Gửi Hà Nội nỗi nhớ cao nguyên

10/02/2021 18:38 GMT+7

Vẫn là một Hà Nội bình yên, ấm áp, thân thuộc trong lời kể của cha mẹ. Trở về Hà Nội, tôi như trở về với một phần máu thịt của mình.

Vùng quê thứ hai của người Hà Nội

Bốn mươi năm, quãng thời gian có thể đong đếm bằng năm, bằng tháng, bằng ngày, thậm chí bằng giờ, bằng phút. Nhưng những nhớ thương giăng mắc suốt chiều dài thời gian ấy thì biết lấy gì đong đếm được!
Tôi sinh ra giữa mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió. Nơi những vạt đồi cà phê nằm bên nhau trải dài mướt tầm mắt. Nơi mà mưa nắng cũng nồng nàn, tha thiết và nhiệt thành. Lâm Hà - tên mảnh đất nằm cách thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng 40 cây số được ghép từ hai địa phương ở hai miền đất nước - Lâm Đồng và Hà Nội.
Chẳng biết có phải bởi vậy mà có một câu chuyện vui mọi người thường nói với nhau, những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây nguyên này dù ông bà, bố mẹ là người miền Bắc, người miền Trung hay người miền Nam, là người miền xuôi hay người miền ngược thì đều nói giọng Hà Nội. Và họ thường tự hào giới thiệu với những người khách phương xa ghé thăm rằng “Đây là quê hương thứ hai của người Hà Nội”.
Quê hương thứ hai của Hà Nội. Đó không chỉ là những tên xã: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng... Những cái tên chứa đựng biết bao nỗi niềm thương nhớ của lớp thanh niên thủ đô ưu tú hơn 40 năm trước đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xếp bút nghiên, rời xa gia đình để đi xây dựng vùng kinh tế mới tại nơi hoang vu, rừng thiêng nước độc. Những cái tên gói ghém bao tình yêu với quê hương, nguồn cội, nâng niu theo mỗi bước chân khai phá miền đất mới.
Những cái tên thương mến ấy có lẽ trong những ngày mưa núi dầm dề hay những ngày sương mù phủ kín những vạt đồi đất đỏ hoặc những ngày buôn buốt ngọn gió cuối năm gợn lên trong lòng nỗi buồn xa xứ đã giúp họ vơi đi bao niềm thương nhớ quê nhà. Hàng ngàn người con của thủ đô năm ấy đã viết tiếp trang sử hào hùng của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, viết tiếp những bước chân mở cõi của cha ông.

Trở về Hà Nội, tôi như trở về với một phần máu thịt của mình

Ảnh Lưu Quang Phổ

Trên mảnh đất xa xôi cách Hà Nội hàng ngàn cây số, chỉ bạt ngàn rừng hoang, những người con gái, con trai thành phố bằng lòng nhiệt huyết và khát vọng của tuổi trẻ đã xung phong làm những công việc gian nan và nguy hiểm nhất, từ phá núi, mở đường, khai hoang, làm nhà và chống tàn quân Fulro. Biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu đã thấm xuống mảnh đất cao nguyên này, biết bao người đã dành hết cả tuổi trẻ, hiến dâng xương máu để xây dựng nên một quê hương mới của Hà Nội giữa lòng cao nguyên hùng vĩ. Những điều ấy nhắc nhở chúng tôi - những con cháu của lớp thanh niên thủ đô năm ấy phải sống xứng đáng với quê hương, nguồn cội, với mảnh đất ngàn năm thanh lịch, nơi cha mẹ chúng tôi đã được sinh ra và lớn lên.

Nếp sống Hà Nội

Nỗi niềm thương nhớ đâu chỉ ở những tên đất, tên đường, tên trường. Niềm thương, nỗi nhớ còn được truyền qua thế hệ từ sự gìn giữ, lan tỏa những tinh hoa Hà Nội trong nếp sống, nếp nghĩ hàng ngày. Cha mẹ tôi và những thanh niên năm ấy chọn ở lại gắn bó với Tây nguyên đã mang theo những tập quán tốt đẹp, mang theo cốt cách của người Hà thành.
Ấy là cách ứng xử lịch thiệp, nhẹ nhàng, là tính ân cần, sẻ chia, trọng tình làng nghĩa xóm. Ấy là cả những món ăn đậm đà hương vị xứ Bắc. Là sự sum họp, quây quần những ngày Tết, thăm hỏi nhau, ôn lại những kỷ niệm về quê hương, bảo ban con cháu luôn nhớ về gốc gác, nguồn cội. Là tinh thần hiếu học của đất kinh kỳ nên mặc dù ăn chưa no, mặc chưa ấm, bao nhiêu gian khổ, nguy hiểm rình rập vẫn quyết tâm xây dựng trường lớp cho con em được đến trường, được học chữ.
Tôi mang theo nỗi nhớ, mang theo tình yêu Hà Nội nồng nàn của cha mẹ mình, của vùng đất đã chắt chiu những đắng, cay, ngọt, bùi trải suốt chiều dài hơn bốn mươi năm, từ thủa những bước chân đầu tiên đi xây dựng vùng kinh tế mới cho đến khi trở thành quê hương thứ hai của những người con Hà Nội trở về.
Lần đầu trở về nhưng sao thân thuộc quá. Vẫn là một Hà Nội bình yên, ấm áp, thân thuộc trong lời kể của cha mẹ. Trở về Hà Nội, tôi như trở về với một phần máu thịt của mình. Tôi ngồi bên những quán nhỏ bên phố, lắng nghe nhịp đời hối hả trôi qua. Tôi lặng ngắm hồ Gươm trong một sớm mùa đông lạnh lẽo nhưng lại thấy lòng mình ấm áp bởi được bước trên mảnh đất cha ông. Tôi ngắm những tòa nhà cao tầng biểu tượng cho sự phát triển để thấy lòng mình rưng rưng vì Hà Nội chưa bao giờ quên một phần máu thịt của mình ở Tây nguyên. Bệnh viện đa khoa huyện, trung tâm văn hóa huyện, những trường học khang trang được xây dựng từ sự sẻ chia của người dân Hà Nội, từ kinh phí đầu tư của Hà Nội.
Sợi dây kết nối thiêng liêng và bền bỉ trải dài hàng ngàn cây số, trải dài suốt hơn bốn mươi năm và sẽ còn xa hơn nữa, nối dài qua các thế hệ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.