Họa sĩ Dư Dư - Nghệ thuật không có điểm cuối - Đó là 'Lửa'

09/01/2021 16:00 GMT+7

Lửa của nữ họa sĩ Dư Dư (NXB Đà Nẵng , 2020) là tập sách tranh song ngữ, ở đó tác giả gửi đến bạn đọc những tác phẩm hội họa được in thành tập và những chia sẻ của họa sĩ sau hơn 30 năm gắn bó cùng hội họa.

Danh họa Pablo Picasso từng nói rằng “Hội họa là nghề nghiệp của kẻ mù. Anh ta vẽ không phải điều anh ta nhìn thấy mà là điều anh ta cảm thấy, điều anh ta tự nói với mình về thứ mình đã nhìn thấy”. Đó là câu nói mà tôi nghĩ đến, khi xem cuốn sách Lửa của họa sĩ Dư Dư.
Dư Dư là nữ họa sĩ thiên về tranh trừu tượng, chị từng chia sẻ rằng: “Vẽ trừu tượng cần cái cảm để dùng mảng, nét, màu sắc… đưa cái “thần” đi vào lòng người”. Sau hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật bền bỉ cùng hội họa, Dư Dư đã hoàn thành tập sách Lửa. Tập sách gồm 52 tác phẩm hội họa của Dư Dư được vẽ trên các chất liệu: Lụa, sơn dầu, giấy dó, điệp… với tâm nguyện: “Hơn 30 năm gắn bó cùng hội họa, tôi mong được chia sẻ trải nghiệm của riêng tôi trong quá trình sử dụng các chất liệu khác nhau. Lụa. Sơn dầu. Giấy dó, điệp…”.  Trong tập sách này, Dư Dư đã gửi đến bạn đọc một thông điệp: “Đối với riêng tôi, nghệ thuật là lửa. Có thể bùng lên khơi dậy trong tiềm thức những khả năng tiềm tàng”.
Có thể thấy những tác phẩm đặc sắc của Dư Dư trong tập sách mang tên Lửa là: Thế giới riêng, Tiếng dương cầm, Biển động, Tương lai sau chiến tranh, Môi trường và Tứ đại gồm Đất - Nước - Gió - Lửa...
Nữ họa sĩ nhìn thấy đâu đó trên đường người phụ nữ ngóng trông con trước cổng trường, thấy trong vòng xoáy cuộc đời những người phụ nữ yếu đuối dài cổ ngóng trông chồng. Và đêm khuya, khi “những bước chân khệnh khạng” “bóng đổ bên thềm của những cơn say chập choạng...” người đàn ông của họ lại trở về… Tất cả được tuôn tràn vào Thế giới riêng. Tác phẩm ra đời với những sắc màu tương phản, dữ dội như nội tâm của chị trước thế giới riêng mỗi gia đình, mỗi người phụ nữ. Sang Tiếng dương cầm, Dư Dư lại trở nên tĩnh lặng đến vô cùng. Bức họa là “những con sóng nối tiếp xô bờ, nhanh vội, đều đặn, những cảm xúc đời thường tuôn tràn qua màu sắc, âm thanh”. Trên gam màu vàng đất ấm áp, dáng người đàn bà bên chiếc dương cầm cho người xem sự tĩnh tại nhưng không thôi bay bổng. Đến Biển động, người xem bỗng thấy mình mênh mông trước biển khơi. Gần như chỉ với hai gam xanh dương và đỏ rực tưởng như dữ dội, Dư Dư vung vẩy nét cọ, cho Biển độngtĩnh lặng trước mênh mông” khi chỉ một mình, chị “nhận ra được giá trị đích thực của tâm hồn”. Với Tương lai chiến tranh, gam màu đỏ và những dòng máu loang bên trên những khúc xương và những chiếc sọ người, Dư Dư đã dẫn dắt người xem đến một thông điệp rằng: “Sau những trận chiến, dù hùng mạnh đến đâu cũng để lại đau thương mất mát cho cả hai”.
