Nhớ thời 'xí nghiệp hai que'

10/01/2021 07:27 GMT+7

Nghe thông báo rét đậm rét hại, tôi lại nhớ về những tổ đan len một thời huy hoàng ở Hà Nội xưa.

Lò bát quái

Miền Nam không có mùa đông, nếu thi thoảng du lịch Đà Lạt khoác cái jacket là đủ ấm, áo len đã trở vào miền ký ức. Mấy hôm nay, nghe đài thông báo miền Bắc “rét đậm, rét hại”, tôi bỗng dưng nhớ đến cái rét, cái buốt thấu xương, nhớ đến chiếc áo len. Chiếc áo len không chỉ giúp ta chống rét, mà còn là dịp các cô, các bà khoe tay nghề, bạn nữ khoe sắc. Nghề đan len cũng như chiếc lò bát quái, tạo công ăn việc làm cho biết bao chị em khi chưa tìm được việc làm ổn định, nên tổ đan len một thời huy hoàng đã được gán cho cái biệt danh “xí nghiệp hai que”!
Hồi nhỏ tôi ở Hà Nội, do nhà đông anh chị em, nên học hết cấp 2 ở Trường Thanh Quan tôi phải nghỉ học. Không nghề nghiệp, chẳng quen biết ai mà nhờ vả, để có miếng ăn hằng ngày, tôi đã tham gia tổ đan len. Một sự lựa chọn lương thiện nhất mình có thể lúc ấy.
Tại các tổ đan len, thành viên bầu chị có kinh nghiệm và uy tín nhất làm tổ trưởng. Tùy theo mẫu mã, hợp đồng mà nhận len về, tổ trưởng cân phát cho chị em trong tổ lĩnh về đan. Tôi lúc đầu đan chậm, mỗi tháng chỉ đan được một cái, nửa năm sau, tôi đã đan được 3 - 4 cái tùy theo mẫu mã dễ hay khó. Đan xong cân cả áo, cả len thừa trả. Tổ lên áo sẽ khâu hoàn thành. Tổ trưởng thu gom đóng gói mang trả cho mậu dịch, lĩnh tiền công trả cho chị em, rồi tiếp tục nhận hợp đồng mới. Mỗi chiếc áo nhận được tiền công 8 đồng. Tuy hàng gia công lúc có lúc không, thu nhập phập phù, nhưng tổ đan len đã âm thầm, lặng lẽ giúp tôi có tiền nuôi thân trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời.
Đan len là một nghề cực kỳ linh hoạt, bất cứ rảnh tay lúc nào, ở đâu cũng có thể làm được. Đan trong khi xếp hàng lấy nước, đong gạo, đan khi ngồi họp cơ quan, đan khi chờ tàu điện... Thời bao cấp, đan len là nghề “hot”. Đâu chỉ nghề chờ việc như tôi, còn là một cách kiếm thêm thu nhập của cán bộ công nhân viên cả nam lẫn nữ ở mọi lứa tuổi. Cơ quan nào cũng có một tổ len hoạt động ngoài giờ hành chính.

Chiếc áo ngắn chật nên duyên

Tôi luyện một thời gian trong “lò bát quái”, tôi đã xin học lớp y tá. Lương y tá chỉ có 36 đồng mỗi tháng, nhưng thu nhập ổn định, cộng thêm chế độ tem phiếu được cung cấp, sống tằn tiện cũng tạm ổn. Tuy vậy, tôi không quên nghề đan len từ thuở hàn vi; và chính nghề đan len đã giúp tôi tìm được “một nửa” của mình.
Anh ấy là một kỹ sư trẻ, bị sốc bom khi ngoại vi Hà Nội bị oanh tạc. Lúc đó tôi là y tá trực chiến tại Bệnh viện Phủ Doãn. Tôi đã không rời anh nửa bước trong suốt 2 ngày đêm anh bị hôn mê. Khi xuất viện, tôi phát hiện anh mặc chiếc áo len vừa ngắn vừa chật.
Thời gian khó khăn hồi đó, nhận được đồ viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa đã là quý lắm rồi. Hàng hóa được phân phối như một ơn huệ nên bất kể đối tượng. Anh được phân phối chiếc áo len màu xám, nhưng lại là áo trẻ em. Anh mặc gượng gạo cốt sao cho ấm. Tôi đã tháo chiếc áo len của anh ra đan lại cho vừa, nhưng chỉ đan được già nửa là hết len. Ngày ấy, muốn có cuộn len cũng không phải dễ dàng, thậm chí có tiền cũng chưa chắc đã mua được. Nơi tôi làm, cách Bách hóa Tràng Tiền không xa. Một hôm, thấy mọi người xếp hàng dài dằng dặc để mua đồ mặc, tôi vào hàng và kiên nhẫn chờ đợi. Đến lượt, người bán hàng bốc thăm cho tôi trúng chiếc quần len trẻ em màu ghi đậm.
Tôi lại phải tháo ra đan lại mất cả tháng trời, gửi gắm tình cảm mình vào từng đường kim sợi chỉ. Tôi đã khéo léo phối hợp 2 màu khác nhau, trong hình thoi có cài bông thủy tiên, ít ai nhận ra đây là “tác phẩm” lắp ghép có nguồn gốc... Liên Xô. Len còn dư tôi đã đan thêm cho anh chiếc khăn phô la.
Cuối tuần, anh đi xe đạp vượt hơn 50 km từ Hà Nam lên Hà Nội gặp tôi. Khi tôi ướm thử chiếc áo len và quàng cho anh chiếc khăn phô la, anh đã ôm chầm lấy tôi, nước mắt dàn dụa, thay muôn vàn lời nói. Hai chúng tôi tràn ngập trong hạnh phúc từ đó.
Một năm tết về thăm quê anh, thấy 2 cụ ở quê vẫn còn mặc áo bông lùng thùng lại không đủ ấm. Năm sau, tôi dốc hết những gì mình có, bán cả tem gạo cho đủ tiền đan cho 2 cụ mỗi người chiếc áo len thật đỏm dáng. Hai cụ mặc ngay và khoe với xóm làng có nàng dâu Hà Nội thông minh lại khéo tay!
Cái se lạnh đất phương Nam báo cho tôi tết sắp đến. Đã lâu lắm rồi, tôi không còn nhớ cảm giác cầm đôi que đan len nữa. Mùa nào các cửa hàng áo quần thời trang cũng bày bán những trang phục mới, lạ, đẹp và tiện dụng, nên việc mua sắm, ăn mặc cũng nhờ thế mà đơn giản hơn nhiều. Cả nhà phải nhịn ăn để bố mẹ có áo ấm đã trở thành dĩ vãng; song song đó, niềm vui đan xong một chiếc áo len khoác cho chồng cũng không còn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.