Hà Nội, cúc họa mi

16/02/2021 15:19 GMT+7

Hà Nội mùa cúc hoạ mi cũng trở nên thanh lịch và dịu dàng hơn...

Ở nơi chỉ có hai mùa mưa nắng

Ở một nơi chỉ có hai mùa mưa nắng nên cảm giác khi đất trời giao mùa cũng thật mông lung. Sáng thức giấc mà nghe một chút lành lạnh thôi là y như rằng vui lắm vì giống như mùa đông đang đến.
Rồi lại vội vã lục tìm khăn len, áo len mặc vào kẻo cái lạnh biến mất thì tiếc lắm. Chiều mà thấy nắng vàng hơn, hay bất chợt nhìn thấy một chiếc lá rơi bâng quơ thôi, cũng cứ tưởng là thu đã chạm ngõ rồi!
Nói thế để biết rằng, người miền Nam mơ về bốn mùa đến thế nào. Nghe nói Hà Nội là nơi trên dãy đất hình chữ S này được mẹ thiên nhiên trao tặng cả bốn mùa trong năm tuyệt vời nhất và đẹp nhất. Vậy mà mình, hơn nửa đời người rồi, lại chưa một lần ra Hà Nội.
Lướt Facebook, thấy bạn bè ra thăm thú Hà Nội mà thích quá. Rồi tự nhủ với mình: thôi không sao, các bạn có công đi, chụp hình đăng cho mình xem thì mình "thả tim" cho các bạn ấy vậy. Nhất là mấy cái hình chụp cúc hoạ mi!

Họa mi trắng muốt

Không hiểu sao mình yêu cúc hoạ mi quá đỗi dù chưa một lần được chạm vào cái hoa trắng muốt, điểm một chút nhuỵ vàng thật ý nhị và dễ thương này.
Có lần đi siêu thị thấy bán chậu hoa có hoa giống như thế, mình hí hửng mua về vì tưởng là cúc hoạ mi. Rồi đăng cái hình lên Facebook, rồi nhận lại thật nhiều hụt hẫng vì những comment: "Không phải cúc hoạ mi D. ơi”!
Mình yêu cái vẻ mong manh của hoa, yêu màu trắng tinh khôi, nhẹ nhàng dễ làm mình mềm lòng mỗi khi ngắm. Hà Nội mùa cúc hoạ mi cũng trở nên thanh lịch và dịu dàng hơn bên những vườn hoa nở rộ. Bình yên đến lạ khi cúc hoạ mi rong ruỗi sau những chiếc xe đạp, xe máy đến từng ngõ phố. Tất cả những điều này mình chỉ cảm nhận qua ảnh, qua tivi thôi vậy mà lòng cứ nao nao... Tự nhiên, thấy ghen tị lắm khi ngắm nhìn những tấm ảnh bạn bè chụp bên loài hoa dễ thương này.
Miền Nam cũng có nhiều hoa cúc, nhưng mình không thể phân biệt và cũng không thể nhớ hết tên và màu sắc của từng loại. Cứ thấy hoa nào nhiều cánh, thanh mảnh, xinh xinh thì mình gọi là cúc.

Với người phương xa, Hà Nội không lạ chút nào

Ảnh Lưu Quang Phổ

Ngắm kỹ, thì đúng là cúc hoạ mi có một vẻ đẹp rất riêng, không giống các loại cúc khác. Màu trắng của cúc hoạ mi thanh khiết quá, chỉ cần một hai hoa bỏ vào cái lọ nho nhỏ thôi cũng làm cho căn phòng trở nên duyên dáng rồi.
Nhưng, sẽ đẹp, tinh tế hơn khi ngắm một bình hoa cúc mi thật to được đặt trên chiếc bàn gỗ mộc mạc hay bên khung cửa sổ mà gỗ đã nhuốm màu thời gian.

