Họa sĩ bức xúc vì Trạng Tí 'cầm đèn chạy trước ô tô'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
29/01/2021 06:19 GMT+7

Theo poster phim Trạng Tí thì thời gian công chiếu đã đến gần, trong khi đó những “tranh cãi” qua lại giữa đoàn làm phim và tác giả bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt vẫn chưa tới hồi kết mà ngược lại, có chiều hướng căng thẳng khi họa sĩ Lê Linh lên tiếng cho biết sẽ “cân nhắc” dựa trên tình hình thực tế sử dụng quyền tác giả của mình, nếu như nhận thấy quyền này bị xâm phạm.

Trước đây, họa sĩ Lê Linh từng bỏ thời gian và công sức hơn 12 năm trời đến khi… bạc tóc mới xong vụ kiện với Công ty Phan Thị. Cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng các nhân vật: Trạng Tí, Sửu ẹo, Dần béo, Cả Mẹo trong truyện tranh Thần đồng đất Việt. Mới đây, tại buổi họp báo tại TP.HCM, ê kíp làm phim Trạng Tí gồm nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và luật sư Nguyễn Đức Hoàng - đại diện pháp lý của Studio68 đã có những chia sẻ và trăn trở về việc phim Trạng Tí đang phải “chống đỡ” làn sóng tẩy chay của cộng đồng mạng, do liên quan đến bản quyền truyện tranh Thần đồng đất Việt mà không có sự đồng hành của chính tác giả.
Theo luật sư Đặng Quốc Anh (Công ty luật TNHH Đất Luật), họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, còn Công ty Phan Thị là chủ sở hữu quyền tác giả của bộ truyện tranh này. Với tư cách chủ sở hữu, theo quy định tại điều 39 Văn bản hợp nhất luật Sở hữu trí tuệ số 07/VBHN-VPQH ngày 25.6.2019, Công ty Phan Thị có quyền tài sản đối với tác phẩm, bao gồm quyền làm tác phẩm phái sinh (gồm dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn) cũng như được nhận nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác từ các cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng tác phẩm theo quy định tại khoản 3 điều 20 luật Sở hữu trí tuệ (trừ trường hợp giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị có thỏa thuận khác). Do đó, việc nhà sản xuất ký hợp đồng với chủ sở hữu tác phẩm Công ty Phan Thị là phù hợp quy định pháp luật. Tuy nhiên vẫn chưa đủ, vì với tư cách là tác giả, Lê Linh được quyền “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”, nên “nếu tác giả chứng minh được bộ phim được chuyển thể vi phạm quy định này thì có quyền yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ”, ông Quốc Anh nói.
Trả lời PV Thanh Niên, họa sĩ Lê Linh bức xúc: “Điều cơ bản để xảy ra vụ việc này chỉ là sự thiếu tôn trọng của đoàn làm phim đối với tôi. Đoàn làm phim thì nói họ làm đúng luật nhưng nội dung, hình ảnh các nhân vật trong bộ phim không biết có tôn trọng quyền nhân thân của tôi hay không vì tôi chưa được xem. Chỉ biết, khi mọi cái đã xong xuôi, họ lại liên hệ mời tôi làm cố vấn. Điều này đâu còn ý nghĩa gì nữa. Ngay cách họ nói là chuyện gặp gỡ tôi rất nhiều lần - làm như tôi cố tình gây khó khăn cho họ - nhưng thực sự đoàn làm phim đang gây khó khăn cho tôi thì có. Họ đề nghị đưa tiền trả chi phí tôi làm cố vấn mà tôi có làm cố vấn gì đâu mà nhận tiền. Giờ họ muốn chiếu hay làm gì thì kệ họ”.
Rõ ràng vấn đề của họa sĩ Lê Linh muốn nhấn mạnh ở đây không phải là tiền bạc hay gây khó dễ với đoàn phim mà là câu chuyện tôn trọng quyền tác giả. Không thể “cầm đèn chạy trước ô tô” mà chưa có sự đồng ý của tác giả, và đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các đơn vị trong việc sử dụng các tác phẩm nghệ thuật hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.