Hà Nội mong ngày bình thường trở lại

19/04/2020 07:53 GMT+7

Những ngày giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 được gia hạn càng khiến nhiều người nhớ buổi cà phê, cốc trà đá với bạn bè của bao ngày bình thường.

Ngày vắng, ngày thiếu

Biên đạo múa Trần Ly Ly đã kết thúc chùm nhật ký 15 ngày giãn cách xã hội của mình. Mỗi ngày, chị lại nhích dần một chút tới việc quen với đời sống chỉ ở nhà, không có những buổi tập luyện múa toát mồ hôi đông người ở nhà hát. “Hôm nay, một ngày nắng đẹp đến nao lòng. Mình nhớ hồi đi học xa cũng cái nắng này làm nỗi nhớ cứ man mác và trong veo. Nhật ký mười lăm ngày không phải để tổng kết mà để chiêm nghiệm một khoảng thời gian đặc biệt”, Ly Ly viết. Nhưng hơn hết, cô mong những ngày đặc biệt này qua đi để bạn bè cô lại cùng nhau múa, cùng nhau hẹn hò cà phê sáng ở quán ngay sân nhà hát.
Nhưng, cũng có người không viết nhật ký mà chỉ mong nhớ trong lòng. Anh Minh (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn giữ nếp tự nghiên cứu ở nhà, thỉnh thoảng mới lên cơ quan. Trước kia, sáng sáng, anh lại ngồi trà đá với bạn hàng xóm khu tập thể. “Vợ chồng anh ấy bán trà đá. Tôi là hàng xóm khác tầng của khu tập thể. Chúng tôi chào nhau, nói chuyện nhà cửa, chuyện đi chợ bữa trưa vào buổi sáng. Chừng chục phút thôi nhưng quen thế lâu năm rồi. Giờ giãn cách thấy nhớ ra phết”, anh Minh nói.
Trong khi đó, chị Hoàng Quyên (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) lại “tám” với bạn bè cấp 2 trong nhóm chat nhiều hơn. Nội dung không thiếu mảng ngành nào của đời sống: nấu nướng, giặt giũ, các ca nhiễm Covid-19, vận động chia sẻ 3A để ủng hộ trẻ tự kỷ... Nhưng họ vẫn thấy chưa đủ. “Chúng tôi chat với nhau nhiều hơn xưa dù trước dịch chúng tôi cũng vẫn chat với nhau hằng ngày. Bạn bè hơn 30 năm rồi. Nhưng chúng tôi cũng hẹn tụ tập ngay khi “hòa bình lập lại”. Chưa bao giờ lại thấy cần gặp người khác đến thế”, chị Quyên nói. Nhóm bạn cũng gom 4 sinh nhật chưa được tổ chức vì cách ly thành một lễ lớn. Chắc chắn họ sẽ có nhiều điều để hỉ hả, xuýt xoa.

Tay nắm lấy bàn tay

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp vừa hoàn thành sự kiện Se sẽ chứ 2020 online. Đây là sự kiện kỷ niệm sinh nhật nhà thơ Lưu Quang Vũ. Ở đó, bạn bè của bà cùng nhau ghi âm, ghi hình, chép lại thơ ông Vũ đưa lên mạng. Sự kiện thu hút và giàu cảm xúc. Tuy nhiên, so với Se sẽ chứ của năm ngoái, sự cảm động cũng hạn chế hơn. Thiếu mất cảm xúc “tại trận” khi NSND Hoàng Dũng đọc thơ ông Vũ và nghẹn ngào khóc. Cũng thiếu mất cảm xúc của hai vợ chồng nghệ sĩ Hương Bông - Đỗ Kỷ về những ngày xưa kịch Lưu Quang Vũ... “Gặp nhau trực tiếp cho ta những cảm xúc khó tả”, bà Điệp nói.
Ở Hà Nội, việc gặp nhau trực tiếp dường như có nhiều chỗ “dung chứa”. Quán xá với nhiều phong cách: quán đậm nét bao cấp, quán với đủ mây tre đan và những chiếc ghế đệm bọc vải hoa, quán với những bộ ghế lim từ những năm 1980 trong không gian nhà Pháp cổ, quán ngay dưới tán sấu rộng cứ mùa hoa lại trắng xóa và thoang thoáng vị mát. Ngay cả thực đơn đồ uống cũng vậy. Bạn sẽ đến Giảng vì cà phê trứng, đến Lela vì thèm một cốc trà quất thơm lựng bàn tay, đến quán sinh tố trên đường Quang Trung để uống một hơi cốc cóc ép chua ngọt rụt cả lưỡi... Những người bạn lâu năm đều biết các sở thích này của bạn. Vì thế, bạn bè gặp nhau ở Hà Nội là gặp nhau để cùng ôm ấp những sở thích giống nhau.
Có lẽ cũng vì thế mà Facebook có một trend vui - lên kế hoạch hậu dịch. Khi Covid-19 kết thúc, tôi sẽ đi ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, cà phê và nhậu với ai. Bạn chỉ cần chép đoạn văn đó, rồi thêm @ vào sau mỗi dòng kế hoạch, tên người bạn nào đó sẽ hiện ngay ra. Facebook hoạt động bằng thuật toán. Có thể người được chọn chính là người lần lượt có thứ tự tương tác lớn nhất, nhì... trên mạng xã hội này với bạn.
Cuộc sắp xếp những người hay cùng chia sẻ trên mạng ấy cũng là một lần nhắc đến những cuộc gặp mặt vô bổ. Khi không gian hẹp lại chỉ trong nhà, thời gian để tiếp xúc ngắn lại, người ta dễ thấy mối quan hệ nào thực sự chân tình. Sau này, các cuộc gặp cho công việc vẫn tiếp tục, nhưng nó sẽ được cân đối hơn với những cuộc gặp chỉ vì tình thân.
Nhưng với người ở xa về nước, thời gian này hẳn còn hơn cả mong nhớ, bồi hồi. Cảm giác vừa về, muốn gặp bạn bè nhưng lại không thuận lợi kéo theo bồi hồi đó. Nhớ bạn ngay khi mình và bạn đang cùng ở đây. Nhà văn Trương Quý cũng đang trong tình trạng đó, trở về từ Thái Lan, việc giãn cách xã hội phòng, chống dịch khiến ông không thể gặp trực tiếp nhiều bạn bè như những lần trước. “Tôi nghĩ thời gian này làm dậy lên khát khao offline của mọi người. Nó đem lại những cảm xúc mà giao tiếp trên mạng không có, cũng không thể thay thế được”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.