Hè rộn rã trên sân khấu thiếu nhi

06/06/2012 09:25 GMT+7

Ngoại trừ vở Chúa tể muôn loài ra mắt khán giả nhí từ ngày 19-5, trong đợt cao điểm phục vụ khán giả thiếu nhi từ đầu tháng 6, sân khấu TP.HCM có liên tiếp ba vở diễn dành cho thiếu nhi đã ra mắt.

Đó là các vở Thạch Sanh chém chằn, Hầu nhi cứu chủ, Tiểu anh hùng Nam quốc.

Đang thu hút khán giả nhí là vở Chúa tể muôn loài (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn) của sân khấu Idecaf, diễn tại nhà hát Bến Thành từ ngày 19-5 đến hết 1-7. Mang màu sắc lễ hội rực rỡ với những vũ điệu nóng bỏng vùng châu Mỹ Latin, vở đưa khán giả nhí đến một khu rừng rậm mà ở đó loài vật nào sở hữu được quả trứng khủng long quý giá mới được tôn làm chúa tể muôn loài. Một cuộc chiến giành giật quả trứng đã diễn ra giữa hai thế lực của sư tử và chim công. Vở nêu bật được thông điệp điều thiện sẽ chiến thắng cái ác, tác hại của việc tàn phá môi trường... và khiến khán giả nhí thích thú với hình tượng vua sư tử tương lai Mambo (Đình Toàn) hết sức hiền lành, dễ thương, tốt bụng và ra dáng “vị lãnh tụ thiếu niên” khi luôn bảo vệ cho muôn loài...

Tiểu anh hùng và hầu nhi cứu chủ

Đoàn cải lương Ánh Dương - Bạch Long đã chào sân khán giả nhí tại Nhà Thiếu nhi Tân Bình với vở cải lương tuồng cổ Hầu nhi cứu chủ (tác giả và đạo diễn: Bạch Long) từ tối 1-6. Khán giả chiếm khoảng 2/3 rạp trong đêm đầu tiên khiến những ai yêu cải lương đều khấp khởi mừng.

 
Tiếp tục diễn vào cuối tuần

Các vở Tiểu anh hùng Nam quốc và Hầu nhi cứu chủ sẽ tiếp tục sắp lịch diễn vào các ngày cuối tuần tại Nhà Thiếu nhi Tân Bình. Đoàn cải lương Ánh Dương - Bạch Long cũng đang chuẩn bị ra mắt vở Hoa Mộc Lan, Na Tra đại náo thủy cung và lên kế hoạch diễn phục vụ miễn phí cho các trẻ em nghèo, cơ nhỡ ở các nhà mở, mái ấm từ thiện trong mùa hè này. Còn vở xiếc - rối Thạch Sanh chém chằn sẽ tiếp tục được sắp lịch diễn vào các ngày cuối tuần tại rạp xiếc TP.HCM và đi lưu diễn một số tỉnh như Đồng Nai, Vũng Tàu...

Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên ông bầu Nhật Quang (hợp tác cùng nghệ sĩ Bạch Long) đã thuê phải hệ thống âm thanh quá tệ. Có đến ba trong số tám micro bị hư, những micro còn lại lúc hú hét lúc tịt ngòi. Mặc dù các diễn viên trẻ đã biểu diễn rất nhiệt tình nhưng hệ thống âm thanh gần như phá hỏng công sức của cả một tập thể.

Các khán giả nhí vốn không kiên nhẫn lại không nghe, không hiểu được gì nên bắt đầu lơ là và mất tập trung. Đêm diễn kế tiếp của đoàn với vở Tiểu anh hùng Nam quốc (tác giả và đạo diễn: Bạch Long) đã diễn ra suôn sẻ với dàn âm thanh đúng chất lượng.

