Hà Nội nuôi dạy chúng tôi khôn lớn trưởng thành

14/02/2021 10:56 GMT+7

Hà Nội ngày càng phát triển. Những khu đô thị, cao ốc đua nhau mọc lên cao vút trời. Lũ trẻ ngày nay học hành với tiện nghi hiện đại, chẳng nhọc nhằn, vất vả như thời bao cấp của chúng tôi.

1. Có lẽ đây là buổi họp lớp cũ cảm động và có ý nghĩa nhất khó có thể quên được trong suốt cuộc đời của tôi. 
Tất cả chỉ chừng hơn mười đứa là bạn học cùng lớp hồi cấp 1, nghĩa là từ lớp 1 đến lớp 4 theo cấp phổ thông cũ. Số bạn cũ còn lại không rõ địa chỉ nên không liên lạc được. Chiến tranh, loạn lạc đã khiến mỗi đứa theo gia đình đi sơ tán, lớn lên đi bộ đội, đi công tác, rồi về lại thành phố… Nhờ có “anh Facebook” nên đã nối lại được với nhau.
Thời gian trôi nhanh như vó câu qua cửa sổ. Chúng tôi cứ già đi. Ký ức tuổi thơ những năm học cấp 1 đầu đời bỗng chốc ùa về dào dạt. Thầy Khánh, cô Liên, thầy Phúc hiệu trưởng… những bóng dáng thầy cô năm ấy còn như hiển hiện trước mắt.
Chúng tôi còn nhớ như in lời thầy Phúc sang sảng vào mỗi buổi sáng thứ hai chào cờ ở sân trường: “Thầy trò chúng ta phải phấn đấu xây dựng nhà trường đẹp như công viên, sạch như bệnh viện, nghiêm như quân đội. Mỗi em học sinh phải thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, trở thành người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa và giải phóng miền Nam”.
Chúng tôi, đứa già nhất cũng đã ngoài sáu mươi, lên ông lên bà nội ngoại hết cả. Quây quần bên bàn cà phê, bánh ngọt là những câu chuyện, hỏi han nhau về quá khứ, về gia cảnh cũng như những thăng trầm khi trưởng thành của từng người.

Hà Nội đã nuôi chúng tôi khôn lớn

Ảnh Lưu Quang Phổ

2. Cậu Huân nghịch như quỷ sứ, chuyên trị trêu các bạn gái trong lớp đã trở thành sĩ quan an ninh kinh tế, giờ nghỉ hưu, ham mê môn tennis. Tôi sau khi xuất ngũ, đi học trung cấp, rồi đại học, về công tác tại một cơ quan pháp luật tại Hà Nội. Còn bạn gái Hường, học giỏi hát hay, không may mắc trọng bệnh, qua đời hai năm trước rồi.
Long “chích chòe”, nhà trong Khu tập thể 8.3, cậu gia nhập quân đội và anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Bố mẹ Long đều là công nhân Nhà máy dệt 8.3. Thời chiến tranh, mẹ Long vừa bám 8 máy dệt, vừa trực trận địa phòng không bảo vệ thành phố. Bố Long xung phong vào miền Nam chiến đấu theo tiếng gọi “Thanh niên ba sẵn sàng”, ông đã anh dũng hy sinh, nằm lại trên mảnh đất Long An xa xôi.
Tuấn “thủ môn”, ngôi sao sáng đội bóng của lớp, đi học Cuba về, làm ở ngành ngoại giao. Bố Tuấn vốn làm công nhân Nhà máy cơ khí Trung quy mô, xung phong đi bộ đội, ông cũng hy sinh ở Quảng Trị.
Sinh hay “ăn bánh mỳ trong lớp”, cũng đi bộ đội, trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Bố Sinh cũng là liệt sĩ, hy sinh tại mặt trận Tây Ninh, đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt.
Phương “điển trai” làm lái xe khách, da đen nhẫy, tham gia tự vệ, bị thương trong một trận bom tại Đức Giang.
Người ít nói nhất lớp 4Đ là Hùng, cậu ta đi bộ đội, học quân y, sau chuyển về làm phó giám đốc một bệnh viện trong thành phố…
Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, không ai giống ai. Nhưng chúng tôi đều giống nhau ở một điểm cùng là những người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thủ đô anh hùng.
3. Sau một hồi ríu rít tranh nhau hỏi han, kể lể, hơn mười mái đầu đã điểm bạc bỗng im lặng, bùi ngùi trong buổi họp lớp cũ. Những cô, cậu học sinh cấp một năm nào, nay ai cũng đề huề có con cháu, đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập, công tác, chiến đấu và cống hiến hết mình để không hổ thẹn với cái danh là những thanh niên Hà thành.
Cuối buổi họp, chúng tôi hẹn nhau cuối tuần cùng đến thăm nhà, thắp hương tưởng nhớ hai bố con Long, cho bố Tuấn và Sinh… Những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Rồi đến thắp hương cho Hường, cô bạn gái xấu số và có chút quà cho mấy đứa cháu của Hường…
Một năm sau, chúng tôi lại tổ chức họp lớp. Những gương mặt thêm gầy guộc và nhiều vết nhăn hơn. Những mái đầu thêm bạc trắng. Dường như ai cũng ít nói hơn xưa. Buổi họp đã vắng đi một người vì căn bệnh tiểu đường biến chứng vào não, đã không qua khỏi. Lại đến nhà thăm viếng nhau, chỉ e sợ thời gian sẽ cướp dần đi những người bạn học thuở ấu thơ năm nào…
Hà Nội ngày càng phát triển. Đường xá mở rộng, đường trên cao, dưới thấp, đường xuyên hầm đan xen nhau chằng chịt. Những khu đô thị, cao ốc đua nhau mọc lên cao vút trời. Lũ trẻ ngày nay học hành với tiện nghi máy móc hiện đại, chẳng nhọc nhằn, vất vả như thời bao cấp.
Chúng tôi, những người già đến với nhau trên xe buýt với những tấm thẻ miễn phí do thành phố cấp phát. Không nói ra, nhưng tất cả đám học sinh cấp 1 chúng tôi ngày ấy, đều mong cho những buổi họp lớp vẫn diễn ra đều đặn, không thiếu vắng một ai cho tới khi tất cả đã trăm tuổi.
Hà Nội đã nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng tôi khôn lớn, trưởng thành như thế đấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.