Hãy bắt đầu từ một tình yêu dành cho Đà Lạt!

21/08/2020 05:57 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên ngày 20.8 đăng bài phỏng vấn ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, về 3 phương án kiến trúc đồi Dinh tỉnh trưởng , đã có nhiều ý kiến mong muốn Đà Lạt phát triển trên nền tảng bản sắc riêng, được bắt đầu từ tình yêu dành cho Đà Lạt.

 
Hãy  bắt đầu  từ một tình yêu  dành cho Đà Lạt !

Phương án 2 kiến trúc dồi Dinh

Ảnh: Lâm Viên

Ông Nguyễn Vũ Hoàng, nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Lâm Đồng: “Phải bắt đầu từ tình yêu dành cho Đà Lạt”

Ảnh: NVCC

Là người có nhiều năm quản lý Dinh tỉnh trưởng và biến nơi đây thành “Dinh trưng bày kỷ vật văn hóa Đà Lạt”, ông Nguyễn Vũ Hoàng chia sẻ: “Khi trung tâm văn hóa được chuyển về Dinh tỉnh trưởng năm 2014, tôi đã cố gắng biến dinh thự hơn 100 năm tuổi này thành nơi trưng bày kỷ vật văn hóa, với hơn 1.000 kỷ vật gắn liền với đời sống, văn hóa, sinh hoạt thường nhật của người dân Đà Lạt để khơi gợi lại những ký ức, hoài niệm về Đà Lạt”. Theo ông Hoàng: “Trước khi xây dựng một phương án kiến trúc nào ở trung tâm Hòa Bình và Dinh tỉnh trưởng, phải bắt đầu từ tình yêu dành cho Đà Lạt”.
Ông Nguyễn Vũ Hoàng cho rằng Khu Hòa Bình, Dinh tỉnh trưởng dù chưa được cấp có thẩm quyền công nhận là di sản nhưng với người Đà Lạt và những người yêu Đà Lạt, nó là di sản. Khu Hòa Bình gắn với chợ Đà Lạt là “điểm hẹn” của người dân và du khách thập phương khi đến Đà Lạt.
Theo ông Hoàng, cần có một phương án kiến trúc mà nguyên tắc chủ đạo là giữ lại, tu bổ, nâng cấp Khu Hòa Bình, Dinh tỉnh trưởng và chợ Đà Lạt với tư cách là Di sản văn hóa của Đà Lạt, kết hợp cả di sản khu rừng trên Dinh tỉnh trưởng. Song song đó, chỉnh trang xây dựng mới các công trình phụ có tính hiện đại không “lấn át” các di sản kiến trúc hiện có, tạo nét riêng cho trung tâm Đà Lạt. “Tôi lo sợ Đà Lạt tiếp tục mọc lên những khối nhà cao tầng san sát nhau, nếu chính quyền không kiểm soát được việc xây dựng thì Đà Lạt cũng như những thành phố khác, không còn bản sắc riêng”.

TS Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN: “Tại sao cứ đòi phá trung tâm đi để mà hiện đại ?”

Hãy bắt đầu từ một tình yêu  dành cho Đà Lạt !

Ảnh: NVCC

TS Nguyễn Thị Hậu bày tỏ ý kiến: “Theo tôi, tư duy quản lý đô thị Đà Lạt bây giờ là cách quản lý cơi nới. Bắt đầu từ khu trung tâm Hòa Bình, bảo nó nhếch nhác rồi đòi phá đi. Nhếch nhác là do ai? Nếu thực tâm coi nó là lõi của đô thị, đặc biệt là nó đã thành di sản ký ức của thị dân, thì anh phải ứng xử với nó khác. Làm thế nào để nó lại như xưa, đẹp hơn xưa chứ không phải phá đi thay cái khác.
Thứ hai, nó cũng thể hiện tư duy không coi trọng thị dân - những người sống ở đó lâu năm. Tại sao không quan tâm đến chiều sâu tinh thần của người ta. Vài người nói là cần hiện đại. Hiện đại ai cũng muốn nhưng hiện đại như thế nào, ở chỗ nào hay chỉ là ý chí của chính quyền. Thậm chí chính quyền còn phải định hướng để giữ lại những không gian di sản như thế để nuôi dưỡng tâm thức, niềm tự hào của cộng đồng với một vùng đất. Chứ không phải người ta có mà chính quyền không quan tâm, chính quyền lại muốn phá đi. Không phải phá đi xây lại mới là hiện đại. Tư duy càng hiện đại càng phải biết giữ gìn di sản, đó là nguyên lý của thời đại”.
Theo TS Nguyễn Thị Hậu: “Người ta chỉ nhìn thấy giá trị đất vàng thôi, tức là giá trị kinh tế thôi. Nhưng nó vàng vì nó tích lũy ở đấy giá trị văn hóa bao nhiêu năm. Nó là hiện tại, là ký ức. Văn hóa là của cộng đồng”.
Ngoài ra, “Khi xây dựng một đô thị, dù trung cổ hay cận đại, hiện đại cũng đều phải có quy hoạch trong khoảng không gian nhất định. Giá trị đầu tiên của đô thị là vậy, cái gì ở đâu là có lý do của nó. Nó có sự hợp lý của các công trình đô thị. Sự hợp lý đó đã là di sản của một thời rồi. Anh là người đến sau, phải tôn trọng người đi trước”, TS Nguyễn Thị Hậu phân tích và nói thêm: “Theo tôi, ngay cả việc một công trình như vậy mà không được kiểm kê thì đó cũng là lỗi của chính quyền. Di sản được xếp hạng hay không không quan trọng, vấn đề là giá trị tự thân của di sản và con người có ý thức được giá trị đó hay không. Tấm bằng để ứng xử với nó dễ hơn về mặt luật lệ, chứ không phải nó có giá trị hơn những thứ chưa được thừa nhận bằng tờ giấy”.

