Họa sĩ Thành Chương: Tôi sẵn sàng khởi kiện trong và ngoài nước

16/07/2016 13:20 GMT+7

"Nghi án" dùng tranh của Thành Chương - họa sĩ danh tiếng đang còn sống rồi xóa bỏ tên tuổi, thay bằng tên của danh họa lão làng khác đã mất (Tạ Tỵ) đưa ngược trở lại Việt Nam để triển lãm khiến giới mỹ thuật dậy sóng.

Cương quyết đòi trả lại tên cho tranh
Mặc dù họa sĩ Thành Chương khẳng định anh đang chờ đợi để xem thái độ của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung ra sao, song anh cũng cương quyết theo đến cùng vụ việc trên, dù rất phức tạp và mất nhiều thì giờ.
Họa sĩ Thành Chương với bức tranh Trừu tượng.
Họa sĩ Thành Chương với bức tranh Trừu tượng. Ảnh: Đại mỹ Lệ
“Tôi cương quyết đi đến cùng trong việc này để đòi lại pháp lý cho bức tranh nếu cần thiết, kể cả việc khởi kiện trong nước và quốc tế”, họa sĩ Thành Chương tuyên bố sau buổi yêu cầu đối chất bất thành vào sáng 15.7 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM do vắng mặt nhà sưu tập Vũ Xuân Chung.
Khi được hỏi về các bức tranh khác đang trưng bày tại triển lãm này, họa sĩ Thành Chương cảm thán: “Không có bức tranh nào là thật cả, khổ thân nhà sưu tầm, cần có pháp lý rõ ràng”. Trả lời về cảm nhận khi nhìn thấy “con đẻ” của mình mang tên người khác, họa sĩ Thành Chương thẳng thắn: “Phải nói là ‘dựng tóc gáy’ khi trông thấy bức tranh Trừu tượng của mình trong triển lãm. Tôi khẳng định bức tranh đó được vẽ năm 1970-1971 và nhớ rõ hoàn cảnh sáng tác, vẽ cái gì, vẽ ra sao, phong cách là gì, chất liệu như thế nào… Thậm chí, người mẫu trong bức tranh hiện vẫn còn sống. Tôi không thể nhớ đã bán bức tranh này cho ai. Nhưng thật sự không thể tưởng tượng lại có sự đánh tráo trắng trợn như vậy”.
Họa sĩ Thành Chương cũng cho rằng, việc tráo tên tranh của anh sang tranh Tạ Tỵ là nhằm nâng cao giá tranh. Tuy nhiên, anh khẳng định: “Tôi là chứng cứ duy nhất để từ đây có thể lần ra mọi thứ sáng tỏ, là những bước khai phá đầu tiên, và cần thiết để lấy lại sự công bằng cho thị trường mỹ thuật Việt Nam. Không thể để hiện tượng làm tranh giả ở nước ngoài rồi tuồn lại về nước. Tôi đã trao đổi với cả bên Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, nếu cần sẽ khởi kiện trong nước và quốc tế”.
Tuy nhiên ông Jean François Hubert (chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hồng Kông), người đã cấp những giấy tờ chứng nhận các bức tranh trong triển lãm trên là thật, khẳng định: "Tất cả bức tranh tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu đều là tranh thật, được giám định, xác thực, có địa chỉ, nằm trong những bộ sưu tập ở Pháp. Chúng không những nguyên bản mà còn tuyệt đẹp, hiếm có. Trên thực tế những người sở hữu bộ sưu tập tranh tuyệt vời ở Việt Nam đều là những người mua tranh tại Christie’s Hồng Kông. Trong đó, ông Vũ Xuân Chung đang sở hữu bộ sưu tập tuyệt vời như thế”.


Tôi là họa sĩ Thành Chương. Tôi khẳng định bức tranh Trừu tượng của Tạ Tỵ năm 1952 trong triển lãm về các họa sĩ Đông Dương Những bức tranh trở về từ châu Âu đang được bày tại phòng tranh của Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM, là của tôi. Họa sĩ Thành Chương chính là tác giả bức tranh đó. Tôi đã vẽ bức tranh đó vào khoảng năm 1970-1971


