Nhớ thủ đô năm ấy

23/01/2021 18:38 GMT+7

Năm 1967, không quân Mỹ đánh ác liệt vào Hà Nội. Thủ đô ta năm ấy với các phố dài chi chít hố tránh bom cá nhân lắp bê tông dọc hai bên hè…

Nhưng cuộc sống vẫn diễn ra, tàu điện vẫn leng keng cả ngày đến tối, cửa hàng mậu dịch vẫn mở, chợ vẫn họp nhưng tan sớm, công sở vẫn có người làm việc. Thời đó, Hà Nội và cả miền Bắc rộ lên phong trào “tiếng hát át tiếng bom”.
Cũng năm ấy, từ nơi sơ tán của Trường đại học Mỏ địa chất Hà Nội, đội bóng chuyền nam của trường được lệnh về tham dự giải các đội mạnh thủ đô. Đội mới thành lập đã được xếp hạng “mạnh” bởi có 2 kiện tướng quốc gia, 1 cựu cầu thủ Thể công và 3 cầu thủ có “số má” xuất thân từ bóng chuyền phong trào ngành than ở Hòn Gai. Chúng tôi còn có tên là đội bóng của thầy và trò, vì đội hình chính có 3 thầy giáo (Hoành - Thu - Lễ) và 3 sinh viên (Hoà - Tráng - Chí).
Phải thi đấu liền 2 ngày với 4 trận trên cái sân phía trong của tòa nhà 54 phố Hai Bà Trưng, vốn không dành cho hoạt động thể thao đông người. Tôi chỉ kể lại trận đấu cuối cùng trong ngày thi đấu cuối cùng của chúng tôi.
Hôm ấy là một ngày trời đẹp của tháng 10.1967, diễn ra trận đấu hay nhất với đội Công an nhân dân. Lực lượng đôi bên xấp xỉ vì đội bạn không có những cầu thủ cao và đen như cột nhà cháy, với cú đập trời giáng như của đội Thể công mà hôm trước chúng tôi đã thua tơi bời.
Lúc 14 giờ, tỉ số đang là 1:1, chuẩn bị sang séc 3 thì đột nhiên có tiếng loa “đồng bào chú ý, máy bay địch cách thành phố ít cây số”, còi báo động vang lên. Cầu thủ, trọng tài, ban tổ chức cùng khán giả xuống một cái hầm lớn. Sau một hồi tiếng bom đạn ùng oàng đinh tai nhức óc, rung chuyển cả hầm, thì loa cũng báo “máy bay địch đã đi xa…”.
Lúc trở lại trận đấu, chao ôi, sân bóng đã bị phủ những mảnh đạn pháo cao xạ màu xám, có những mảnh vẫn còn âm ấm, khét lẹt. Thật là chu đáo khi ban tổ chức đã để sẵn chổi tre, thùng rác ở bên cạnh. Có mấy khán giả lưng còn đeo súng đã nhảy vào giúp chúng tôi dọn vệ sinh. Trọng tài chỉ chờ có thế, đích thân ông kiểm tra lần cuối, nhìn đồng hồ rồi cất còi ra lệnh phát bóng như chẳng có việc gì vừa xảy ra cả.
Kiện tướng của chúng tôi lại tiếp tục bật cao tấn công trên lưới bằng những quả đập búa bổ. Phía sau họ, chúng tôi phòng thủ thành công nhiều pha bóng đẹp. Trận chiến giằng co, ăn miếng trả miếng quyết liệt. Khán giả reo hò, cổ vũ kiểu thời chiến: không ầm ĩ, suýt xoa vỗ tay vừa phải vì tai vẫn phải dỏng lên về phía Nhà hát lớn, là nơi phát ra tiếng còi báo động mỗi khi máy bay Mỹ vào đánh phá Hà Nội. Cuối cùng, các đồng chí công an chơi bóng khỏe hơn đã vượt lên trước thầy và trò 2 điểm ở sét bóng thứ 5.
Mệt lử, nhưng thật sảng khoái ở ngay giữa thủ đô đầy bom đạn, khói lửa mà lại có những cổ động viên - người dân không quen biết nhưng họ đã như cùng chúng tôi hứng bóng, chuyền bóng trên một cái sân thật rộng. Không thiên vị đội nào cả, họ mới là dân “fair play” (chơi đẹp) thứ thiệt. Đó cũng là kỷ niệm không thể nào quên” của 3 chàng sinh viên - thợ mỏ chúng tôi.
Được ở lại 1 ngày. Sáng hôm sau, tôi đến thăm thầy giáo Phùng Viết Ngư ở Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Thầy dẫn tôi xuống căng tin nhà trường và nhỏ to dàn xếp thế nào mà tôi được ăn liền 2 bát phở “không người lái”, là thứ đặc sản thời chiến của Hà Nội. “Ôi! Ngon quá chừng thầy ơi!”, tôi phải thốt lên như thế.
Sang năm 1968, thầy trò đã thiện chiến hơn. Vào tháng 6, chúng tôi trở thành nhà vô địch của giải bóng chuyền đầu tiên của Bộ Đại học Trung học chuyên nghiệp, sau khi đánh bại các đội mạnh của các trường trong Bộ. Đích thân Bộ trưởng Tạ Quang Bửu trao cúp cho thầy trò chúng tôi trong một ngày nắng đẹp, không bóng dáng máy bay Mỹ đến quấy rầy thủ đô ta.
Chúng tôi thuộc khóa sinh viên đầu tiên của Trường đại học Mỏ địa chất Hà Nội, được dạy dỗ tại khu sơ tán của trường. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nay chúng tôi là lớp U.80 đang sống ở vùng mỏ cùng con cháu, nhưng vẫn khắc khoải “nhớ thủ đô năm ấy” và một phần máu thịt của thủ đô là mái trường đại học những năm chống Mỹ… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.