Trong những tác phẩm đặc sắc của nữ họa sĩ, có thể nói Môi trường là một tác phẩm khá ấn tượng. Bằng những gam màu nóng - lạnh trên lớp màu gần với các yếu tố tự nhiên, Dư Dư đưa người xem đứng trước một “Trái đất nóng dần lên. Những khu rừng trần trụi, bất lực, tuyệt vọng để dòng lũ tràn về cuốn trôi mùa màng. Những cây cầu khiếp đảm sụp đổ mặc nhiên. Mẹ Biển không còn đủ sức giữ lại nguồn nước trong để những đàn cá đuối sức cố ngoi ra tìm nguồn sống. Bầu trời không còn trong xanh cho bầy chim thong dong tự tại…”. Người xem bỗng xúc động, nghẹn ngào trước Môi trường bị tàn phá. Và một thông điệp được họa sĩ đặt ra: “Chúng ta làm gì để trao yêu thương và lòng biết ơn về sự hiện hữu của muôn loài?”. Chúng ta làm gì? Làm gì? Câu trả lời cũng dành cho tất cả chúng ta đang sống hôm nay...
Từ cuộc sống đi vào hội họa, Dư Dư chia sẻ: “Cuộc sống là những giai điệu ngọt ngào, những âm thanh dịu dàng, màu sắc rung động, những bài ca bi hùng… Chất liệu sơn dầu giúp tôi chuyển tải nhanh chóng những cảm xúc từ thế giới nội tâm đến cuộc sống đời thường, giúp tôi khai thác những tiềm ẩn bên trong và thế giới ngoại cảnh với những rung động của người phụ nữ luôn nằm sau khung cửa hẹp”. Chị ăn chay trường, nên ta rất dễ nhận ra trong tác phẩm của chị có sự thiền định. “Hãy học hạnh của Đất - Như như bất động. Hãy học hạnh của Nước - Không thêm không bớt. Hãy học hạnh của Gió - Đâu cũng là nhà. Hãy học hạnh của Lửa - Lửa Tam muội ngùn ngụt trong chánh định” và “Khi bạn luôn làm việc tốt, điều kỳ diệu sẽ đến”. Cố họa sĩ Trương Bé - Nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế, người thầy của Dư Dư nhận định: “Hội họa Dư Dư như mời gọi, dẫn dắt ta bước vào miền sâu thẳm của thế giới tâm thức. Ở đó đầy ánh sáng và sắc màu huyền ảo lung linh. Nó vừa lãng đãng huyền hoặc, vừa chập chờn giữa thực và hư…”.
Lửa là tập sách tranh hữu ích cho những ai yêu hội họa, đang trên đường tìm đến hội họa hay đã sẵn có những khả năng tiềm tàng nhưng chưa được khơi dậy để bùng lên như Lửa. Trong tập sách này, Dư Dư cũng chia sẻ từng công đoạn để hoàn thành một bức tranh lụa, trong Tôi đã vẽ lụa thế nào?; cách vẽ trên giấy dó, một chất liệu đặc thù “mỏng, dễ rách, ngấm màu nhanh” để người đọc dễ dàng nắm bắt và cẩn trọng hơn, với Tôi đã vẽ giấy dó thế nào?.
Tác phẩm của Dư Dư thể hiện được nhiều khía cạnh cuộc sống, tâm hồn của chúng ta. Nghệ thuật như hơi thở và ai trong chúng ta cũng cần một Cõi bình yên để trở về, ở đó mọi bụi bặm của cuộc đời được rửa sạch, cuốn trôi, tâm hồn ta trở nên thuần khiết, thiện lành. Sau hơn 30 năm song hành cùng hội họa, với tác phẩm Lửa mới ra mắt của mình, Dư Dư tâm sự: “Vẽ tranh và dạy học như một ngọn lửa nóng ấm trong tim tôi suốt chặng đường nghệ thuật”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.