Họa sĩ Việt bước ra thế giới

12/12/2018 06:27 GMT+7

Việc các họa sĩ đương đại VN mang tranh đi triển lãm hoặc tham gia vào các chương trình lưu trú… ở nước ngoài mang đến những cơ hội và cả thách thức mới với hội họa trong nước.

Năm qua, ngoài việc một số tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ lừng danh được giới thiệu, như trong Tuần lễ triển lãm nghệ thuật châu Á hồi tháng 11 tại London, Anh do nhà sưu tầm người Thụy Sĩ Hugentobler tổ chức đã trưng bày tranh của Nguyễn Tư Nghiêm và Bùi Xuân Phái, thì các tác phẩm của họa sĩ Việt đương đại đã xuất hiện ở khá nhiều nơi.
“Việc tham gia vào các workshop, triển lãm, hoặc giao lưu trao đổi ở nước ngoài là cách để người nghệ sĩ học hỏi được nhiều điều trong hoạt động nghệ thuật. Điều đó không chỉ tốt cho sự nghiệp của nghệ sĩ nói riêng mà còn là cơ hội khẳng định vị thế của nghệ sĩ VN trong cộng đồng nghệ thuật”, họa sĩ Trần Thanh Cảnh
Hồi tháng 3, các nữ họa sĩ: Nguyễn Thị Tâm, Trần Thùy Linh, Huỳnh Phương Thị Đài Trang và Việt Thị Kim Quyên cùng nhiều họa sĩ khác đến từ các nước Đông Nam Á đã giới thiệu tác phẩm ở Trung Quốc với chủ đề Khúc ca xuân. Đến tháng 9, triển lãm quốc tế Hanryu - khởi đầu chuỗi nghệ thuật của tổ chức International Art Culture Exchanging Association For 21st Century có sự góp mặt của 3 nghệ sĩ đến từ VN là Lê Thanh Minh, Nguyễn Minh Quân và Lê Thanh Tùng.
Gần đây nhất, 2 đại diện đến từ VN là Ly Hoàng Ly và Nguyễn Trinh Thi cùng hơn 80 nghệ sĩ tham gia triển lãm Asia Pacific Triennial 2018, kéo dài đến hết ngày 28.4.2019 tại Queensland Art Gallery|Gallery of Modern Art (Úc).
Bên cạnh đó, nghệ sĩ VN còn giành được giải thưởng danh giá tại nước ngoài, như Phan Thảo Nguyên thắng giải nhất cuộc thi Signature Art Prize 2018 tại Singapore với tác phẩm Tropical Siesta (Giấc trưa nhiệt đới). Họa sĩ Trần Thanh Cảnh - thạc sĩ nghệ thuật, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật TP.HCM, Chủ nhiệm CLB Họa sĩ trẻ và là giảng viên đại học, có dự án Tales of Legends (Huyền thoại Mị Nương) được chọn là 1 trong 59 dự án nhận tài trợ 839.500 đô la Úc thuộc Chương trình tài trợ nghệ thuật của thành phố Melbourne (Úc).
Triển lãm của nghệ sĩ Ưu Đàm tại Shanghai Biennale năm 2018
Cơ hội và thách thức cho họa sĩ đương đại
Theo nghệ sĩ Ưu Đàm (UuDam Tran Nguyen), người nhiều lần tham gia các triển lãm ở nước ngoài thì con đường đưa tranh xuất ngoại của các cá nhân hầu hết là do giám tuyển của các tổ chức mời trực tiếp. Do đâu các giám tuyển này biết ai để mời? “Đó là do một quá trình họ đi xem các triển lãm từ các bảo tàng khác nhau, cũng có khi là do sự giới thiệu của đồng nghiệp hoặc nhà sưu tập. Tại triển lãm Shanghai Biennale 2018 mà tôi vừa tham dự có ông Cuauhtemoc Medina là “trùm” giám tuyển, còn lại có 3 giám tuyển phụ làm việc trực tiếp với nghệ sĩ. Khi làm việc với các tổ chức này, mình phải qua sự sàng lọc của họ”, nghệ sĩ Ưu Đàm nói.
Họa sĩ Trần Thanh Cảnh cũng cho biết: “Nghệ sĩ phải đáp ứng được điều kiện mà đơn vị tổ chức triển lãm, chương trình nghệ thuật yêu cầu. Việc đăng ký vào những chương trình đó có thể mất từ 3 đến 6 tháng. Trong khoảng thời gian đó, người nghệ sĩ phải chuẩn bị hồ sơ trong đó có portfolio (hồ sơ thể hiện năng lực) hoạt động nghệ thuật của cá nhân, kế hoạch dự án nghệ thuật mà mình đang hay muốn thực hiện”. Chẳng hạn, để tham gia một workshop vừa tổ chức ở Paris (Pháp) trong vòng 3 tháng dành cho nghệ sĩ trên toàn cầu, họa sĩ Lê Hoàng Bích Phượng phải viết một dự án và được hội đồng thẩm định đồng ý, khi đó họa sĩ Bích Phượng được tài trợ ăn ở, xưởng làm việc trong thời gian diễn ra sự kiện. Còn như dự án Tales of Legends (Huyền thoại Mị Nương), Trần Thanh Cảnh cũng vượt qua nhiều vòng xét duyệt để được cấp tài trợ hoàn thiện các bộ tác phẩm và triển lãm cá nhân tại Úc.
Chương trình lưu trú có hai dạng: nghiên cứu viết bài và sáng tác thực hiện tác phẩm, do đó khó khăn và thách thức đầu tiên với nghệ sĩ là ngoại ngữ. Bên cạnh tiếng Anh thì khi tham gia dự án ở các quốc gia đề cao tính bản sắc, họa sĩ cần biết thêm ngoại ngữ của nước sở tại, như tiếng Nhật, Pháp hay Đức để có thêm lợi thế. Bởi nghệ sĩ phải tự viết hồ sơ và lời giới thiệu triển lãm, giao lưu công chúng, làm việc trực tiếp với giám tuyển hoặc người trong gallery...
Để có chỗ đứng trong các triển lãm quốc tế, nghệ sĩ Ưu Đàm cho rằng: “Nghệ sĩ cần có khả năng giải quyết nhiều công việc một lúc, như cách thương thuyết để có vị trí thích hợp, cân đối ngân sách làm tác phẩm, trình bày tác phẩm trong không gian của mình, kể cả việc chụp hình, quay phim tác phẩm... Chính vì thế, nghệ sĩ có triển lãm quốc tế chỉ một lần đi cũng học được rất nhiều”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.