Họa sĩ 'độc nhất' Tây Đô 50 năm vẽ bảng hiệu bằng tay

27/02/2021 15:00 GMT+7

Qua bao thăng trầm, nghề vẽ bảng hiệu bằng tay dần mai một, thậm chí mất đi. Song, với họa sĩ Phan Há, dù ở tuổi 70 tuổi, ông vẫn níu giữ nghề này ở xứ Tây Đô.

Vào nghề ở tuổi 20

Họa sĩ Phan Há được biết đến là một trong những người cuối cùng còn gắn bó với nghề vẽ bảng hiệu bằng tay. Riêng tại TP.Cần Thơ, ông là họa sĩ duy nhất duy nhất còn giữ niềm yêu nghề “muôn năm cũ” này.

Bảng hiệu cho quán cháo trắng, cà phê do họa sĩ Phan Há vẽ bằng tay theo phong cách xưa

ẢNH: DUY TÂN

Căn nhà của họa sĩ Phan Há nằm trên đường Châu Văn Liêm (P.An Lạc, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) chưa đầy 30 m2. Đây vừa là nhà, vừa là nơi lưu giữ niềm đam mê hội họa của người họa sĩ tài hoa. Trong căn nhà cũ kỹ, chật cứng, tài sản không có gì quý giá ngoài những hộp màu, cọ vẽ cùng bảng hiệu đang vẽ dở dang…
Họa sĩ Phan Há kể, năm 20 tuổi, sau thời gian tự mài mò học hỏi nhiều nơi, ông bắt đầu khởi nghiệp bằng công việc vẽ các panô quảng cáo phim sắp chiếu cho các rạp xi nê. Vài năm sau, ông mở phòng vẽ nằm ngay trung tâm Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Tại đây, ông nhận vẽ lịch, vẽ băng rôn, vẽ bao bì bánh trung thu…

Bảng hiệu tiệm cà phê được họa sĩ Phan Hóa vẽ tỉ mỉ, tinh tế

ẢNH: DUY TÂN

“Thuở trước, vào thập niên 1960 - 1970, nghề vẽ bảng quảng cáo vô cùng phát triển và thịnh hành. Lúc đó các cửa tiệm, cửa hàng... đặt làm bảng quảng cáo không đếm xuể”, ông Phan Há nói và cho biết với những bảng hiệu vẽ bằng cọ, sơn dầu trên bảng kẽm luôn được người thợ dùng cả tâm huyết để có thể hoàn thành. Vẽ bằng tay, thời gian cho ra một bảng hiệu khá lâu, phải mất từ 5 - 7 ngày.

50 năm chăm chút từng nét cọ 

Tuy nhiên, theo ông, ở thời điểm hiện tại, những bảng quảng cáo xưa cũ đã bỗng dưng được “hồi sinh”, nhờ sự ưa chuộng của giới trẻ. Không khó để bắt gặp những bảng hiệu phong cách xưa ở các địa điểm kinh doanh ăn, uống trong nội ô thành phố.

Bảng hiệu tiệm cà phê do họa sĩ Phan Há vẽ khiến nhiều thế hệ lưu luyến một thời đã qua.

ẢNH: DUY TÂN

Để vẽ một bảng hiệu cũng cũng trải nhiều công đoạn như sơn lót, sơn nước chánh, nước nhì, phân chữ, lên màu chữ. Tùy theo số chữ nhiều hoặc ít, công sức người thợ bỏ ra, mỗi bảng hiệu có giá dao động từ vài trăm ngàn đến hơn triệu đồng. Chẳng hạn, vẽ bảng hiệu hớt tóc thì ngoài các chữ giới thiệu còn phải vẽ tạo hình một nhân vật nào đó với mái tóc phù hợp, nghĩa là tốn nhiều công sức vẽ hơn. “Ở mỗi thập kỷ, từ 1960 - 1970 hoặc 1980 - 1990 nét vẽ, màu sơn... đều khác nhau. Vậy nên ngoài việc am hiểu, người thợ cần có sự sáng tạo theo nhu cầu của khách đặt hàng”, họa sĩ Phan Há chia sẻ.
Hiện nay, họa sĩ Phan Há vẫn miệt mài làm công việc này dù thu nhập không còn nhiều như trước. Ông nói mình làm vậy để níu giữ nét đẹp về một ngành nghề xưa và thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo trên từng bảng hiệu.

Một bảng hiệu do họa sĩ Phan Há vẽ

ẢNH: DUY TÂN

Thời buổi hiện tại, giữa vô vàn tấm bảng quảng cáo điện tử lập lòe đủ màu sắc với công nghệ hiện đại thì vẫn còn một họa sĩ già cặm cụi bám nghề bằng những nét vẽ thủ công tinh tế và tỉ mỉ. Nhìn họa sĩ Phan Há nâng niu, chăm chút từng nét vẽ tựa như người ta âu yếm đứa con nhỏ của mình. Ông luôn lấy niềm vui của khách hàng làm niềm vui của chính mình. Vậy nên, dù tuổi xế chiều và đã gắn bó với nghề 50 năm, họa sĩ Phan Há vẫn khẳng định: “Tôi không bao giờ buông cọ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.