Hoa tigon sau bão - Truyện ngắn của Bùi Đế Yên

- Trâm, anh xin lỗi! Anh… - Không, không bao giờ. Anh hãy cút ra khỏi nhà tôi ngay!

Cánh cửa sập lại cắt ngang câu nói cuối cùng của Hoàng. Tôi ngồi sụp xuống, lòng tan hoang. Trời ơi, có lẽ nào?
Tôi với Hoàng học chung lớp, tới năm cuối cấp ba thì thương nhau. Hoàng cao lớn, đẹp trai lại có giọng hát trầm ấm hấp dẫn. Tôi thấp bé, nhẹ cân, bình thường về mọi phương diện. Có lẽ vì vậy khi tôi và Hoàng công khai hẹn hò, đám bạn bè bắt đầu lời ra tiếng vào.
- Thằng Hoàng đẹp trai, ga lăng nhưng gia đình nó bết lắm… Nghe kể, cả nhà nó bị quân Pôn Pốt giết tại Ba Chúc. Ba má hiện tại của nó là bà con thôi, không phải ba má ruột đâu. Lấy nhau rồi con Trâm khổ là chắc.
- Lấy quái gì, tình yêu học trò có bao giờ thành chứ.
Những câu như vậy thỉnh thoảng lại lọt đến tai tôi. Nhưng ai nói gì mặc kệ, tôi và Hoàng cứ quấn quít bên nhau.
Mười tám tuổi, kết thúc mười hai năm phổ thông, bao nhiêu con đường mở ra trước mắt. Học khá môn tự nhiên, tôi chọn thi kinh tế, Hoàng chọn thi vào xây dựng. Cả hai như ngàn vạn học sinh phổ thông khác, đều chẳng biết mình có khả năng và thích hợp với nghề nào. Năm đó vào đại học rất khó, tôi và Hoàng đều trượt. Khóc chán rồi tôi đành tiếp tục lên Sài Gòn ôn thi lại. Hoàng do không có điều kiện, đành xin vào làm công nhân ở một công ty cơ khí. Không biết Hoàng có tiếc không, chứ tôi thì giận và buồn. Tôi không muốn người yêu mình chỉ là một anh công nhân quèn, tuy nhiên mọi chuyện quả là không thể như ý mình muốn được.
Sau một năm miệt mài, tôi cũng đậu tài chính kế toán. Năm đầu tiên học trên thành phố, xa nhà, xa Hoàng là thời gian tôi rơi nhiều nước mắt. Những tối thứ bảy không về, nhìn nam nữ sinh viên từng cặp, từng cặp dắt tay nhau đi trước mắt, đôi lúc nếu không vì sĩ diện với bạn bè, những đứa đã chế nhạo tình yêu của chúng tôi thì chưa chắc tôi đã chung thủy được với Hoàng. Phải nói cũng nhờ tình yêu xa cách ấy mà tôi tập trung được vào việc học hơn. Tôi cũng có niềm vui riêng là những lá thư của Hoàng, dù làm gì học gì, công việc ra sao Hoàng cũng viết thư báo với tôi. Tình cảm của chúng tôi đã được sự chấp thuận của cả hai bên gia đình. Những đợt nghỉ phép Hoàng vẫn chạy cả trăm cây số tới trường, mang cho tôi những chùm hoa tigon hái ngay bên tường nhà.
