Hài nhảm và nhạt tái diễn

26/05/2019 06:17 GMT+7

Sau thời gian 'siết' được hài dung tục trên truyền hình, gần đây hài nhảm, nhạt nhẽo và lố tái diễn trong các game show, chương trình truyền hình, trên fanpage, kênh YouTube của các nghệ sĩ hài nổi tiếng.

Nhảm và phô

Theo tôi hãy cứ đánh mạnh vào ý thức, trách nhiệm của người viết kịch bản, người diễn hài, nhà sản xuất. Họ nên hiểu những thông điệp, nội dung tiểu phẩm mà mình gửi đến còn liên quan vấn đề giáo dục, văn hóa nền của người trẻ và chính bản thân họ
Nhạc sĩ Lê Quang
Game show Ô hay gì thế này (phát trên kênh VTV3) quy tụ đông đảo nghệ sĩ được yêu mến: Lê Giang, Trường Giang, Đại Nghĩa, Chi Pu, Hari Won, Lê Lộc, Huỳnh Lập, Gil Lê, Quốc Thiên, Thanh Duy, Will, S.T, Nam Thư, Ái Phương, Hồ Quang Hiếu, Elly Trần, Puka... Khán giả tỏ ra thích thú những trò chơi trong game show này nhưng lại khó chịu với một vài tiểu phẩm hài có nội dung nhạt và lố. Tiểu phẩm do Mạc Văn Khoa và Lâm Vỹ Dạ vào vai ông tơ, bà nguyệt được Trương Thế Vinh (vai chồng) cùng Miko Lan Trinh (vai vợ) tình cờ ghé ngang miếu. Người ta không thấy thông điệp gì ngoài nhân vật chồng cứ liên tục tát vợ mình sau khi đi nhậu về và chê ông tơ, bà nguyệt... mập, đen. Chính “ông tơ, bà nguyệt” (sau khi nghe cô vợ than khóc: “Tôi ra đây tôi cầu, tôi cúng cho bà ăn mập thây, bà bị ngải heo hay gì...”..., rồi quay sang chê ông tơ ngồi trong miếu mà... đen thui) đã xúi người chồng tát thêm vợ mình. Trang cá nhân Thanh Le cho rằng: “Xem mấy cái này thiệt xàm xí”.
Với Lâm Vỹ Dạ, khán giả nhận xét cô là diễn viên có tài, diễn hài duyên dáng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao cô liên tục vào các vai diễn mà kịch bản có phần lố. Ví như tiểu phẩm Trường Giang chở Lâm Vỹ Dạ đi sinh có nhiều nội dung quá phô (được đăng tải trên trang fanpage của cô với gần 14.000 lượt tương tác). Khi Lâm Vỹ Dạ hỏi Trường Giang: “Anh ơi, anh thảy cái gì vô mặt em vậy anh” (trước hành động Trường Giang hất người về phía cô). Trường Giang cười bảo: “Cái làm chị... có bầu”. Phần diễn xuất của Dạ còn làm người xem sợ hãi bởi tiếng rên la. Nhiều người bình luận ngay trên trang cá nhân của cô rằng như đang nghe âm thanh trong phim 18+ chứ không phải đau đẻ. Trang Facebook Luu Thuy viết khá nặng: “Đang diễn phim... sex chứ diễn hài gì”; Facebook Hồ Sỹ Khải bình luận: “Xem hài mà phải mở nhỏ loa không người ta lại hiểu nhầm mình xem cái khác”…
Nghệ sĩ nổi tiếng như Trấn Thành thời gian qua cũng đưa lên fanpage các tiểu phẩm mà người xem khó có thể cười. Như các tiểu phẩm liên quan đến Trấn Thành: Làng mặt sách, Lọ Lem trở lại, hay Trấn Thành - Anh Đức: Nỗi oan thị Cám, Alagim và thần ve chai...

Mạnh dạn tẩy chay và giảm mời tham gia show

Khán giả Nguyễn Nhu (sống tại TP.HCM) bày tỏ: “Do nghệ sĩ hài ăn khách giờ xoay đi xoay lại chỉ vài người nên việc chạy show quá nhiều dẫn đến chưa kịp sáng tạo thêm cái hay, lạ nên có khi diễn bừa, thiếu kiểm soát. Việc tồn tại trong lòng khán giả lâu hay không đang tùy vào tiếng cười và diễn xuất mà các bạn mang lại. Nếu muốn tồn tại được lâu với nghề thì nghệ sĩ hài trẻ nên chịu khó nghiên cứu thêm kịch bản, bớt nhảm và bớt phô”.
Trước tình trạng hài nhạt và lố, đạo diễn N.N.H phân tích: “Việc câu view bất chấp vẫn tồn tại mạnh hiện nay. Các nghệ sĩ hài đều có fanpage và kênh YouTube mang chính tên của họ. Nếu đạt số lượng view tốt sẽ đem về thu nhập khá. Với nghệ sĩ chân chính, họ sẽ có trách nhiệm lớn với những gì họ làm và luôn cẩn trọng về những gì họ diễn. Dù là thời đại số nhưng nghệ sĩ hài chân chính luôn nhận thức được những gì họ diễn qua các tiểu phẩm hay, ý nghĩa. Vì có như thế họ sẽ tồn tại lâu dài cùng tên tuổi. Không nhất thiết phải có cơ quan chức năng can thiệp thì mới làm sạch, làm tốt hài. Còn những gì đang diễn ra, chính các nghệ sĩ trẻ ấy đã tự hại mình và sẽ khó tồn tại lâu trong làng”.
Là một người thường xuyên xem hài, nhạc sĩ Lê Quang nhấn mạnh: “Vấn đề hài nhảm nhí, lố lăng giờ kêu gọi sự quản lý nội dung từ các cơ quan chức năng trên Facebook và YouTube là rất khó. Theo tôi hãy cứ đánh mạnh vào ý thức, trách nhiệm của người viết kịch bản, người diễn hài, nhà sản xuất. Họ nên hiểu những thông điệp, nội dung tiểu phẩm mà mình gửi đến còn liên quan vấn đề giáo dục, văn hóa nền của người trẻ và chính bản thân họ. Nhiều tiểu phẩm hài ra đời gần đây quá nhanh. Chỉ dựa vào một scandal nào đó vừa diễn ra là có ngay tiểu phẩm nhưng lại không hướng được giới trẻ theo chiều tích cực mà còn làm họ nghĩ đến vế tiêu cực. Với các game show, chương trình truyền hình có hài nhảm, tôi nghĩ khán giả hãy mạnh dạn tẩy chay, nhà tổ chức bớt mời những người mà liên tục làm trò phô và lố thử xem họ có còn đất để diễn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.