Họa sĩ Thành Chương khẳng định trong email gửi báo chí và giới phê bình mỹ thuật


Được biết nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đã tốn rất nhiều tiền của, thậm chí bán cả nhà cửa để mua bộ sưu tập 17 bức tranh của các danh họa Việt Nam đang được trưng bày tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu.
Giới mỹ thuật và phê bình bất bình
Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình (một họa sĩ gốc Hà Nội đang sinh sống tại TP.HCM) khẳng định: “Tôi tin chắc chắn 100% bức được "gán" cho họa sĩ Tạ Tỵ là của họa sĩ Thành Chương, với phong cách và hòa sắc đặc trưng của Thành Chương, không có chuyện thật giả 50/50". Anh giải thích thêm: “Tạo hình của họa sĩ Thành Chương không thể lẫn vào bất cứ ai, bất kể theo phong cách nào - lập thể hay có hình - bởi một điều hiển nhiên: cá tính sáng tạo của một tài năng, không hề có sự pha tạp… Còn cố họa sĩ Tạ Tỵ cũng là một tài năng, một gương mặt độc đáo của hội họa Việt Nam (Sài Gòn trước 1975), vì thế phong cách và cá tính sáng tạo của ông cũng không thể lẫn vào bất cứ ai. Hai phong cách theo cùng một trường phái vẫn hoàn toàn độc lập với nhau, không lẫn lộn! Chỉ có cái giấy chứng nhận mới là giả mạo!”.
Có mặt tại buổi đối chất sáng 15.7, nhà nghiên cứu hội họa, nhà báo Nguyễn Trọng Chức (nguyên Thư ký tòa soạn tạp chí Mỹ Thuật TP.HCM, Trưởng ban lý luận - phê bình Hội Mỹ thuật TP.HCM), cũng khẳng định các chứng nhận văn bản mà ông Jean François Hubert cấp cho ông Vũ Xuân Chung chứng nhận là tranh của họa sĩ Tạ Tỵ vẽ vào năm 1952 là không có giá trị về mặt pháp lý.
Nhà sưu tập người Thái Lan vốn quen thuộc với người yêu mỹ thuật Việt Nam Tira Vanichtheeranont, khách quan cho rằng: “Tôi biết ông Chung khá rõ. Ông ấy chỉ tin vào giấy tờ chứng nhận của người Pháp kia mà không nghe ý kiến của người khác. Thật tiếc cho ông ấy và cho cả ban tổ chức đã cho phép triển lãm như vậy dưới cái tên Bảo tàng Mỹ thuật”.
Ông Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cũng cho rằng: “Cuộc triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu mang danh là triển lãm tác phẩm của các danh họa bậc thầy Việt Nam - một triển lãm có tiếng, có giá trị về mặt nghệ thuật, và tạo uy tín cho Việt Nam với điều kiện tranh phải thật. Nhưng nếu là tranh giả càng làm giảm uy tín của Việt Nam trên thị trường mỹ thuật quốc tế”.
Vẫn mở cửa triển lãm… để rộng đường dư luận
Ngay từ trước khi mở cửa chính thức, triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu gồm 17 bức tranh của bộ tứ huyền thoại làng hội họa Việt Nam Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) và nhiều bức tranh khác của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ… đã dấy lên nhiều tranh cãi nghi vấn về tranh thật - giả.
Vợ chồng họa sĩ Thành Chương tại bức tranh Trừu tượng
Vợ chồng họa sĩ Thành Chương với bức tranh Trừu tượng. Ảnh: Đại Mỹ Lệ
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm trước đó khẳng định những bức tranh trong triển lãm này là giả, gọi đây là “tai nạn nghề nghiệp” ngoài ý muốn của chính người sưu tập tranh và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, gây mất uy tín cho mỹ thuật Việt Nam.
Ông Thành cũng từng đề xuất nên chấm dứt hoạt động triển lãm này, đồng thời đề nghị phải có hội đồng thẩm định lại những bức tranh trên. Song phía Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM vẫn giữ nguyên quyết định triển lãm sau khi trao đổi với nhà sưu tập Vũ Xuân Chung và được ông này cam kết là tranh thật với nhiều giấy tờ chứng nhận.
Sau khi phát hiện bức Trừu tượng, “nhân chứng sống” họa sĩ Thành Chương nói: “Giờ đây việc đóng cửa hay không đóng cửa triển lãm không còn quan trọng nữa”.
Được biết họa sĩ Thành Chương và đại diện Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM quyết định vẫn tiếp tục mở cửa triển lãm tới hết ngày 21.7 để rộng đường dư luận. Cũng trong ngày 15.7, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM Trịnh Xuân Yên cho biết Bảo tàng quyết định thành lập một hội đồng thẩm định lại hoàn toàn triển lãm trên với thành phần là những họa sĩ uy tín, nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu và các đại diện của Hội Mỹ thuật TP.HCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam... và dự kiến sẽ có kết luận cuối cùng về độ thật - giả của các bức tranh vào ngày 19.7 tới.
Ông Trịnh Xuân Yên nói: “Tôi nghĩ chuyện bức Trừu tượng bị thay tên là một quãng đường rất dài, thậm chí tranh đã thuộc sở hữu của rất nhiều người rồi. Mà nếu đã xác định rồi thì trả về với chính chủ của nó cũng là chuyện đương nhiên. Nhiều khi trả về với chính chủ thì giá trị còn tăng nhiều hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.