Họa sĩ Lê Văn Định - Người ở trọ vui vẻ

09/05/2009 17:51 GMT+7

Có một họa sĩ đã thiết kế mỹ thuật cho hơn 300 vở diễn sân khấu trong hơn 30 năm làm nghề, nhưng anh chưa “thiết kế” nổi cho mình một căn nhà. Mỗi ngày, anh cứ bình thản lượn qua cuộc đời, thong dong, nhẹ nhõm...

Khẩu khí của  cậu bé con

Lê Văn Định được sinh ra ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, tại một khu dân cư nghèo chung quanh có rất nhiều nghĩa trang. Hồi nhỏ, anh hay lân la vô chùa chơi. Chùa Già Lam nổi tiếng đẹp và cổ kính, với khu vườn rậm rạp cây lá, là chốn ẩn mình của Định. Khoảng năm học lớp 5, một hôm, “cậu bé” nhìn lên tượng ông Phật rồi buột miệng: “Ai vẽ Phật xấu hoắc. Chừng nữa tui lớn, tui sẽ vẽ đẹp hơn cho coi!”. Cậu bé nói xong lại quên ngay, không ngờ câu ấy như một điềm dự báo...

Vài năm sau, duyên phận đẩy đưa cho Định gặp một vị linh mục. Ông này đi truyền đạo ở khu vực đó, ghé nhà hàng xóm của Định, thấy cậu bé bên này lui cui với đống đất sét, ông tò mò bước qua xem. Thì ra nhà Định là cả một “phòng trưng bày” nào tranh ảnh, nào những con thú bằng đất, rất sinh động. Ông bèn khuyên cậu bé thi vô trường Đại học Mỹ thuật. Định nghe lời ông. Thế là anh trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Và anh đã trở về làm đúng “lời tuyên bố ngây thơ” hồi nhỏ, vẽ các bức họa tặng chùa, đồng thời cũng vô nhà thờ vẽ hình Chúa Jésus, coi như đền đáp nghĩa tình với hai nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật non trẻ của mình.  

Kẻ ngoại đạo cách tân sân khấu  

Họa sĩ Lê Văn Định: Sinh năm: 1951
Các vở đã thiết kế: Tình yêu dành cho hai người (Đạo diễn: Trần Minh Ngọc), Chuyện văn chương (Đạo diễn: Trần Minh Ngọc), Bí mật vườn Lệ Chi (Đạo diễn: Thành Lộc), Hạnh phúc trên đồi hoa máu (Đạo diễn: Vũ Minh), Tiếng chim vườn ngọc lan (Đạo diễn: Minh Nguyệt), Nguyệt hạ (Đạo diễn: Khánh Hoàng), Thần tượng thực (Đạo diễn: Minh Hải), Chuyện tình mùa thu (Đạo diễn: Đức Thịnh), Con cáo và chùm nho (Đạo diễn: Nguyễn Văn Phúc), Biển cồn cào (Đạo diễn: Trần Minh Ngọc), Cái bếp lò (Đạo diễn: Trần Văn Hưng)...

Lúc còn là sinh viên trường Mỹ thuật Sài Gòn, Lê Văn Định đã đi làm thuê tự nuôi mình. Anh cộng tác cho một nhà may áo dài, vẽ mẫu áo rất đẹp. Phu nhân của tổng thống chế độ cũ Nguyễn Văn Thiệu một lần ghé nhà may đúng lúc Định đang có mặt. Thấy anh vẽ áo, bà cầm mẫu lên xem, rồi... xé tan tờ mẫu. Bà mỉm cười: “Từ nay con vẽ áo cho cô, mẫu nào của cô là không vẽ cho ai khác”. Nghĩa là bà muốn độc quyền. Lê Văn Định làm thuê như thế mỗi tuần khoảng 50 đồng, mà chiếc xe hơi lúc ấy hơn 300 đồng, chỉ cần anh dành dụm vài tháng là đủ... lên xe xuống ngựa. Anh cười: “Nhưng hồi đó ai mà tính xa dữ vậy! Mình tánh nghệ sĩ, không biết gì ngoài chuyện làm nghề, cho nên nghèo tới bây giờ!”. 

Ra trường, anh cũng được Nhà nước phân công làm chỗ này chỗ kia, nhưng rồi trường Nghệ thuật sân khấu TP.HCM thiếu giảng viên, anh được điều về dạy thiết kế. Định khóc ròng với mấy chú: “Trời ơi, con có biết gì về sân khấu đâu! Lại không quen nghe trống kèn inh ỏi, nhức đầu muốn chết. Mà tiếng nói của con nhỏ xíu, giảng hổng ai nghe hết trơn!”. Thật sự Định nói năng nhỏ nhẹ, người mỏng như lá lúa, chẳng ra dáng “ông thầy” tí nào. Nhưng mấy chú bảo: “Không biết thì cứ làm rồi sẽ biết!”. Thế là Định bắt đầu những năm tháng... bị đồng nghiệp chê bai, vì anh cứ lơ ngơ như kẻ ngoại đạo. Một hôm Định tức quá, anh lại văng ra một câu cũng khẩu khí y như hồi còn nhỏ: “Được rồi, vài năm nữa tui sẽ cách tân sân khấu cho coi!”. Bây giờ nhớ lại thời “trẻ người non dạ” đó, Định không khỏi tức cười. Nhưng rõ ràng nhờ cái máu sôi sục ấy mà anh đã bật lên, trở thành một trong những họa sĩ thiết kế sân khấu hàng đầu của TP.HCM, và là Trưởng khoa thiết kế Mỹ thuật Sân khấu-Điện ảnh và Hóa trang của trường Cao đẳng SKĐA TP.HCM hơn chục năm nay.

