Thương nhớ một Hà Nội xa

03/02/2021 14:30 GMT+7

Tôi xa Hà Nội đã ngót 10 năm, nhưng những ký ức về một vùng đất ngàn năm văn hiến vẫn miên man chảy trong lòng…

Ký ức về mẹ

Mẹ tôi là người làng Vân Đình, trước thuộc Hà Tây, nay nhập về Hà Nội. Mẹ đẹp, dịu dàng và chăm chỉ. Vì là con cả, nhà lại có một bầy em chưa lớn nên mẹ gánh vác hết công to việc lớn trong gia đình. Mẹ tôi phải bỏ học giữa chừng để lo cơm áo gạo tiền. Biết bao trai làng đến hỏi mà mẹ không ưng.
Mẹ rời nhà đi lập nghiệp xa rồi lấy một chàng trai nghèo nơi đất Cảng. Ngày mẹ lấy chồng, bà ngoại tôi khóc sưng mắt thương con vất vả lại làm dâu nơi đất khách quê người. Ông tôi thì dặn dò kỹ càng: “Con nhớ phận làm dâu, làm con…”.
Ngót mấy chục năm trời xa Hà Nội, trong lòng bà, Hà Nội vẫn là những hồi ức đẹp nhất và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến tôi. Mẹ hay kể chuyện hồi nhỏ bà vừa trông em giúp mẹ vừa lên hợp tác xã dệt khăn. Bà nhìn bạn bè cùng lứa được đi học, được vui đùa với nhau mà cảm giác vừa tủi thân vừa ao ước. Mẹ tôi lúc rỗi rãi hay trộm sách của ông ngoại đọc nghiền ngẫm. Sau này, thói quen đọc sách hàng ngày của bà vẫn không dứt. Những câu chuyện của bà kể cho chúng tôi ngày nhỏ về gia đình, bạn bè, và về Hà Nội đã ăn sâu bám rễ trong tôi.
Hồi tôi còn nhỏ, cứ nhớ nhà là mấy mẹ con lại về quê ngoại. Trong lòng chúng tôi hai từ “quê ngoại” thật đẹp và thật ấm áp biết nhường nào. Về đến cổng nhà là tôi lại ới vào “bà ơi”. Bà tôi lại lật đật chạy ra: “Mẹ con nó lại về kìa ông ơi!”. Ông tôi đang ngồi trong phòng đọc sách cũng bỏ đấy ra hỏi han.
Ông vốn tính hiền lành, điềm đạm bao giờ cũng chỉ dẫn rất cặn kẽ: cái chậu nào rửa mặt, cái chậu nào rửa bát, đâu là khăn mặt, đâu là khăn lau tay… Trong tôi hình tượng mẹ và ông cứ lớn dần. Tôi quyết tâm sau này sẽ theo nghiệp văn giống ông và theo đuổi nghề dạy học mình hằng ao ước thuở thiếu thời.
Mỗi lần nhớ nhà mẹ tôi lại nấu những món ăn quê của Hà Nội: canh sấu, canh chuối giả tam tam, canh cà pháo… bà gọi đó là món ăn của quê hương. Bà thỉnh thoảng vẫn ngân nga những khúc hát về Hà Nội với xúc cảm trào dâng trong lòng. Riêng mình tôi thì thấy xót thương hơn người mẹ già sống xa quê đằng đẵng mấy chục năm trời. Nhưng riêng chất người Hà Nội trong bà vẫn chưa bao giờ phai nhạt.