Khi tôi học năm thứ hai, Hoàng nhập ngũ. Số lần gặp nhau vốn đã ít từ khi tôi vào trường, giờ lại càng hạn chế hơn. Ra trường, với tấm bằng đại học loại khá và các mối quan hệ của bố, tôi có ngay một chỗ làm khá tốt, tuy lương không cao nhưng nhàn nhã, ổn định. Gia đình tôi đã trở thành một gia đình khá giả nhất nhì trong vùng. Bố lên chức và chuyển cả nhà về Sài Gòn. Căn nhà rộng, giờ thuộc quyền sở hữu của một mình tôi. Để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống vợ chồng với Hoàng, tôi để ý luyện rèn “công dung ngôn hạnh” từ việc học hành, giữ gìn nhan sắc, tới chuyện nấu ăn, tề gia nội trợ. Thế nhưng cái khóa đào tạo tiền hôn nhân mà các cô gái khác chỉ phải học trong mấy tuần hoặc mấy tháng thì tôi lại phải học suốt mấy năm. Nguyên do là khi tôi bóng gió chuyện cưới xin, Hoàng lại nói dự định của anh là sẽ đi học trường sĩ quan để làm bộ đội chuyên nghiệp. Tôi thất kinh khi nghĩ đến việc làm vợ bộ đội. Thời chiến hay thời bình thì cũng gần như suốt đời vợ phải sống xa chồng. Chuyện này làm tôi và Hoàng cãi nhau mấy lần. Bố mẹ tôi rất bực bội. Ông bảo: Nhà mình không khó khăn gì, bố mẹ không bắt con phải lấy người giàu có, thành đạt, chỉ cần các con thực sự thương nhau. Bố có thể lo việc cho nó dù nó chưa có bằng cấp gì. Cưới nhau xong rồi đi học tại chức cũng được. Mẹ thở dài. Chưa tính việc vợ giàu hơn, giỏi hơn, chỉ riêng việc vợ chồng bằng tuổi, vợ sẽ già hơn, cuộc sống hôn nhân cũng khó mà hạnh phúc rồi. Trai ba mươi tuổi đang xoan. Gái ba mươi tuổi đã toan về già. Con cứ xem lại xem. Tôi tuy hết lời bào chữa cho quyết định của Hoàng nhưng thâm tâm lại đồng cảm với bố mẹ. Bố mẹ đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tôi, thế mà…
Thêm mấy năm nữa trôi qua, Hoàng ra trường, cứng rắn, chững chạc hơn nhưng chúng tôi vẫn chưa thể tổ chức đám cưới. Tôi nghĩ, không phải là anh không yêu tôi mà chỉ đơn giản vì anh xác nhận lời của bố mẹ tôi là đúng: Anh vẫn chưa có gì cả, mà anh cũng không muốn xài tiền của gia đình em. Bây giờ thì tôi chịu đựng những lần hẹn của Hoàng như một thói quen, bấu víu vào một niềm tin: Hoàng là người đàng hoàng. Tình yêu của chúng tôi là tình yêu trong sáng và đã qua nhiều năm thử thách.
Ấy thế mà đùng một cái như sét đánh ngang tai: Hoàng có người khác. Đó còn là một cô tiếp viên nhà hàng. Tôi không tin, tôi không thể tin. Thế nhưng đây lại không phải là chuyện đồn thổi. Cô gái đó đã có bầu sáu tháng. Hoàng cũng đã thừa nhận đứa con đó. Chuyện tới tai tôi đâu phải chỉ từ miệng một người. Tôi đến nhà Hoàng. Căn nhà có giàn hoa tigon hồng rực rỡ này từng đã rất thân thuộc với tôi.
- Hoàng nó bị lừa con ạ, chắc con nhỏ kia bỏ bùa mê thuốc lú cho nó rồi, dù có thế nào con vẫn là dâu con trong nhà.
Tôi nuốt cái cười cay đắng, chào từ biệt bố mẹ Hoàng ra về. Những cánh hoa tigon như những trái tim hồng vẫn vô tư phập phồng trong nắng như không biết lòng tôi đang dậy sóng. Tôi lao xe đi vô định trên con đường ngày xưa Hoàng thường gò lưng chở tôi qua mỗi sáng. Những cây osaka đang mùa hoa rực rỡ khiến lòng tôi càng thêm tê tái. Con đường đã đổi thay, khu phố cũng đổi thay, chẳng lẽ lòng người cũng phải luôn đổi thay? Cũng may bố mẹ tôi không ở cùng để phải chứng kiến nỗi đau và sự nhục nhã của tôi. Tôi cần phải gặp Hoàng. Tôi đã quyết định: Cuộc tình này nếu có tan vỡ thì người nói lời chia tay phải là tôi chứ không thể là Hoàng.
Hoa tigon sau bão - Truyện ngắn của Bùi Đế Yên1

Minh họa: Văn Nguyễn

- Anh biết anh có tội với em. Anh không có quyền xin em tha thứ, nhưng anh cũng không thể làm khác… Mai có bệnh, lại không thể nương tựa vào đâu được. Nếu bỏ cái thai sẽ rất nguy hiểm cho cô ấy…
Những lời nói của Hoàng chập chờn trong trí tôi. Trời ơi! Sao Hoàng thấu hiểu tình cảnh của cô ta mà không hiểu cho tôi. Mười mấy năm yêu nhau, sáu năm chờ đợi. Tôi đã ba mươi tuổi, già rồi chứ có còn trẻ trung gì nữa đâu để bắt đầu một mối tình mới với đầy đủ những thương nhớ, mong chờ, giận hờn, hứa hẹn. Rồi còn bố, mẹ, bạn bè, đồng nghiệp cùng công ty. Tôi sẽ ăn nói với họ như thế nào đây? Nỗi đau của tôi bật ra khỏi miệng bằng lời xua đuổi nhưng nó không tan ra, nó vẫn nằm đâu đó trong tim, trong óc và cào từng vệt nhức buốt. Không tôi sẽ không chịu thua cuộc. Nếu Hoàng không phải là của tôi thì Hoàng cũng không được là của ai khác. Hạnh phúc phải đấu tranh mới có chứ đâu không trên trời rơi xuống cho mình hưởng được. Tôi phải có Hoàng, có đám cưới rạng rỡ nhất!
