Hết thời tập tục lạc hậu

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/02/2018 08:15 GMT+7

Mùa lễ hội, với cơ quan quản lý và cả cộng đồng bỗng trở thành mùa lo. Lo vì có nhiều tập tục văn hóa xưa giờ đã bị biến tướng và cần phải xóa bỏ biến tướng đó.

Thay đổi những tập tục
Chị Nguyễn Thị Luyến (H.Sóc Sơn, Hà Nội) quá vui khi cầm trên tay cành lộc hoa tre. Năm nào, chị cũng cùng gia đình đến hội Gióng Sóc Sơn nhưng chỉ dám đứng nhìn từ xa mà không dám vào tranh cướp lộc. “Năm nay lần đầu tiên tôi chỉ cần xếp hàng là được cầm lộc về nhà”, chị chia sẻ. Đã có tới 1.500 cành lộc như vậy được chuẩn bị năm nay, trong khi giò hoa tre năm ngoái chỉ có 500 cành. Lộc cũng được phát, thay vì phải tranh giành như năm trước. Việc cướp lộc, xô xát nay đã không còn. Chị Luyến cùng hàng trăm người dân khác đã được phát lộc sau khi xếp hàng chờ ở hậu cung.
“Chúng tôi cũng phải họp đến 5 lần về việc này. Họp với các nhà khoa học, hội thảo, rồi họp 2 lần với người dân. Phương án sau cùng thống nhất là như vậy. Rất mừng là người dân cũng vui, lễ hội yên bình”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, nói. Cũng theo Sở VH-TT, những năm trước có lần xô xát xảy ra là do khi trai làng còn đang khiêng kiệu thì người ở nơi khác về dự hội đã xông vào cướp trước lộc hoa tre. Chưa kể, nếu chỉ là trong làng cướp lộc lấy may thì người dân luôn nương nhau, không xô đẩy mạnh. Trong khi đó, người ở vùng khác đến sẵn sàng xô xát va chạm mạnh.
Cướp lộc ở hội Gióng đền Sóc là một trong những tập tục đã có thay đổi để người tham dự được an toàn hơn mà vẫn vui, vẫn có lộc xuân mang về nhà. Trong khi đó, một tập tục khác là chém lợn ở làng Ném Thượng, Bắc Ninh cũng đã thu gọn vào trong một khu vực thiêng kín đáo. “Chém lợn hay đập đầu trâu đều là lễ hội có yếu tố hiến sinh. Nếu đứng từ phía nhà nghiên cứu văn hóa, nó là tập tục gắn lâu đời với người dân. Nó làm đồng bào cảm thấy yên tâm. Nhưng bây giờ nó không còn nằm trong một cộng đồng nhỏ mà được mở rộng hơn thì việc đó không còn phù hợp nữa, ẩn trong đó có gì đó bạo lực, có thể gây ảnh hưởng tâm lý. Chém lợn gần đây thì không mang ra giữa đường để ai cũng thấy nữa. Giờ chỉ người cao tuổi có chức vụ được vào. Như thế nó phù hợp hơn”, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), nói.
Đầu năm nay, một số đám cháy do đốt vàng mã đã xảy ra. Ốc bươu vàng và rùa tai đỏ cũng gây lo lắng khi được thả xuống hồ Gươm (Hà Nội). Cũng là phóng sinh, năm ngoái, cả một xe tải cá chim trắng đã được thả xuống sông Hồng để phóng sinh. GS Mai Đình Yêm, ĐH Quốc gia Hà Nội, khi đó cho rằng dù không phải loài nguy hiểm, nhưng cũng không khuyến khích thả những loài sinh vật ngoại lai ra môi trường mà nên chọn các loài cá bản địa. Tại nhiều hội chọi trâu, trâu chưa chọi ngoài chợ đã có người bán thịt trâu thắng cuộc lấy may. Điều này, theo Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL Phạm Xuân Phúc, chính là biểu hiện thương mại hóa lễ hội. Nhét tiền vào tay tượng, theo nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, GS Ngô Đức Thịnh, là một tập tục xấu. Nó thể hiện mong muốn mua bán mặc cả tận tay với thần linh.
Ngành văn hóa không thể lo một mình
Cũng theo ông Phúc, để các tục lệ được thực hành tốt, không thể để ngành văn hóa đơn thương độc mã. “Chúng tôi cần sự liên kết của các ngành khác, đơn vị khác”, ông Phúc nói. Trên thực tế, có những tập tục bị thương mại hóa, và chính quyền cũng muốn như vậy. “Chọi trâu ở Phù Ninh (Phú Thọ), mình yêu cầu không bán vé thì họ cũng làm đúng. Tôi vừa phỏng vấn người dân họ nói năm nào cũng đông, nhưng mà nếu không phải mua vé thì người ta phấn khởi hơn. Tuy nhiên, chính quyền thì không thích lắm”, bà Ninh Thị Thu Hương cho biết.


