Những bức thư nhiều dấu chấm lửng

18/02/2021 13:02 GMT+7

Niềm thương nỗi nhớ canh cánh bên lòng mà mãi 2014, tôi mới có dịp ra thăm lại Hà Nội.

Bữa cơm nặng tình

Anh Hổ ơi! Xa Hà Nội lâu lắm rồi anh à. Chưa một lần được ra lại. Niềm thương nỗi nhớ canh cánh bên lòng. Mãi đến 2014, tôi mới có dịp ra thăm Hà Nội. Đi một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, ghé đền Ngọc Sơn, rảo qua các phố chính rồi thẳng một thôi đến chùa Một Cột. Thực sự tôi bị Hà Nội cuốn hút bởi những đổi thay quá lớn.
Anh Hổ ạ, nói có hơi dài một tí anh chịu khó nghe nhé.
Năm 1968, đã về thu trời hơi se lạnh, tôi và anh Nguyễn Đình Trọng tìm vào một con hẻm nhỏ tới số nhà 58 phố Kim Liên, Đống Đa. Anh Trọng không đeo quân hàm đại tá và cho biết đây là đêm Hà Nội cuối cùng, ngày mai lên đường đi chiến dịch. Nhà rộng, giường chiếu đầy đủ, thường không đóng cửa chỉ có hai mẹ con đàn bà...
Mẹ Cát làm cơm, cô Hạnh vào bếp, một bữa cơm gia đình mặn tình cá nước: gà luộc, cháo. Tôi lòng lại dặn lòng phải làm một điều gì đó có ý nghĩa cho đời. Sáng hôm sau, chia tay mẹ Cát và cô Hạnh, một mình qua nhà khách của Bộ Nội vụ ở đường Chu Văn An, tôi ở đó nằm chờ. Hai hôm sau mới có xe lên đơn vị AD65 cơ quan đóng ở Làng Vải, Đoan Hùng, Phú Thọ ngay bên bờ sông Lô.

Năm 2014, tôi mới thăm lại Hà Nội

Ảnh Lưu Quang Phổ

Cấp trên bố trí cho tôi ở nhà dân ăn cơm tập thể tiếp tục cầm bút sống cho thơ. Bài Những ánh sao vuông, Che em và Bưởi Đoan Hùng đều khai sinh ở làng này đây anh Hổ ạ. Chẳng giấu gì anh, tôi và Hạnh thư từ qua lại đều đều. Thư Hạnh thường hàm ý kín đầy dấu chấm lửng.

Nhớ Hạnh

Ở làng Vải có hôm nhớ Hà Nội quá, tôi nói với cơ quan về xin kinh phí cho tủ sách, thủ trưởng đồng ý cho tôi đi. Về Hà Nội, đứng ở cầu thang nhà máy in báo Nhân Dân xin gặp Hạnh, một phút sau, Hạnh ra gặp tôi tay bắt mặt mừng. Tôi cho Hạnh tí “quà đồng” rồi chia tay hẹn tối về nhà.
Chiều nào Hạnh về tôi đều có “quà” thơ. Tôi nhờ Hạnh in có bài dài như phong pháo, in được bao nhiêu mấy cha đi B vét mang đi hết. Sáng hôm sau tôi đang xét ổi trên cây thì nghe Hạnh bảo: “Anh ném xuống sân em bắt thử nào”. Tôi ném luôn tay, ném quả nào Hạnh bắt dính quả nấy, rồi Hạnh đưa tôi đi dạo phố.
Ra đường mua đúng một chẽ hoa nhỏ, Hạnh đưa tôi cầm tay. Buồn cười quá anh Hổ ạ, đi dạo phố với mỹ nhân mà đi như ma đuổi, đi qua bao nhiêu phố mà chẳng nhớ phố nào chỉ nhớ đường Giảng Võ. Đi lòng vòng no nê rồi Hạnh đưa tôi đến... nhà. Sáng ra đường hồ Bảy Mẫu, Hạnh gọi 2 tô cháo hoa, mỗi tô thả 2 que quẩy. Điểm tâm xong là lên tàu điện Bờ Hồ đi làm. Hạnh đến Tràng Tiền, tôi qua Ngô Quyền. Chiều về thì “đường ai nấy đi”. Cứ như thế lên rừng xuống phố không biết bao nhiêu lần.
Tôi viết thư giới thiệu kỹ sư Hoàng - bạn mình cho Hạnh, Hạnh cũng làm lơ. Một cô gái Hà Nội kiêu sa như thế, sống như thế là thế nào? Thực mình không hiểu nổi, lắm lúc làm mình mất phương hướng chẳng biết mình là ai nữa Hổ ạ.
Trải qua bao dâu bể, 46 năm sau, người làm thơ và người in thơ có một cuộc trùng phùng kỳ lạ ở nghĩa trang Thôn Ngô trước mộ chí của mẹ Cát đang nghi ngút khói hương. Cả hai đều tóc bạc lấn mây.
Người in thơ đến bây giờ vẫn còn trong trắng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.