Hà Nội nỗi nhớ của tôi

Khi lớn hơn một chút, tôi mới hiểu vì sao mình lại yêu thương và khi rời xa lại nhớ nhung mảnh đất Hà Nội đến thế. Thế là tôi học hành mải miết, khát khao tìm hiểu thêm về nơi chôn rau cắt rốn của mẹ. Cuối cùng, tôi cũng toại nguyện: tôi đã trở thành sinh viên ngành sư phạm ngữ văn của Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
Bao nhiêu kinh nghiệm và sách vở ông tôi chắt chiu dành hết cho cháu. Ông bảo: “Sách là người bạn tốt, con nên biết yêu quý chúng. Sau này ra đời rồi con hãy vững bước trên đôi chân mình”. Còn bà tôi thì nhìn tôi đầy xót xa: “Nhìn con gầy yếu quá. Ăn nhiều vào cho khỏe con ạ.” Bà lúc nào cũng coi cháu như thời thơ dại, luôn dành những thức ngon nhất cho tôi. Lòng tôi rưng rưng xúc động trước những tình cảm trìu mến ông bà dành cho.
Tôi nhớ những lần lên Thư viện Quốc gia trên đường Tràng Tiền đọc sách. Giờ giải lao lại cuốc bộ trên con đường xung quanh hồ Gươm, ngắm nhìn Tháp Rùa cổ kính soi bóng trên làn nước trong xanh, thỉnh thoảng có cơn gió đùa làm mặt hồ lăn tăn gợn sóng, những rặng liễu cũng đung đưa duyên dáng như những hàng tóc xanh mướt.
Nhớ những tiếng nói cười râm ran của những dòng người tấp nập men theo cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn tạo ra một không gian rất riêng mà chỉ Hà Nội mới có.

Hà Nội là quê mẹ tôi...

Ảnh Lưu Quang Phổ

Tôi nhớ những con đường Hà Nội dài và tấp nập người qua lại với nhiều ngóc ngách nếu không cẩn thận đi sẽ bị lạc. Nhớ cả những phố sách Đinh Lễ, phố sách đường Láng, hiệu sách ông già tóc trắng đường Cầu Giấy… chọn cho mình một cuốn sách hay rồi lặng lẽ lên tượng đài Lý Thái Tổ xem những bạn trẻ hăng say tập luyện các bài nhảy hiện đại.
Tôi yêu từng góc phố cổ Hàng Ngang, Hàng Mã, Hàng Đào… nơi có thể mua một món quà lưu niệm rồi thưởng thức vị ngọt ngào nóng hổi đặc trưng của món phở Hà Nội.
Tôi nhớ Hà Nội của tôi với những hàng cây cổ thụ tạo không gian vắng vẻ, yên tĩnh và thơ mộng trên đường Phan Đình Phùng, đường Hoàng Diệu, đường Kim Mã, đường Trịnh Công Sơn
Tôi nhớ mỗi dịp cuối tuần hẹn nhau lên cầu Long Biên ngắm cảnh, trong bao la khoảng không trước mắt dòng sông Hồng vẫn thao thiết chảy ngăn cách những nếp nhà bé xíu và những triền bãi trải dài một bờ sông, ngô khoai mía xanh xanh biêng biếc một màu. Cảnh vật đẹp tựa một bức tranh. Tôi nhớ những lần đi dọc đường Thanh Niên ngắm bình minh lên và hoàng hôn buông xuống xem mặt hồ Tây khoác những màu áo khác nhau…
Tôi còn nhớ cả những lần cùng anh, người con trai Hà Nội, đến Ngày thơ Việt Nam diễn ra ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Chúng tôi say sưa nghe các nhà thơ dù tóc đã hai màu hay mái đầu vẫn còn xanh vẫn bình thơ bình văn hăng say và hào hứng. Tôi đã mạnh dạn xin một chữ “Duyên” viết bằng mực tàu từ ông đồ trẻ áo dài khăn xếp như muốn ngỏ một lời kết giao thầm kín với đất và người Hà Nội.
Xa Hà Nội đã bao lâu và biết thành phố bây giờ khác xưa nhiều lắm: sầm uất, huyên náo và phát triển hơn. Tôi mong một ngày không xa sẽ có dịp trở lại để chiêm ngưỡng những đổi mới nơi mảnh đất thân yêu.
Đó là quê hương thứ hai, nơi gắn bó với tình yêu, tuổi trẻ và những khát vọng lớn lao của tôi.
Cảm giác ấy thật vui sướng và tự hào. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.