Hành trình nhọc nhằn của nhà làm phim độc lập

Ngọc An
Ngọc An
14/08/2021 06:06 GMT+7

Thời gian qua, một số bộ phim tài liệu của Việt Nam đoạt giải quốc tế hay được phát hành thương mại, tạo thành hiện tượng, hầu hết đều đến từ các nhà làm phim độc lập.

Thực tế, nhiều nhà làm phim tài liệu độc lập trong nước đã phải trải qua những hành trình nhọc nhằn để có thể hoàn thành tác phẩm, cũng như đưa đứa con tinh thần của mình đến với công chúng.

Đeo đuổi nhiều năm, vất vả tìm kinh phí

Cuối năm ngoái, bộ phim tài liệu Màu cỏ úa về nhạc sĩ Trần Tiến của đạo diễn trẻ Lan Nguyên được phát hành thương mại ngoài rạp chiếu. Để có được bộ phim dài 80 phút, Lan Nguyên đã trải qua hành trình 5 năm rong ruổi cùng nhân vật tới nhiều nơi. Bắt đầu bộ phim khi mới 25 tuổi và hoàn thành khi đã 30 tuổi, Lan Nguyên cho thấy tình yêu lớn của cô dành cho người nhạc sĩ và âm nhạc của ông. “5 năm với nhiều khó khăn, vô số lần tôi nghĩ đến chuyện: Thôi bỏ đi! Nhưng tôi có 2 chữ “niềm tin” để níu lại. Tôi tin một nhân vật như vậy hoàn toàn xứng đáng để mình hoàn thành bộ phim. Niềm tin của tôi bắt buộc tôi phải hoàn thành. Tôi không thể phản bội niềm tin của mình”, nữ đạo diễn nói và cho biết bộ phim không có nguồn tài trợ kinh phí nào, mà chỉ xin được những hỗ trợ nhỏ theo từng giai đoạn. Đạo diễn Lan Nguyên cùng những người làm việc với cô đều vui vẻ làm phim... miễn phí.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang cho hay anh khó tính được cụ thể kinh phí sản xuất bộ phim tài liệu Lửa Thiện Nhân trong suốt 3 năm. Chỉ biết có lúc anh gặp khó khăn đến mức phải “cắm” sổ đỏ ngôi nhà mình để có tiền. Lửa Thiện Nhân - bộ phim về hành trình cuộc sống kỳ diệu của “chú lính chì” Thiện Nhân, đã được trình chiếu tại lễ khai mạc Liên hoan phim độc lập New York (Mỹ) năm 2014. 1 năm sau đó, phim bất ngờ tạo cơn sốt ở phòng vé trong nước. Một bộ phim tài liệu khác cũng từng trở thành hiện tượng với lượng khán giả đông đảo bỏ tiền mua vé xem là Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng do Nguyễn Thị Thắm đạo diễn. Cô đã mất tới 5 năm để thực hiện bộ phim với bao chuyến rong ruổi cùng gánh hát lô tô đi khắp nhiều tỉnh, thành Việt Nam. Trong suốt khoảng thời gian đó, nữ đạo diễn tự bỏ tiền túi và may mắn nhận được nguồn tài trợ của kênh truyền hình Đức, Pháp cũng như sự hỗ trợ máy móc, thiết bị của tổ chức Varant.
Hành trình nhọc nhằn của nhà làm phim độc lập1

Phim tài liệu Đi tìm Phong đã được công chiếu thương mại

ẢNH: T.L

Bộ phim Đi tìm Phong (tựa Anh: Finding Phong) xoay quanh hành trình chuyển giới của Ánh Phong - một nghệ sĩ thiết kế làm việc tại nhà hát múa rối, được vợ chồng đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus thực hiện trong suốt 5 năm. Họ khó có thể làm bộ phim này nếu không có sự hỗ trợ từ những quỹ, tổ chức của Hàn Quốc, Canada... Không có quỹ hỗ trợ cho phim tài liệu độc lập của nhà nước, những nhà làm phim độc lập luôn phải nhờ tới sự hỗ trợ của các cá nhân trong nước hay quỹ, tổ chức của nước ngoài.

Cần được hỗ trợ nhiều mặt

Trên thực tế, những nhà làm phim tài liệu độc lập trong nước đã phải vật lộn, xoay xở để theo đuổi đam mê của mình khi chưa có quỹ tài trợ kinh phí nào cho phim độc lập (trong đó có phim tài liệu độc lập) ở trong nước. Tuy nhiên, để dòng phim này phát triển, rõ ràng các nhà làm phim cần được hỗ trợ ở nhiều mặt, trong đó gồm tiền làm phim. Nghệ sĩ Nhân dân - đạo diễn Nguyễn Thước nói từ lâu ông đã mong mỏi và thấy rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước cho những nhà làm phim độc lập, bởi “thời gian qua, những bộ phim tài liệu được chiếu ở ngoài cho công chúng thu được tiền hầu hết của nhà làm phim độc lập”, ông nhìn nhận.
Hiện tại, kinh phí nhà nước đặt hàng làm phim tài liệu hầu hết được cấp cho hãng phim nhà nước, mà chủ yếu là Hãng phim tài liệu & khoa học T.Ư (trung bình mỗi năm, hãng phim này được nhà nước đặt hàng làm khoảng hơn 20 đầu phim với kinh phí khoảng 700 - 800 triệu đồng/phim). Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), cho hay: “Nhà nước sẵn sàng đặt hàng nhà làm phim độc lập, những nhà sản xuất tư nhân làm phim tài liệu, nhưng họ cần phải có những kịch bản phù hợp với nội dung nhà nước cần, tức là phải đúng theo tiêu chí đặt hàng như đề tài về lịch sử, chiến tranh cách mạng, miền núi, thiếu nhi, vấn đề nóng của cuộc sống đương đại”. Theo ông Thành, những nhà làm phim độc lập hay nhà sản xuất tư nhân có thể mang đến cách làm phim mới mẻ, hiện đại, nhưng để hai bên gặp được nhau, cần phải có những điểm chung.
Trong khi đó, ở góc độ một nhà làm phim, tại cuộc tọa đàm Những cơ hội và thách thức của nhà làm phim Việt Nam do Văn phòng UNESCO Hà Nội phối hợp với Bộ VH-TT-DL tổ chức năm ngoái, đạo diễn Trần Phương Thảo chia sẻ câu chuyện: chị từng nộp dự án phim của những đạo diễn trẻ về đề tài phụ nữ dân tộc miền núi tới Cục Điện ảnh. Tuy nhiên, điều chị thấy băn khoăn chính là việc nhà làm phim “bị áp đặt” nếu được hỗ trợ. “Như ở Pháp, có quỹ của nhà nước dành cho phim đầu tay của đạo diễn. Họ tài trợ mà không có sự áp đặt nào. Cũng như nhiều quỹ điện ảnh ở nhiều quốc gia khác, họ tài trợ và không tác động đến tác phẩm của nhà làm phim. Bởi với họ, làm phim cũng là góp phần vào sự đa dạng của thế giới”, đạo diễn Trần Phương Thảo bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.