Lê Văn Định đã quậy tung ngôi trường khi anh thiết kế cho vở Mẹ Đảm và bầy con năm 1980. Đó là vở của Bertolt Brecht đầu tiên mà Sài Gòn dàn dựng với một đạo diễn cũng không kém phần máu lửa là đạo diễn Đăng Nhân. Trường sân khấu là nơi được Nhà nước ưu ái, luôn dành phần kinh phí rất cao để dựng tác phẩm nổi tiếng, tha hồ cho nghệ sĩ tung tẩy. Lê Văn Định đã dựng cả một sàn diễn hoành tráng với toàn giấy báo, một thể nghiệm độc đáo chưa từng có. Dư âm chưa kịp lắng thì vài năm sau, Định thiết kế cho vở Chàng Mara tội nghiệp cũng tuyệt vời không kém. Anh và đạo diễn Đăng Nhân vừa vẽ, vừa dựng, vừa tay cưa tay bào làm luôn chức năng thợ mộc, hậu đài. Sân khấu lại thêm một lần thử nghiệm bất ngờ. Anh tạo ra sự nhẹ nhàng, lãng mạn, thanh lịch cho sân khấu, rất phù hợp cho những không gian nhỏ như 5B và IDECAF. 

Nhưng ít ai biết Lê Văn Định còn nhiều cái “phiêu” khác. Anh thường mày mò làm những đề án và... đem cho không. Một đề án xây dựng mô hình sở thú và môi trường thiên nhiên trong gia đình và nhà trẻ, gửi thẳng lên Cao ủy Liên Hiệp Quốc, khiến nhân viên của Liên Hiệp Quốc ngạc nhiên: “Thời buổi thiên hạ đi bán ý tưởng từng chút, sao anh lại đem cho không như thế?”. “Tôi mơ ước mỗi đứa trẻ lớn lên đều biết yêu và bảo vệ thiên nhiên, cho nên ai làm dùm thì tôi càng cám ơn chứ bán buôn chi!”. Anh lại làm đề án tổ chức một quán cà phê rất “art” tại lầu 2 của ngôi nhà 5B cho văn nghệ sĩ và khán giả có nơi lui tới giao lưu, hoặc những buổi nói chuyện chuyên đề về sân khấu, hoặc một cuốn sách về thiết kế sân khấu rất độc đáo, mà theo đó sân khấu có thể lắp ráp hay tháo rời ra tùy ý, dễ dàng đem đi triển lãm. Nhiều thứ cứ “nảy ra” trong đầu mà hai tay thì nhỏ bé nên Lê Văn Định cứ đem đi “tiếp thị” thoải mái, mong ai đó làm giùm cho sân khấu là anh vui lắm rồi, khỏi cần tính công cho anh. 

Người ở trọ vui vẻ

Một cảnh trong vở Hạnh phúc trên đồi hoa máu  - Ảnh: H.Kim

Lê Văn Định tài hoa như thế mà vẫn chưa có căn nhà để ở. Anh và vợ cùng hai con đang tá túc trong căn hộ tập thể của trường sân khấu, tại đường Cống Quỳnh, TP.HCM. Anh tỉnh bơ nói: “Tiền thì có, nhưng không đủ để mua nhà, chỉ đủ mua xe mô tô và đi du lịch thôi, nên cứ đổi xe và đi du lịch. Sống vui là được!”. Nhưng thật ra, anh đã hai lần bỏ qua cơ hội có nhà. Một lần, anh nhường suất nhà “chính sách” cho một đồng nghiệp vì nghĩ mình chưa có vợ còn bạn mình vừa lập gia đình. Lần khác, anh được cho chọn một căn, nhưng cuối cùng hai vợ chồng từ chối. Sau này không còn chính sách cấp nhà cho cán bộ công nhân viên chức nữa, gia đình anh vui vẻ ở trọ, không than van một tiếng.

Làm được vậy có lẽ vì anh có người vợ cực kỳ đồng cảm. Chị tên Nguyễn Thị Viên, học chung trường mỹ thuật với anh, được giữ lại làm giảng viên. Lẽ ra chị đã mấy lần được đi Liên Xô, Ba Lan học cao hơn, nhưng chị không rời xa anh được. Rồi chị chấp nhận nghỉ dạy, ở nhà quán xuyến, làm thêm để anh bay cao hơn. Anh cảm động: “Trong sự nghiệp của tôi có công lao vợ tôi rất lớn”. Chị vẫn tham gia góp ý cho anh trong mọi công việc. Bản maquette sân khấu nào chị chưa “phúc khảo” là anh chưa nộp cho nhà đầu tư. Chị có thể chỉ ra chi tiết này anh đã sử dụng trong vở nào rồi, chi tiết này thừa, chi tiết kia xấu quá... Anh không hề tự ái mà càng yêu vợ hơn.

Hai vợ chồng sáng sáng đi tập thể dục, anh hôn lên má chị y như hồi... trăng mật. Thỉnh thoảng kéo chiếc Honda ra, chất đồ ăn thức uống lên rồi cả hai phóng ra Vũng Tàu, Bình Dương, tìm một khu du lịch yên tĩnh sống với nhau một, hai ngày. Sau đó trở về căn nhà trọ, tiếp tục nhịp đời thanh thản.  Có lần gặp Lê Văn Định tà tà bước vô 5B với cái áo màu xanh lè, tôi ghẹo anh: “Bộ tính làm... cây chuối!”. Anh cười khà khà: “Vợ tui mua vải đó!”. Lần sau gặp lại đúng cái áo đó, anh tự xưng luôn: “Cây chuối tới nè!”. Và “cây chuối” lại đi chầm chậm, chầm chậm, y như đang trôi giữa cuộc đời, không thèm lo nghĩ, bon chen... 

H.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.