Ông Trương Ngọc Thụy (48 tuổi, nhiếp ảnh gia): “Phát triển Đà Lạt phải song hành với bảo tồn những gì đang có”

Hãy bắt đầu từ một tình yêu  dành cho Đà Lạt !

Ảnh: NVCC

“Từ thời còn học tiểu học cho đến hôm nay chở con đi học, ngày nào tôi cũng đi qua Dinh tỉnh trưởng. Ký ức tuổi thơ của tôi và nhiều bạn bè đồng trang lứa gắn liền với Dinh tỉnh trưởng và Khu Hòa Bình không thể phai nhòa”, ông Trương Ngọc Thụy cho biết. Theo ông, Dinh tỉnh trưởng chưa được xem là di sản kiến trúc nhưng khi nói đến lịch sử 127 năm Đà Lạt là phải nhắc đến Dinh tỉnh trưởng xây dựng cách đây 110 năm. Dinh này được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau trước khi làm cung thiếu nhi, trung tâm văn hóa... nhưng người Đà Lạt vẫn quen gọi cách thân thương “Dinh tỉnh trưởng”. Không phải ngẫu nhiên mà Dinh được xây ở một vị trí cao nhất, đẹp nhất và khi đứng ở bất kỳ nơi đâu trong thành phố đều có thể nhìn thấy. Ông Thụy cho biết: “Tôi đã xem 3 phương án kiến trúc đồi Dinh tỉnh trưởng và đã góp ý cả 3 đều không phù hợp, bởi lẽ Đà Lạt được mệnh danh là phố trong rừng - rừng trong phố, khu Dinh này chỉ còn lại mảng xanh nhỏ, sao lại triệt hạ gần hết để xây nhà cao tầng! Cả 3 phương án đều giữ lại Dinh tỉnh trưởng nhưng nhìn rất khiên cưỡng, vô hồn”. Cũng theo ông Thụy, phát triển Đà Lạt phải song hành với bảo tồn những gì đang có, không thể phá bỏ hết cái cũ để xây dựng những khối kiến trúc đồ sộ.

PGS-TS Khuất Tân Hưng: “Nếu bảo tồn đúng cách, thậm chí còn là động lực cho phát triển”

Theo PGS-TS Khuất Tân Hưng, ĐH Kiến trúc Hà Nội, các phương án đang lấy ý kiến đều ẩn chứa nguy cơ đô thị hóa nốt đồi Dinh tỉnh trưởng, đánh mất hoàn toàn di sản đô thị này.
Hãy bắt đầu từ một tình yêu  dành cho Đà Lạt !

Ảnh: NVCC

PGS-TS Khuất Tân Hưng bày tỏ: “Tôi không rõ lắm về việc tại sao Dinh tỉnh trưởng không được đưa vào quy hoạch bảo tồn. Tuy nhiên, xét về các tiêu chí của di sản đô thị cũng như giá trị kiến trúc thì nó hoàn toàn xứng đáng. Có thể nó chưa được công nhận là di tích nhưng nó hoàn toàn có chỗ đứng là một điểm khởi đầu cho sự hình thành của khu vực trung tâm Đà Lạt. Theo những ảnh cũ thì nó là một trong những công trình đầu tiên”.
Ông Hưng đánh giá đồi Dinh là một trong những điểm cảnh quan hiếm hoi còn sót lại ở khu vực này. “Thử đặt câu hỏi có ai lên Đà Lạt để vào một trung tâm mua sắm không, mà người ta tận hưởng trải nghiệm cái khác”, ông Hưng nói và khẳng định: “Nếu nhìn từ góc độ phát triển thì công việc bảo tồn không đồng nghĩa với việc cản trở phát triển. Nếu bảo tồn đúng cách, thậm chí còn là động lực cho phát triển và cần xử lý hòa hợp hai việc này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.