'Hành trình Đông A': Du hành lịch sử theo hình thức “độc lạ”

23/05/2021 09:00 GMT+7

Tiếp cận lịch sử có rất nhiều cách, bằng việc đọc sử liệu, tham quan di tích lịch sử, xem phim tài liệu… Với artbook Hành trình Đông A , tác giả 9X - Trần Tuyết Hàn đã đưa độc giả du hành lịch sử “dân ta phải biết sử ta” theo hình thức “độc lạ”.

Hành trình Đông A là tác phẩm sách artbook (Sách nghệ thuật) do tác giả 9X Trần Tuyết Hàn biên soạn và minh họa. Khúc chiết về lời dẫn, tỉ mỉ và hấp dẫn trong hội họa, cuốn sách đã khái quát lịch sử triều đại nhà Trần đồng thời khơi dậy niềm đam mê tìm hiểu sử Việt của độc giả.
 Trong chiều dài lịch sử dân tộc, Hành trình Đông A như một chương đoạn tái hiện khoảng thời gian 175 năm, qua 13 đời Hoàng đế trị vì thời Trần - Đại Việt với những sự kiện lịch sử quan trọng, các nhân vật nổi tiếng, kể cả không gian sinh hoạt của ông cha ta thời đó.
Ngược về quá khứ cách đây 800 năm, quyển sách được trình bày men theo hành trình của nhân vật Đông A - một trong những con cháu của Trần tộc. Nắm giữ món bảo vật trong tay, Đông A đã mở ra cánh cửa bí mật, từ đây, cô bắt đầu đi đến vùng đất huyền thoại được các tiền nhân tạo dựng nên.
Giải thích tên gọi Đông A, tác giả ghi rằng: “Theo lối chiết tự, chữ Trần được ghép từ hai thành phần chữ Đông và chữ A. Do đó, Trần còn được gọi ẩn dụ là Đông A. Khi nhà Trần giành chiến thắng trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, khí thế chiến đấu của quân dân nhà Trần được gọi là “Hào khí Đông A”.
Giữa làn sóng nhấp nhô vây quanh, dẫn đường cho chuyến đi dài kỳ lạ của Đông A là loài cá. Chi tiết này không bắt nguồn từ yếu tố ngẫu nhiên. Hàm nghĩa của nó là từ thông tin tìm hiểu nguồn gốc xuất thân chài lưới của các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ đầu của nhà Trần, tác giả đã khéo léo cài vào cuốn sách khiến cho hành trình của cô bé Đông A thêm ý nghĩa.
Sự kiện đầu tiên mà Đông A bắt gặp là hình ảnh Lý Chiêu Hoàng tháo mũ bình thiên nhường cho chồng - Trần Thái Tông. Tiếp đó là khung cảnh và giọng nói từ xa vẳng lại: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác!”. Đây là tiếng nói của Thái sư Trần Thủ Độ, người giúp phần quan trọng trong việc lập nên nhà Trần. Tuần tự, tiếng vó ngựa dồn dập, tiếng hò la vang dội mở ra các sự kiện như cuộc đấu tranh chống lại Đế quốc Nguyên Mông, Hội nghị Diên Hồng năm 1284,…
Các bài văn như Hịch Tướng sĩ, Tụng giá hoàn kinh sư, Phú sông Bạch Đằng mà ai cũng từng được học ít nhất một lần trong đời học sinh, gặp lại trong sách Hành trình Đông A dường như trở nên đanh thép và kiêu hãnh, hùng hồn hơn. Bởi nó được đặt trong bối cảnh một "bộ phim" lịch sử xuyên suốt nhà Trần với sự bổ túc của hình ảnh minh họa sống động.

Một trang ruột trong artbook Hành trình Đông A của tác giả Trần Tuyết Hàn

Ảnh: A.N

Phía sau các chiến công hiển hách, vang dội cùng các vị danh tướng và danh hiền, khoảng 1/3 dung lượng cuốn sách khái quát khung cảnh tình hình đất nước, con người Đại Việt. Với Hành trình Đông A, tác giả còn cung cấp cho người đọc những kiến thức và hình dung về sản vật được làm ra từ những đôi tay của nghệ nhân tài hoa như gốm, vải, giấy,… kể cả lối kiến trúc, điêu khắc mà thế hệ hậu bối ngày nay vẫn còn sử dụng đến. Cuộc sống bình yên hòa trong những hương sắc thiên nhiên, những ngôi làng trù phú, những cánh đồng lúa chín, con đường làng hiện ra qua nét vẽ của Trần Tuyết Hàn.
Xuất phát từ Đồ án Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM, cũng là đáp ứng đòi hỏi cao của một cuốn artbook nên phần đồ họa của Hành trình Đông A được đầu tư bài bản và công phu khiến người xem mãn nhãn. Lời dẫn đóng vai trò kể chuyện, nhưng phần hình ảnh cũng góp phần không nhỏ trong việc chuyên chở nội dung cuốn sách. Qua minh họa mang tính biểu cảm và gợi chiều sâu suy nghĩ, người đọc được thỏa sức liên tưởng về những năm tháng vàng son xưa cũ của đất nước Đại Việt.
Mình chọn kỹ thuật khắc gỗ vì đây là kỹ thuật lâu đời của Việt Nam, mang được phong cách hình ảnh mộc mạc, giản dị. Tuy nhiên với Hành trình Đông A, kỹ thuật này đã được mình “biến tấu” thêm khi chuyển về dưới dạng digital được vẽ bằng Wacom trên máy tính. Theo mình, với cách “biến tấu” này sẽ giúp mình tiết kiệm được thời gian “khắc gỗ” trong quá trình vẽ tranh, dễ dàng chỉnh sửa đường nét và thêm bớt màu sắc khi cần” - tác giả chia sẻ.
Hoàn thiện tác phẩm ở tuổi 24, Tuyết Hàn cho biết chị gặp không ít thử thách ở kỹ năng viết, tạo dựng hình ảnh và tổng hợp kiến thức lịch sử. Chị có quá trình ấp ủ và thai nghén đứa con tinh thần của mình trong hơn 3 năm cho từng chi tiết nội dung và hình ảnh. Bên cạnh việc dành nhiều thời gian đến thư viện đọc sách, nghiên cứu sử liệu, Tuyết Hàn cũng băn khoăn khi phải làm sao phản ánh đúng tinh thần của người Việt xưa qua dáng người, trang phục để độc giả đón nhận nhiệt tình.
Phát triển từ đồ án Tốt nghiệp của tôi, quyển sách này là tâm huyết, là ước mơ chia sẻ tình yêu và niềm tự hào về văn hóa, con người Việt Nam đến các bạn cùng thế hệ và tất cả những ai yêu mến lịch sử dân tộc” - Trần Tuyết Hàn nói.
Hành trình Đông A gom góp tất thảy những khao khát và thôi thúc tìm hiểu về lịch sử, của lòng biết ơn thế hệ cha ông và tự hào cùng lịch sử dân tộc xuất phát từ một người trẻ 9X. Quyển sách không chỉ tái hiện một thời lịch sử hào hùng mà còn minh chứng rằng thể hệ trẻ Việt Nam cũng có niềm đam mê, khao khát góp sức giữ “tường gốc tích nước nhà Việt Nam” bằng nhiều hình thức khác nhau.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.