Hai phù điêu bảo vật bị 'nhốt' sau tường

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
05/06/2019 10:04 GMT+7

Hai bức phù điêu của các họa sĩ thời kỳ đầu Mỹ thuật Đông Dương đang bị 'nhốt' sau bức tường, đối mặt với sự xuống cấp từng ngày.

Gạch nối hiếm hoi giữa điêu khắc truyền thống và phương Tây

Di sản trong di sản

Ông Trần Khánh Chương nhấn mạnh bản thân tòa nhà nơi có phù điêu cũng là một di sản kiến trúc. Đó là tòa nhà xây từ năm 1930 với tiêu chuẩn lớp học châu Âu, ánh sáng lấy thẳng từ ngoài vào. Chính vì thế, ông Chương cho rằng không nên di chuyển phù điêu vì nó là di sản gắn với một di sản khác. “Hồi đó (Quốc hội khóa 11), tôi cũng đề nghị Bộ Công an có thể mở con đường đó trở lại không. Nếu mở con đường đó trở lại thì người dân đi qua chiêm ngưỡng được phần sau của Trường Mỹ thuật và phù điêu sẽ tốt hơn”, ông Chương nói.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật - TS Phạm Long đã vô cùng xúc động khi tìm được cả tư liệu xưa lẫn hình ảnh nay của hai bức phù điêu tại Trường ĐH Mỹ thuật VN.
“Giới mỹ thuật và người dân thủ đô vẫn kể cho nhau về hai bức phù điêu khổng lồ nằm trên bức tường phía sau nhà dạy hình họa của ĐH Mỹ thuật. Đây cũng là ngôi nhà sót lại của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Chỉ có điều, đoạn phố dọc theo hông trường này từ lâu đã bị rào chắn lại. Chỉ những ai đi qua đoạn đường này trước những năm 1960 khi “phố chưa cấm” thì mới có cơ hội trông thấy rõ hai bức phù điêu. Nhờ những người bạn của di sản, chúng tôi có trong tay hình ảnh về hiện trạng hai phù điêu này”, ông Phạm Long chia sẻ trên Facebook cá nhân.
Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, cho biết việc phù điêu bị “chắn” này là do Bộ Công an xây làm nhà “áp vào phù điêu”. Bộ cũng khoanh vùng “cấm” đoạn phố Trần Quốc Toản nối ra đường Nam Bộ. Vì thế việc tiếp cận, ngắm nhìn hai bức phù điêu gần như không thể. Ông cũng cho biết, khi còn là đại biểu Quốc hội khóa 11, ông từng lên tiếng về việc này.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim-Khôi hiện sống tại Pháp chia sẻ tư liệu về hai bức phù điêu này. Chúng được ghi chép trong cuốn sách Ba trường Mỹ thuật Đông Dương, cũng như trong báo cáo của vị hiệu trưởng đầu tiên. Theo đó, ông Khôi cho biết: “Chúng được dùng để trang trí hai bức tường của Palais de l’Indochine tại triển lãm Thuộc địa Paris 1931. Tác phẩm do Georges Khánh, Vũ Cao Đàm và Lê Tiến Phúc thực hiện dưới sự hướng dẫn của Giáo sư C.J. Christian”.
Ông Trần Khánh Chương cũng nêu ý kiến nhận xét về độ hiếm quý của tác phẩm. “Thời kỳ đó, người Pháp có vẽ và cho vẽ tranh tường ở Trường Y Dược (nay là ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Dược Hà Nội - PV) để trang trí nội thất. Tuy nhiên, họ để lại cực kỳ ít phù điêu. Thời kỳ đó, không có người học phù điêu. Bây giờ chúng ta có những tác phẩm sơn mài, sơn dầu của các cụ Đông Dương xưa như cụ Cẩn, cụ Trí, cụ Sáng. Nhưng phù điêu thì không có mấy”, ông nói.
Bên cạnh đó, theo ông Chương, bức phù điêu này còn là của thế hệ đầu Trường Mỹ thuật Đông Dương. “Ông Vũ Cao Đàm là một trong những học sinh điêu khắc đầu tiên, sau này ông đi Pháp. Ông có công trong việc giúp cách mạng VN. Sau này mới là thế hệ của ông Diệp Minh Châu, bà Nguyễn Thị Kim... Ông cũng là người đã nặn chân dung Bác Hồ rất đẹp và tặng cho Bảo tàng Cách mạng VN”, ông Chương nói.
 Hai phù điêu bảo vật bị “nhốt” sau tường
Rất khó khăn mới có thể chụp được bức phù điêu quý Ảnh: Hà Nguyễn
Ông Chương cũng nhấn mạnh, vì là thế hệ đầu tiên nên tác phẩm chính là “sự giao lưu giữa điêu khắc truyền thống của mình và điêu khắc nghệ thuật phương Tây. Cho nên nó như bước chuyển từ phù điêu dân gian sang phù điêu có tác giả”.

Giải cứu di sản

Nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu đã cùng nhau đưa ra ý kiến về hai bức phù điêu này. Họ cũng đang tính đến một lá đơn gửi cơ quan chức năng để đề nghị bảo tồn bền vững cho tác phẩm. Nhiều phương án cũng được bàn thảo. “Có thể tạm khoanh đoạn phố do chiến tranh, do nhu cầu an ninh quốc phòng nhưng giờ hòa bình lâu rồi, không thể cứ sử dụng mãi. Bây giờ cũng đã có luật Di sản văn hóa, chúng ta có cơ sở pháp lý để đề nghị các cơ quan tìm ra biện pháp thích hợp để bảo tồn di sản chứ”, TS Phạm Long nói.
Họa sĩ - TS Nguyễn Đình Đăng cho rằng cách tốt nhất để bảo quản những bức phù điêu này là đưa chúng vào bảo tàng. Hiện tại, không ai dám chắc về độ bền của các công trình ngoài trời trong điều kiện khí hậu VN. “Việc tháo gỡ phù điêu để đưa vào bảo tàng để bảo quản là việc các nhà phục chế thường làm, kể cả ở những nước chậm phát triển. Dĩ nhiên cần sự trợ giúp của những chuyên gia phục chế lành nghề. Ví dụ năm 1988 - 1997, với sự trợ giúp của UNESCO, người ta đã tháo gỡ 21 bức phù điêu bằng đất từ cung điện Hoàng gia của các vua Dahomey ở Benin (châu Phi) để phục chế rồi đưa vào bảo tàng bảo quản”, ông Đăng nêu ý kiến.
Cũng theo ông Đăng, trước hết phải kiểm tra hiện trạng của các bức phù điêu này xem chúng còn nguyên vẹn hay hư hỏng đến đâu sau 88 năm. “Nếu chúng đã bị hư hỏng ít thì cần tiến hành phục chế, và đưa vào bảo tàng để bảo quản”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.