Chém lợn hay đập đầu trâu đều là lễ hội có yếu tố hiến sinh. Nếu đứng từ phía nhà nghiên cứu văn hóa, nó là tập tục gắn lâu đời với người dân. Nó làm đồng bào cảm thấy yên tâm. Nhưng bây giờ nó không còn nằm trong một cộng đồng nhỏ mà được mở rộng hơn thì việc đó không còn phù hợp nữa, ẩn trong đó có gì đó bạo lực, có thể gây ảnh hưởng tâm lý

Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL)


Trong khi đó, Giáo hội Phật giáo VN lại rất quyết liệt trong việc nói không với đốt vàng mã khi vừa có văn bản gửi Hội Phật giáo các tỉnh, thành phố về điều này. “Chúng tôi cũng thấy rất mừng khi bên giáo hội vào cuộc. Họ là những người có ảnh hưởng xã hội”, bà Hương nói.
“Tập tục không đứng yên, vì nếu đứng yên là nó chết. Vì thế vấn đề là thay đổi theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. Và nhà quản lý cần điều chỉnh để tập tục có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực”, GS Ngô Đức Thịnh nêu quan điểm.
Tại Hà Nội, Sở VH-TT hiện đang có kế hoạch đẩy mạnh áp dụng bộ quy tắc ứng xử văn minh để đẩy lùi các tập tục không còn phù hợp. Sở cũng đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa và tổ chức lễ hội năm 2018. Theo đó, sẽ vận động nhân dân, phật tử loại bỏ sử dụng vàng mã trong các tự viện là di tích lịch sử văn hóa. Văn bản cũng yêu cầu các quận huyện xây dựng và bổ sung Quy chế bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Trong đó có quy định rõ không gian và thời gian được thực hành hầu đồng, chỉ tổ chức hầu đồng tại các di tích thờ Mẫu và những nơi có điện thờ Mẫu.
Về lâu dài, theo bà Hương: “Chúng ta cũng không thể nào dùng mệnh lệnh hành chính để cấm đoán tập tục được. Nhưng mình có thể nhờ các nhà sư chẳng hạn, để họ cùng vận động. Cụ già có chức sắc trong làng xã vận động. Đầu tiên là vận động cho gia đình, sau đó đến cộng đồng. Mỗi năm, mỗi giai đoạn làm một ít, dần dần thay đổi, dần dần thiết lập một thói quen khác”.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy, tập tục có thể thay đổi và có thể vận động người dân thay đổi theo chiều hướng phù hợp với đời sống hiện tại hơn.
Người dân vui mừng vì có lộc hội Gióng đền Sóc mà không phải tranh cướp ẢNH: THÀNH PHẠM

Hiểm họa từ đốt vàng mã
Tháng 2.2018, người dân Hải Phòng sơ ý khi đốt vàng mã khiến lửa cháy lan, gây hỏa hoạn thiêu rụi 2,5 ha rừng tạp ngay trong đêm giao thừa. Chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm người dập lửa xuyên đêm. Ngày 20.2, lửa từ một cửa hàng vàng mã trong khuôn viên đền Mẫu Đồng Đăng (Lạng Sơn) thiêu rụi cả dãy ki ốt bán hàng.
Lúc 11 giờ 20 phút trưa 14.2.2018, một đám cháy bùng phát tại khu vực kho sơn của Công ty TNHH MTV Đức Ngọ (K847/2 Ngô Quyền, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng). Người dân phát hiện đã sử dụng nước sinh hoạt dập lửa nhưng bất thành. Nhận tin báo, Cảnh sát PCCC TP.Đà Nẵng huy động 2 xe chữa cháy đến hiện trường, triển khai nhiều đường đưa vòi phun bởi lối vào nhỏ hẹp. Sau 50 phút, đám cháy mới được khống chế. Nguyên do, chỉ một mẩu tàn thuốc do người đi chợ bất cẩn vứt trúng khu chứa vàng mã của tiểu thương Phạm Thị Bích đã nhanh chóng gây cháy lớn. Trước đó, một vụ cháy cơ sở làm vàng mã ở tổ 84, P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng cũng khiến chủ nhà, ông Trần Văn Ổi (75 tuổi) chết tại chỗ.
Tháng 1.2018, một xưởng làm vàng mã ở TP.Nha Trang, Khánh Hòa cháy khiến 1 người thiệt mạng. Tháng 12.2014, cháy kho vàng mã ở “vựa vàng mã” Bắc Ninh khiến 3 người thiệt mạng, 2 người bị thương nặng. Tháng 5.2014, người dân đốt vàng mã làm cháy lan 10 ha rừng tại Bình Định. Tháng 1.2014, người dân đốt vàng mã làm cháy rừng ở H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng.
Trinh Nguyễn - Văn Tiến
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.