***
- Anh đã nói tất cả với Trâm rồi, Mai à!
Tôi nắm lấy bàn tay anh ủ vào trong tay mình, nhìn vào đôi mắt thâm quầng mệt mỏi của anh một cách thật dịu dàng. Cái câu: "Tất cả là lỗi tại em!". Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, không thể lặp lại nữa nên tôi muốn bằng ánh mắt, cử chỉ của mình chia sẻ, động viên anh. Anh đang phải thực hiện một sự chọn lựa khắc nghiệt. Một bên là má con tôi với quãng tương lai mù mịt. Một bên là người con gái ấy với những gì rõ ràng cụ thể, an bình và tươi sáng. Giá như...
Tôi là một cô gái chạy bàn. Công việc hằng ngày của tôi là trải khăn ăn, đặt ly, đặt đĩa vào đúng vị trí trên bàn ăn, bưng bê, rót bia, rót rượu, gắp đá và thu dọn chén đĩa sau bữa tiệc. Nhà hàng Hoa Phượng, nơi tôi làm, là một nhà hàng sang trọng, đông khách, cũng là nhà hàng duy nhất có chế độ bảo hiểm y tế đàng hoàng cho những người thường xuyên phải đi bệnh viện thăm khám như tôi. Tuy nhiên với những ưu thế đó thì tôi phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày và lương thưởng cũng chẳng cao. Tôi cũng không có những chiêu làm vừa ý khách nên dù không tiêu xài hoang phí, ăn chơi gì, tôi vẫn không có tiền dư. Tài sản duy nhất đáng giá của tôi thực ra lại chính là chiếc khăn thấm những giọt máu trinh trắng vào cái đêm mưa giông mơ thực hôm đó. Đến giờ tôi vẫn không hiểu sao mình lại liều lĩnh đến thế; vì men bia vì khuôn mặt dễ mến và cái câu: Vậy hóa ra mình là đồng hương của anh chăng? Mọi việc đã xảy ra như thế nào tôi không còn nhớ nữa. Khi tỉnh cơn mê, tôi đã lo lắng, hoảng hốt biết bao vì sự dại dột của mình nhưng nhìn vẻ mặt thất thần của anh, tôi lại phải làm ra vẻ như là tôi đã quá quen với những chuyện như thế này. Đuổi anh đi rồi, tôi gần như ngất xỉu khi ý thức được chuyện gì đã xảy ra với mình. Khi tôi ngất xỉu thật sự, được đưa tới bệnh viện thì cái thai đã được gần 2 tháng rồi. Tôi thể chất yếu đuối, cũng thường biếng ăn, khó ngủ, sợ mùi hành mỡ nên không nghĩ đó là triệu chứng có thai. Tôi sống trong tình trạng hoảng loạn tới khi cái thai được bốn tháng thì anh đến tìm tôi. Qua thái độ, tôi hiểu anh đã biết chuyện, còn làm sao anh biết thì tôi không thể đoán ra. Cảm giác đầu tiên của tôi là vui mừng vì nếu anh không quay lại, mọi chuyện sẽ thế nào, tôi cũng chưa biết chắc. Những trường hợp như của tôi, người ta hoặc là phá bỏ cái thai hoặc là lừa ai đó để tìm cha cho đứa trẻ. Cả hai việc tôi đều không làm được. Tôi đã nghĩ nếu anh chối bỏ trách nhiệm, tôi có thể sẽ bớt dằn vặt hơn khi bất đắc dĩ phải chọn cách bỏ đi đứa con mới thành hình này. Anh bảo: Anh sẽ không để em phải chịu đựng như thế! Chịu đựng ư!? Tôi đã nghe mấy người bạn nói đến nỗi đau đớn của việc nạo thai nhưng những nỗi đau về thể xác như thế, đối với tôi, có là gì. Ba tôi là người nát rượu, ông thường đi nhậu cho đến khi say xỉn mới chân nam đá chân xiêu về nhà rồi vác dao, gậy đuổi đánh má con tôi. Ông còn có những hành động làm tôi ghê sợ. Má tôi hoặc đã chai sạn hoặc cần có một người chồng hơn một đứa con gái ốm yếu nên chẳng