Thiêng liêng lễ thượng cờ trên quảng trường Ba Đình

05/02/2021 15:46 GMT+7

Dậy thật sớm đến quảng trường Ba Đình thể dục và chiêm ngưỡng cảnh thượng cờ dưới ánh nắng ban mai, chúng ta sẽ thấy yêu bản thân, yêu nơi mình đang sống và yêu hơn hai chữ “hòa bình”.

Chứng kiến khoảnh khắc lễ thượng cờ, hạ cờ trên quảng trường Ba Đình (Hà Nội) với sự tôn nghiêm, là dấu ấn vô cùng xúc động trong tôi.
Nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, tôi càng thấy giá trị cao quý của hai chữ “hòa bình”.

Mong đến thăm Bác một lần

Năm tôi lên 10 tuổi, mẹ tôi ra thăm Lăng Bác. Tôi háo hức muốn đi cùng mẹ để nhìn thấy Bác một lần, vì trước đó tôi chỉ biết về Bác qua lời kể của bố mẹ. Nhớ khi ấy không được đi vì còn nhỏ, tôi đã chạy theo xe đòi đi cùng mẹ rồi khóc sướt mướt cả một giờ đồng hồ. Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, đọc những bài thơ về Bác, tôi lại càng cảm thấy xúc động và càng muốn đến nơi đây để tận thấy và cảm nhận.
Mong ước đến thăm Lăng Bác của tôi cũng hoàn thành khi tôi là sinh viên đại học năm nhất. Đi thăm Lăng Bác, cảm xúc đầu tiên của tôi với nơi đây là thật bình yên và trong lành, với những hàng cây xanh đứng thẳng, ao cá vàng nước trong veo, nơi Bác ở thật ngăn nắp, gọn gàng.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Bác, đôi má Bác hồng hào, khuôn mặt Bác phúc hậu, Bác vẫn nằm đấy, nằm trong giấc ngủ bình yên. Dân tộc Việt Nam sẽ luôn nhớ và dành tình yêu đặc biệt cho Bác.
Đến đây, tôi lại nhớ và đọc thầm những câu thơ trong bài thơ Viếng Lăng Bác của tác giả Viễn Phương: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng. Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ. Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”, trong lòng bồi hồi xúc động.
Tôi càng cảm thấy nghẹn ngào, không khỏi xúc động khi tận mắt chứng kiến và đọc được những câu chuyện về những đoàn thương binh nặng, có những người hỏng cả hai mắt nhưng luôn đau đáu niềm ước mơ lớn nhất trong cuộc đời dù không được nhìn thấy Bác nhưng vẫn tâm nguyện là được vào Lăng viếng Người.

Lá cờ trên quảng trường Ba Đình là hình ảnh thiêng liêng với mọi người dân Việt Nam

Ảnh Lưu Quang Phổ

Những mẹ Việt Nam anh hùng, nhất là các mẹ ở miền Nam, dù tuổi cao, mắt đã mờ nhưng vẫn cố gắng để được ra thăm thủ đô vào Lăng viếng Bác.
Nhiều người không kìm nén được sự xúc động đã òa khóc, có người do chưa nhìn rõ Bác, còn đề nghị được vào viếng Bác thêm lần nữa để được nhìn Bác rõ hơn…
Lăng Bác là một đài hoa vĩnh cửu, một không gian thiêng liêng, nơi hội tụ niềm tin, tình cảm kính yêu của nhân dân cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nghẹn ngào và biết ơn hai chữ “hòa bình”

Quảng trường Ba Đình nằm trên đường Hùng Vương và phía trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thủ đô Hà Nội - mảnh đất “sinh khí ngàn năm” của đất nước. Đến đây, người Việt Nam ai cũng sẽ nhớ lại sự kiện lịch sử ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Khoảnh khắc chứng kiến nghi lễ thượng cờ và hạ cờ thật sự ý nghĩa và thiêng liêng đối với tôi. Nhìn thẳng vào lá cờ Tổ quốc bay phấp phới trên nền trời xanh, tôi nghĩ về những anh hùng đã ngã xuống vì đất nước, về những nỗi đau, mất mát do chiến tranh để lại vẫn còn đâu đó, và cảm thấy biết hơn vô hạn.
Dậy thật sớm đến quảng trường Ba Đình thể dục và chiêm ngưỡng cảnh thượng cờ dưới ánh nắng ban mai hẳn sẽ làm chúng ta sẽ thấy yêu bản thân, yêu nơi mình đang sống và yêu hơn hai chữ “hòa bình”.
Vào buổi tối, sân cỏ quảng trường xanh mướt, như những chiếc chiếu trải trên sân đình làng. Lăng Bác lúc ấy lên đèn, một màu hồng thiêng liêng. Đó là cảnh chỉ Hà Nội mới có.
Hà Nội mùa nào cũng đẹp và nên thơ. Riêng quảng trường Ba Đình lúc nào cũng đầy khí thiêng Hà Nội.
Hà Nội sẽ mãi như vậy, như ngọn đuốc cháy mãi trong dòng lịch sử của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.