Hai bản trường ca mới của Thanh Thảo

14/08/2016 04:48 GMT+7

Cầm trên tay hai cuốn trường ca Đám mây hình người thợ săn và con chó và Dạ, tôi là Sáu Dân liên tiếp ra đời vào tuổi 69 rồi 70 của Thanh Thảo, ai cũng nể phục sức sáng tạo dồi dào của ông.

Nghiệp thơ Thanh Thảo thật đa dạng, nhưng phần xương sống của sự nghiệp ấy là trường ca. Hai bản trường ca mới này là hai quãng mới trên con sông trường ca của đời thơ Thanh Thảo. Chúng vẫn là nước chảy từ một nguồn, nhưng sắc nước và vị nước đều có khác.
Đám mây hình người thợ săn và con chó - cái tên trường ca dễ gây “sốc” với nhiều người, nhưng với ai rành văn hóa Mông, sẽ thấy đây là một hình dung độc sáng. Nó ra ngay cái chất của một dân tộc hình thành từ tận đỉnh nhà của thế giới rồi cưỡi mây lưu tán khắp cả hành tinh cùng con chó cộc đuôi và khẩu súng săn của mình. “Ta đám mây ngũ sắc thiên di”/“lãng đãng bay hình người và chó”. Nó là bản trường ca về chất lưu dân của người thiên di mà trụ bám như: “Đám mây màu phiêu bạt/thả neo vào chơi vơi”; “Ta không chém gió/mà trần ra cho gió chém mình”…
Còn ở trường ca Dạ, tôi là Sáu Dân, Sáu Dân theo cách cảm nhận của Thanh Thảo là ông “Sáu vì Dân”. Vì dân, đó là cốt cách của những hào kiệt chân đất trong thơ Thanh Thảo. Sáu Dân là bậc hào kiệt đời nay, luôn nặng lòng vì vô cùng thấm thía rằng cuộc thống nhất đất nước: “Có một triệu người vui thì cũng có cả triệu người buồn”. Người luôn coi dân là ân nhân của mình. Người “chỉ muốn làm người tử tế/Không đổ lỗi cho lịch sử”. Hơn thế, người thấy ý nghĩa thật sự và sâu xa của cách mạng: “Mỗi giọt nước mắt buồn đều làm bật một chồi cây/Và đó là cách mạng”.
Nhân vật ở Đám mây hình người thợ săn và con chó là sự vần vụ của tâm thức Mông. Còn nhân vật trong trường ca Dạ, tôi là Sáu Dân chính là cái tâm. Một cái tâm luôn đau đáu, trằn trọc, ngổn ngang bao điều quốc kế dân sinh. Một cái tâm vần vụ không yên, mà mọi tâm tư, trí nghĩ như khoan như xoáy đó đều xoay quanh một cái trục duy nhất: vì dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.