thể làm một con gà mái mẹ xù lông bảo vệ con. Tôi từng chạy khỏi nhà ăn ngủ vạ vật rồi lại trở về chỉ để hiểu ra giá tôi đi luôn thì có lẽ tốt hơn cho tất cả mọi người. Thế nên sau này những lời cằn nhằn, trêu chọc, mắng mỏ của bà chủ khó tính và những người khách lắm tiền, bụng bự bia, mồm sặc mùi rượu ở đây tuy không dễ chịu gì nhưng với tôi vẫn tốt hơn những trận đòn roi và chửi mắng ở nhà. Tôi không có nhiều nước mắt nhưng tôi đã khóc nhiều khi anh yêu cầu tôi giữ đứa bé. Tôi không mừng vì đã có một sự đảm bảo cho cuộc sống bấp bênh trôi nổi của mình. Tôi sung sướng vì đã đặt niềm tin đúng người đúng chỗ, dù có thế nào con của tôi cũng có một người cha tốt. Thế nhưng…
***
Tôi là một kẻ khốn nạn, tôi đã gây đau khổ cho cả hai người. Tôi đang đứng giữa ngã ba. Một bên là Trâm với ánh mắt uất ức đau khổ cả căm hờn nữa. Một bên là Mai với khuôn mặt mong manh đẫm những giọt nước mắt. Tôi và Mai đến với nhau trong một lúc không làm chủ được bản thân. Tôi không biết đó có phải là tình yêu không nhưng cho rằng mình bị lừa như mọi người cứ khăng khăng khẳng định thì không bao giờ. Không cần nhiều kinh nghiệm tôi cũng biết, Mai chưa bao giờ nhận được một nụ hôn hay sự âu yếm vuốt ve của bạn tình, một điều khá khó tin đối với những cô gái cùng cảnh ngộ. Giữa tôi là hai người con gái, nhưng tôi không đặt họ lên bàn cân. Tôi không có quyền lựa chọn. Tôi không xứng đáng với cả hai nhưng tôi lại chỉ được chọn một. Trâm yêu tôi, cô ấy có tất cả mọi thứ: gia đình, sự nghiệp, cả thời gian và sự hợp lý hợp tình. Còn giữa tôi và Mai… Liệu một thằng lính ba không như tôi có thể làm bớt chút nào những bất hạnh mà Mai đã từng gánh chịu. Ngồi đối diện với Mai, nhìn vào đôi mắt mệt mỏi, nước da xanh tái, cái cổ cao với làn gân xanh nổi vệt, cái bụng đã lùm lùm, tôi nghĩ: người con gái ấy đang phải đối đầu với tất cả: bệnh tật, sự thù ghét rẻ khinh, một quá khứ tủi nhục, một hiện tại bấp bênh đau khổ và một tương lai mù mịt... Tôi phải làm gì đây?
***
Người phụ nữ thanh mảnh, có đôi mắt u uẩn thường đứng đón con bên đường vào tất cả các chiều trong tuần. Chị chẳng bao giờ bắt chuyện với ai, khuôn mặt buồn chỉ bừng sáng khi cậu con trai mới chừng năm, sáu tuổi mập mạp trắng trẻo chạy ào ra ôm lấy mẹ. Cậu bé xinh đẹp khác hẳn mẹ nó khiến cho các bà bán hàng rong gần đấy phải để ý bàn tán. Họ lén lút quan sát và công khai bình phẩm chuyện mẹ cú con tiên nhưng họ không thể bám theo xe về ngôi nhà rộng rãi ẩn sau vòm cổng âm u đầy những dây hoa cát đằng và tigon bám vào nhau chằng chịt. Trong ngôi nhà đó, trên bàn thờ có tấm di ảnh một người đàn ông mặc quân phục, cười rất tươi. Thi thoảng vào những buổi tối, khi đứa trẻ đã ngủ yên, trước bàn thờ anh lại nghe tiếng thổn thức đứt quãng của người phụ nữ: “Anh và Mai hãy phù hộ cho con… Em hứa sẽ chăm nuôi bé Nam chu đáo…”.
Người phụ nữ ấy cũng như nhiều người dân phương Nam, vẫn nhớ tới cơn bão số 9 Durian dữ dội năm đó. Cơn bão đến trước ngày bé Nam ra đời đúng một tuần...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.