"Khi nào cúc họa mi nở rộ thì con ra"

Có một ông cậu họ ở Hà Nội điện thoại vào bảo: "Cái D., mày ra Hà Nội đi, cậu đưa đi thăm thủ đô”. Mình cười và trả lời: “Dạ, khi nào cúc hoạ mi nở rộ thì con ra”. Cậu mắng: "Mày lãng mạn thế! Ra đây, cậu cho cả bó”. Sài Gòn - Hà Nội chỉ cách nhau hơn 1.500 km mà đi hoài không tới bởi có quá nhiều lý do không tên. Lúc nhỏ thì khó khăn kinh tế, khó khăn tàu xe. Lớn lên thì lại loay hoay chuyện nhà...
Mà cơ bản là mình cũng lười đi chơi xa. Dọc dài hai đầu "đòn gánh" đất nước, mình chỉ mới đi được tới giữa cái đòn gánh đó thôi: từ Sài Gòn ra Đà Nẵng! Đứng bên Nam Hải Vân nhìn qua Bắc Hải Vân mà lòng buồn rượi, tự hứa một ngày không xa sẽ chạm tay vào cái ngôi sao nho nhỏ đó - ngôi sao mà mỗi người dân Việt gọi là trái tim được gắn trên bản đồ yêu thương.
Hà Nội trong mình vẫn rất quen, không lạ chút nào. Quen, bởi vì mình rất thích đọc sách viết về Hà Nội, để hiểu thêm về vùng đất ngàn năm văn hiến, hiểu thêm về lịch sử, văn hoá và những thăng trầm của thủ đô.
Mình thích lưu giữ những hình ảnh, bài viết về Hà Nội xưa và rất thích thú với những tấm ảnh về 36 phố phường. Ảnh tháp Rùa rêu phong, cổ kính luôn mang đến cho mình cảm giác thật yên bình, thư thái.
Rồi hồ Gươm, tượng Lý Công Uẩn hay khu di tích Hoàng Thành Thăng Long... như đưa lịch sử đến gần với mình hơn.
Càng ngắm, càng cảm nhận được một điều: hồn phách dân tộc hàng ngàn năm qua như hoà quyện vào trong từng di tích đó. Thật linh thiêng!

Chạm tay trọn vẹn

Hà Nội có rét cắt da và cũng có nắng như đổ lửa. Đó là mình chỉ nghe qua dự báo thời tiết trên tivi thôi, chứ mình chưa biết bao giờ. Bởi thế, mới có bài hát Gửi nắng cho em mà nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc từ bài thơ của nhà thơ Bùi Văn Dung với những ca từ, giai điệu thật yêu thương.
Nắng thì không thể gửi đi được nhưng tấm lòng, sự sẻ chia và tình yêu của người với người thì không thời gian và không gian nào có thể ngăn cách. Mà hình như nắng ở miền Nam cũng không giống nắng ngoài Hà Nội, nắng trong Nam hiền hoà hơn, không gay gắt và oi nồng như ở ngoài ấy - một người Hà Nội đã nói với mình như vậy đó.
Mấy năm gần đây, những loài hoa trái và thức ăn ở Hà Nội cũng đã góp mặt khắp phố phường Sài Gòn rồi. Người xa quê sẽ đỡ nhớ quê. Còn những người chưa một lần ra Hà Nội như mình thì cũng có cơ hội để ngắm nhìn, để cảm nhận một Hà Nội đang hiện diện ở vùng đất phương Nam đầy nắng gió này.
Hình như cúc hoạ mi cũng đã vào Sài Gòn rồi thì phải! Mình cũng có thấy nhưng chưa có dịp mua về nhà để ngắm và nâng niu cho thoả thích. Mình nghĩ, dù cúc hoạ mi có trồng được ở Đà Lạt hay ở những vùng miền có khí hậu thích hợp đi chăng nữa thì nó cũng không đẹp bằng được trồng và khoe sắc ở Hà Nội. Bởi cái hồn thâm trầm của phố cổ đã thấm vào đất, nuôi lớn từng cây hoa, nụ hoa.
Cuối cùng, lòng mình vẫn đau đáu đến một ngày được ra Hà Nội để thăm cậu họ. Để ngắm nhìn bốn mùa ở Hà Nội bằng những cảm xúc chân thật nhất.
Để chạm tay vào cúc hoạ mi một cách trọn vẹn. Để mãi mãi là người con của “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” như lời của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ trong bài thơ Nhớ Bắc.
Giọng thơ trầm buồn, da diết như những lời tâm sự khoắc khoải của những người con xa quê khi nhớ về cội nguồn xưa...
Chỉ mong như vậy thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.