Hoàng thành Thăng Long ngày càng kỳ vĩ

12/12/2013 03:20 GMT+7

Với diện tích đào không lớn, chúng ta vẫn đang sờ voi ở khu vực điện Kính Thiên', PGS-TS Tống Trung Tín nhận xét. Tuy vậy, lần khai quật khu vực này năm 2013 đem lại nhiều kết quả thú vị.

'Với diện tích đào không lớn, chúng ta vẫn đang sờ voi ở khu vực điện Kính Thiên', PGS-TS Tống Trung Tín nhận xét. Tuy vậy, lần khai quật khu vực này năm 2013 đem lại nhiều kết quả thú vị.

>> Đẩy nhanh tiến độ xây Công viên Hoàng thành Thăng Long
>> Hai khu khai quật trong Hoàng thành Thăng Long đang xuống cấp
>> Công bố quy hoạch tổng thể Hoàng thành Thăng Long

 Hố khai quật năm 2013 tại khu vực điện Kính Thiên - Ảnh: Trinh Nguyễn
Hố khai quật năm 2013 tại khu vực điện Kính Thiên - Ảnh: Trinh Nguyễn

Tại hai hố khai quật có tổng diện tích hơn 100 m2 ở khu vực điện Kính Thiên, các tầng văn hóa đã xuất hiện vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, những tầng văn hóa liên tục từ Đại La qua thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê trung hưng đến thời Nguyễn đã được xác định rõ ràng.

 

Các hố khai quật này đã chứng minh nhận định của Giáo sư Ueno, Nhật Bản. Ông từng khẳng định Hoàng thành Thăng Long chính là di sản có dấu tích kiến trúc dưới lòng đất được bảo tồn tốt nhất châu Á

PGS-TS Tống Trung Tín

Trong đó, dấu tích thời Lý có đường nước lớn chạy theo hướng đông - tây. Sân nền thời Lý bằng đất sét được làm rất kỹ và kiên cố. “Đây là lần đầu tiên phát hiện thấy dấu tích móng trụ và sân nền lát gạch thời Lý ở trục trung tâm. Có ý kiến suy đoán phải chăng đó là dấu tích sân Đại Triều thời Lý”, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học nói.

Dấu tích nền thời Trần được tôn thêm trên nền thời nhà Lý. Tại đây, còn tìm thấy 3 kiến trúc có móng trụ được xây bằng ngói vụn, dấu tích tường bao. Cũng có 7 dấu tích bồn hoa được xây bó bằng gạch đỏ tạo thành hình ô vuông, phân bố làm 3 hàng theo chiều bắc - nam. Đặc biệt, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một cống nước rất lớn thời Trần có một đoạn chạy song song với đường nước thời Lý từng thấy năm 2012.

Đã xác định dấu tích kiến trúc thời Lê sơ và Lê trung hưng. Tuy nhiên, các dấu tích nằm chồng xếp quá phức tạp nên cần thêm thời gian nghiên cứu.

Cũng theo ông Tống Trung Tín, trong các hố khai quật tiếp tục phát lộ hệ thống di vật phong phú qua các thời kỳ lịch sử Thăng Long. Những phát lộ về hiện vật như vậy diễn ra khá thường xuyên tại khu vực này. Các vật liệu kiến trúc mang hình uyên ương, phượng hoàng, lá đề cũng được tìm thấy. Chúng là chỉ báo về đặc trưng các kiến trúc nghệ thuật thuộc Hoàng thành Thăng Long. “Đặc biệt, chúng ta vừa phát hiện một chiếc ấn bằng gỗ. Đây là một hiện vật đặc biệt vì liên quan mật thiết đến quyền lực”, ông Tín nói.

PGS-TS Tín cũng cho hay: “Các hố khai quật này đã chứng minh nhận định của Giáo sư Ueno, Nhật Bản. Ông từng khẳng định Hoàng thành Thăng Long chính là di sản có dấu tích kiến trúc dưới lòng đất được bảo tồn tốt nhất châu Á”.

Mới chỉ như sờ voi

Tuy nhiên, các kết quả khai quật, dù phong phú vẫn rất nhỏ bé so với diện tích cũng như tầm vóc của Hoàng thành Thăng Long. “Cho dù đã khai quật, nghiên cứu không ngừng, hiểu biết của chúng ta về địa điểm này vẫn nhỏ bé. Chỉ như sờ voi thôi”, ông Tống Trung Tín chia sẻ.

“Việc chia thành các khu như khu A, khu B, các địa điểm 18 Hoàng Diệu, Vườn Hồng là do chúng ta chia để gọi cho tiện. Chứ thực ra khi xây dựng, các cụ đã xây một cách tổng thể. Vì thế, hiểu biết của chúng ta vẫn còn chưa thể hệ thống và tổng thể hết được”, PGS-TS Trần Đức Cường, nguyên Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội, trăn trở.

Không chỉ hiểu biết còn hạn hẹp, việc thông tin tới người dân về giá trị của khu di tích cũng còn hạn chế. “Chúng ta cần phải đưa thông tin về khu vực điện Kính Thiên vừa khai quật sao cho người dân thấy được giá trị của nó”, TS Vũ Quốc Hiền, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói. Do đó, ông Hiền đề nghị nên nghiên cứu phương án giới thiệu khu vực điện Kính Thiên này cho dân chúng nhân dịp Tết Nguyên đán, sau tết sẽ lấp hố để bảo tồn.

Về phần mình, Giáo sư Phan Huy Lê đồng ý với việc cần trưng bày nhiều hơn về hoàng thành. Việc nghiên cứu theo ông nên có chiến lược cụ thể, dài hơi. Có như vậy, hiểu biết từ các khu khai quật mới được liên kết, cho thấy diện mạo tổng thể của khu vực này.

Trinh Nguyễn

>> Bàn giao các di vật tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long
>> Tinh xảo cổ vật Hoàng Thành Thăng Long
>> Hoàng thành Thăng Long mở cửa đón khách
>> Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận Di sản văn hóa thế giới
>> Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản văn hóa thế giới
>> Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa thế giới
>> Tiếp tục san ủi tại đoạn Hoàng thành Thăng Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.