Hoa ưu đàm '3.000 năm xuất hiện một lần' có thật không?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
22/06/2021 12:47 GMT+7

Hiện nay, vẫn có người còn hiểu nhầm về hoa ưu đàm, một loài hoa còn được cho là “hoa Phật, 3.000 năm xuất hiện một lần” về sự hiện hữu của nó.

Hoa ưu đàm lâu nay thường gắn liền với kinh Phật. Theo quan niệm của Phật giáo thì "hoa ưu đàm khi xuất hiện thường là biểu tượng của những điềm lành, báo hiệu của Pháp Luân Thánh Vương. Có nghĩa là Di Lạc xuất hiện trên nhân gian".
Theo một số tư liệu có viết về loài hoa này như sau: Hoa ưu đàm “có hình dạng tựa như những chiếc chuông nhỏ, màu trắng tinh khiết, nhỏ li ti, thân mảnh như sợi tơ, trong suốt như pha lê… Đôi khi, mùi hương thơm ngát của chúng có thể ngửi được trong quá trình hoa nở. Thậm chí, nhiều người còn có thể nhìn thấy hào quang phát ra từ những bông hoa trắng muốt này”. Trên một trang mạng khác cho biết: “Đây chính là ưu đàm Bà La Hoa, có tên tiếng Phạn và Pali là udumbara”…
Tuy nhiên, vài nhà khoa học chuyên ngành vi sinh lại không công nhận đó là hoa ưu đàm mà họ cho rằng có khả năng đó là nấm nhầy, nấm mốc hoặc một loài nấm nào đó. Đối với những hoa ưu đàm xuất hiện trên các vật liệu như đồng, nhôm thì họ cho rằng đó chỉ là phản ứng hóa học “nhôm mọc lông tơ” và “hiện tượng nhôm mọc lông tơ là phản ứng giữa nhôm với ô xy. Tùy từng điều kiện mà các sợi lông tơ mọc từ nhôm có thể dài tới 30 - 40 cm với các đốm trắng ở đầu”.

Hoa ưu đàm phóng to qua kính hiển vi

ẢNH: T.L

Loài hoa có duyên mới gặp 

Rất nhiều quốc gia được cho rằng đã thấy hoa ưu đàm xuất hiện như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Pháp, Thái Lan, Singapore… và cả Việt Nam. Người ta nói rằng, với hoa ưu đàm thì “ai có duyên mới gặp”.
Theo chúng tôi, những nhận định trên không chính xác bởi những lẽ sau: Trước hết, chúng ta bàn về tên gọi hoa ưu đàm. Trong kinh Phật quả thật có loài hoa Udumbara (tiếng Sanskrit, Pali và Devanagari đều viết là उडुम्बर), một loài đã từng xuất hiện trong Diệu pháp liên hoa kinh (chương 2 và 27). Udumbara có nghĩa là cây sung (hoặc hoa cây sung), tên khoa học hiện nay là Ficus Glomerata hay Ficus racemosa.
Theo báo đài, Hàn Quốc là nơi phát hiện những “cái chuông màu trắng, nhỏ li ti” ấy và gọi chúng là hoa ưu đàm vào năm 1997, nhưng trong tiếng Hàn, loài Ficus Glomerata được gọi là 우담화 (cây sung); còn người Trung Quốc gọi là 聚果榕 (tụ quả dong), nghĩa là chẳng liên quan gì tới hoa ưu đàm.

Trái sung trên thực tế đó là những đài hoa, bao bọc bên trong là những cánh hoa, vòi và nhị hoa

ẢNH: T.L


Ngoại trừ Trung Quốc, có lẽ cái tên hoa ưu đàm xuất hiện sớm nhất là từ tiếng Nhật. Đạo Nguyên thiền sư (Dōgen Zenji), một người Nhật Bản, đã sử dụng từ udonge (ưu đàm hoa) trong chương 68 Đại tu hành (Dai shugyō) của quyển Chính pháp nhãn tạng (Hōbōgenzō), xuất bản khoảng thế kỷ 12 - 13. Còn từ Udumbara trong kinh Phật hiện nay người Nhật thường gọi là うどんげ (cây sung hay Ficus Glomerata).
Xin lưu ý, nếu hoa ưu đàm trong kinh Phật là hoa sung thì có khả năng chúng là hoa ẩn, vì những trái sung mà ta thấy bám đầy trên cây chính là… hoa sung. Nói cách khác, trái sung là trái giả, trên thực tế chúng là những đài hoa bao bọc bên ngoài, còn phần bên trong là những cánh hoa, vòi và nhị hoa.
Như vậy, hoa ưu đàm không phải là những cái chuông màu trắng nhỏ li ti kể trên. Nếu cho rằng hoa ưu đàm là... hoa sung thì có thuyết phục không, thực hư ra sao? (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.