lục Vân Tiên ở câu Tắm mưa chải gió trong vời Hàn Giang. Câu này lại có một dị bản là Tắm mưa gội gió..., ở đây chải đã được thay bằng gội. Cứ như thế thì hiển nhiên tắm, chải, gội là những từ cùng trường nghĩa và cái trường nghĩa đó là việc tắm gội, chải chuốt”. Từ đó, học giả An Chi khẳng định câu 1.310 là: “Thang hương rủ bức trướng hồng chải hoa”. Như vậy chải hoa ở đây được hiểu là tắm để chải chuốt, o bế cho thân hình và làn da của Kiều.
Hẳn độc giả còn nhớ đến hai câu lẩy Kiều mà Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã sử dụng khi sang thăm Việt Nam: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Nếu trước đây hai ông Nguyễn Quảng Tuân và Nguyễn Tài Cẩn đều đọc là áng (mây) thì với câu 3.122 này học giả An Chi cho rằng: “Chữ Nôm quyến này dùng để ghi quén (= vén): “Tan sương đầu ngõ quén/vén mây giữa trời”, đó là cái vòng luẩn quẩn buộc nhà phiên âm phải hiệu đính thật kỹ càng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.