Hầu nhi cứu chủ là câu chuyện nhân văn về chú khỉ con ngộ nghĩnh, dễ thương, mang ơn cô bé Bạch Liên cứu sống mình nên đã vượt qua bao hiểm nguy, mong xin được hoa mẫu đơn về giúp Bạch Liên thoát khỏi dã tâm của bà mẹ kế. Còn Tiểu anh hùng Nam quốc nói về anh hùng nhỏ tuổi nước Nam Trần Quốc Toản, quyết không khuất phục giặc ngoại xâm.

Nếu so với những vở diễn dành cho thiếu nhi trong mùa hè này thì sân khấu Ánh Dương - Bạch Long thuộc dạng “con nhà nghèo”, trang phục vừa phải, cảnh trí khá đơn giản, không có những màn dựng hoành tráng làm “hoa mắt” khán giả, nhưng bù lại nghệ sĩ của vở vận dụng nhiều màn vũ đạo khá đẹp mắt, những bài bản cải lương sinh động.

Đáng cổ vũ là các nghệ sĩ trẻ không tên tuổi vừa phải diễn, vũ đạo rất mất sức nhưng vẫn hát sống hết mình từ đầu đến cuối vở như vai diễn Khỉ con của Lê Như, vai Trần Quốc Toản của Bạch Vân Khanh.

Thạch Sanh và Lý Thông

Vở xiếc - rối Thạch Sanh chém chằn (kịch bản: Bùi Minh Hương) cũng đã diễn suất đầu tiên vào sáng 2-6 tại rạp xiếc TP.HCM. Đây là vở diễn mà NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc dàn dựng cho Đoàn nghệ thuật Múa rối TP.HCM cách đây hai năm.

Tuy nhiên, thời điểm đó rạp Măng Non (điểm biểu diễn của đoàn tại đường Đồng Khởi) bị giải tỏa nên vở chưa có dịp ra mắt công chúng. Lần này, đoàn phối hợp với Xiếc TP.HCM để dàn dựng lại (chỉnh lý và dàn dựng: Thanh Phương - NSƯT Phi Vũ). NSƯT Nguyễn Đức Thế - trưởng đoàn - cho biết: “So với vở diễn cũ chúng tôi đã dàn dựng khác đi khoảng 80%. Vở được đầu tư kinh phí hơn 400 triệu đồng, toàn bộ cảnh trí, con rối và trang phục đều làm mới”.

Đạo diễn Thanh Phương cho biết bản dựng cũ sử dụng chủ yếu loại hình rối que nhưng vở này hoàn toàn là rối lùn (diễn viên mặc trang phục con rối để biểu diễn). NSƯT Phi Vũ đến từ đoàn Xiếc thành phố đã xây dựng và đưa vào vở diễn nhiều màn xiếc hấp dẫn, trong đó có những tiết mục khá mới như dây thép chùng, dây dọc, quay lụa... để tăng thêm tính bay bổng, kịch tính và hấp dẫn cho vở diễn như cảnh ngày hội dân làng, thủy cung, sự âm u ở miếu thần, đánh đại bàng trên không, cuộc chiến giữa bọn ngoại xâm và quân triều đình...

Các khán giả nhí rất thích thú nhân vật Thạch Sanh khi người anh hùng chân chất này liên tiếp có những hành động dũng cảm như chém chằn, bắn đại bàng cứu công chúa, đánh quân ngoại xâm...Và dĩ nhiên hình ảnh xấu xí của Lý Thông ngay lập tức bị các bé “bo bo xì”: “vua xử chém Lý Thông đi!”.

Trang phục đẹp, cảnh trí khá bắt mắt cùng với các màn diễn xiếc công phu đã đem đến cho vở nét hấp dẫn riêng, tuy nhiên những màn xiếc hơi nhiều và dài đôi lúc làm vở diễn bị loãng khiến các bé mất tập trung vào câu chuyện chính. Sau sáu suất diễn trong hai ngày 2 và 3-6, vở sẽ tiếp tục được sắp lịch diễn vào các ngày cuối tuần tại rạp xiếc TP.HCM và đi lưu diễn một số nơi như Đồng Nai, Vũng Tàu...

Theo Linh Đoan / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.