Hà Nội đang mốt “trà đạo”

10/12/2016 08:58 GMT+7

12 giờ trưa, quán trà rộng chỉ 50 m2 ở đầu đường Nguyên Hồng (Hà Nội) đông nghịt khách, người thì thầm nói chuyện, người dựa vào tường chợp mắt...

Đường Nguyên Hồng dài chưa tới một cây số, đã có tới ba quán trà như vậy. Những quán khác ở đường Trần Nhân Tông, Khương Trung, Ngô Tất Tố… cũng tấp nập tương tự. Khách buổi trưa chủ yếu là dân văn phòng, buổi tối phần lớn là giới trẻ.

Cũng có những gia đình gồm cả ông, bà, bố, mẹ, con nhỏ cùng đến quán. Chị Nguyễn Thị Loan, nhân viên giám sát quán Trà Hoa ở đường Nguyên Hồng cho biết: buổi tối, khách đông, bàn phải kê thêm đến nỗi nhân viên bưng trà không có lối đi.

Những tưởng trà chỉ dành cho người có tuổi, nhưng khách đến các quán "trà đạo" chủ yếu là người trẻ. Vào một quán trà trên đường Khương Trung lúc 20 giờ, chúng tôi thấy hơn 60 bàn đã gần kín. Có người đến quán trà vì không gian đẹp, yên tĩnh.

Có người muốn tìm một địa điểm “không quá ồn ã như quán café, bình dân vừa phải, quý tộc vừa phải” như lời Thu Giang, cựu sinh viên ĐH Ngoại thương. Nhưng cũng có nhiều người đua theo “trào lưu” khi đến quán để chụp vài kiểu ảnh bên tách trà, đưa lên Facebook cùng vài câu triết lý để thể hiện mình là người sống sâu sắc. Kim Hương, (20 tuổi, sinh viên năm 3 Học viện Ngân hàng) vừa tải lên trang cá nhân một chùm ảnh chụp tại quán trà và thành thực nói: “Mình cũng tập uống đôi lần nhưng không chịu nổi vị đắng, dù đã gọi trà có vị ngọt. Đến đây chủ yếu để chụp ảnh thôi”.

Những quán trà trên khẳng định mình có phong cách Đài Loan, Nhật Bản đến trà Việt và thường có ba loại: trà ấm, trà tách, trà thảo mộc. Trà thảo mộc là trà ướp hương sen, nhài, cúc… trà tách pha chế theo công thức riêng của từng quán, gồm trà tàu cộng thêm vài vị thuốc như táo tàu, kỷ tử, quế, long nhãn, cam thảo. Riêng với trà ấm, khách có thể gọi ấm to, nhỏ để độc ẩm (một mình), đối ẩm (hai mình) hoặc quần ẩm (nhiều mình) theo cách gọi và cũng là “hướng đạo” của bản quán. Giá trà ấm từ 50.000 - 70.000 đồng/ấm. Trà tách, trà thảo mộc 25.000 - 30.000 đồng/tách. Ngoài ra, các quán cũng có nước chanh, cam, café…

Các quán trà ở Hà Nội đều cố tạo ra một phong cách riêng nhưng điểm chung dễ thấy là thiết kế theo kiểu ngồi bệt, trang trí bằng những gam màu trầm với thư pháp và các đồ vật bằng tre, gỗ, mở nhạc không lời hoặc nhạc Trịnh Công Sơn.

Tại quán Nghiêm Hoa Trà ở đường Chùa Láng, chủ quán Lương Đình Khoa cho biết, khách gọi trà ấm nếu có yêu cầu sẽ được nhân viên biểu diễn nghệ thuật pha trà tận bàn, hướng dẫn thưởng trà đồng thời giới thiệu về văn hóa trà đạo. Nhiều khi khách đông, chính những khách quen lại đứng ra pha trà cho những người mới đến. Một số quán trà còn kết hợp bán cơm văn phòng, cơm chay vào buổi trưa hay tổ chức những lớp học thiền, học bấm huyệt, pha trà đạo miễn phí, một vài quán đôi khi còn biểu diễn cả ca trù, quan họ... để chiêu khách.

Tuy nhiên, dù gọi là “trà đạo”, nhưng chất lượng như thế nào thì khó xác định. Tại quán trà trên phố Khương Trung kể trên, người viết bài đã phải uống tách trà rót ra nguội ngắt vì nước không đủ nóng. Cũng đừng đến đây vào cuối tuần, khi đó, tiếng đàn ghita, violon sẽ chìm nghỉm giữa tiếng nói chuyện, cười đùa nhộn nhạo.

Sự xuất hiện của những quán trà giữa Hà Nội ngày một ồn ã cũng như sự đón nhận của giới trẻ với trà là điều đáng quý. Tuy nhiên, nếu đây là một “phong trào” thì lại là điều không nên chút nào.

Tịnh Tâm

>> Cải lương vào phòng trà
>> Chỉ tại trà
>> Trà đen giúp giảm nguy cơ bị tiểu đường
>> Trà đen có ích cho người đái tháo đường?
>> Trà xanh tốt cho phụ nữ lớn tuổi
>> Bí quyết khỏe đẹp với trà thảo mộc
>> Quán trà chanh im lặng
>> Táo, hành, trà xanh giúp ngăn ngừa máu vón cục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.