Góc nhìn của tuổi 17 về chiến tranh

14/08/2014 03:00 GMT+7

“Triển lãm là góc nhìn của tuổi 17 về chiến tranh. Thông điệp đầu tiên của nó chính là trách nhiệm xã hội với nỗi đau hậu chiến”, GS Phan Huy Lê nói về triển lãm Đi qua chiến tranh.

 
Người phụ nữ này đã khóc khi nói về ước mơ của mình - Ảnh: BTC cung cấp

Khi Phương Minh, nữ sinh lớp 12 chuyên Anh Trường Hà Nội - Amsterdam cùng nhóm bạn đến nhà, người phụ nữ Quảng Trị 70 tuổi lảng tránh. Đã 50 năm nay bà không có khách tới thăm. Người phụ nữ ấy bị tai nạn bom mìn khi mới 14 tuổi. Bà trở nên lặng lẽ hơn từ ngày đó. Nhưng câu chuyện của bà giờ đã được chia sẻ để nhiều người đồng cảm tại triển lãm Đi qua chiến tranh, diễn ra từ 11 - 17.8 tại 61 Tràng Tiền, Hà Nội.

Lúc đầu bà cười rất ngại ngùng. Sau đó khi thấy mọi người quan tâm thì bà cảm động và khóc. Câu chuyện sau đó cởi mở hơn. Bà kể chuyện mình, sau tai nạn chuyển về sống với em, họ nuôi bà đến bây giờ. Bà còn cho các cô học trò xem vết thương của mình nữa.

Kỳ nghỉ hè 2014 của nhóm 11 học sinh chuyên toán, lý, Anh, văn Trường Hà Nội - Amsterdam đã diễn ra như thế. Họ xin tài trợ của Quỹ Ams Connect - một quỹ phi lợi nhuận của các cựu học sinh trường này - cùng với tiền của bố mẹ cho để đi một chuyến đến Quảng Trị gần một tuần. Sau đó, từ 1.500 bức ảnh, các em chọn 50 bức để làm triển lãm Đi qua chiến tranh. Các bức ảnh sẽ được bán để gây quỹ ủng hộ những con người thiệt thòi này.

Có nhiều câu chuyện hậu chiến được kể. Bà Nguyễn Thị Hằng đi du kích, đến năm 25 tuổi thì phát hiện mất kinh. “Lúc đấy thì cũng biết là không chồng không con gì được. Sau này đi khám mới biết bị nhiễm chất độc da cam”, bà kể lại. Câu chuyện đó được ghi, được giới thiệu trong triển lãm cùng với bức ảnh của bà. Ông Dương Bá Thiện, nạn nhân bom mìn, lại chia sẻ việc đi tháo gỡ bom mìn với đồng đội ra sao. Hoàng Văn Đức, nạn nhân bom mình, người có khi đau nhức vết thương đến mức không ăn uống, nằm liệt ba ngày ba đêm trên giường. Ông Đức có một xưởng gỗ cùng với con trai. Người con trai kể rằng, ông không kêu đau, chỉ nghiến răng khi trở trời.

“Các cháu ở đây sinh ra vào năm 1997, khi chiến tranh đã qua hơn 20 năm rồi. Sinh ra hoàn toàn trong hòa bình, lại học ở một trường nổi tiếng, trên con đường lập nghiệp thênh thang nhưng các cháu vẫn nghĩ đến hậu quả của chiến tranh”, GS Phan Huy Lê, người cắt băng khai mạc triển lãm, nhận xét.

Cũng theo GS Lê, các học sinh quan tâm đến những vết thương ngay trong cuộc sống hiện tại, các cựu chiến binh bị thương, các nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ nhất, thứ hai. GS Lê cũng nhắc đến câu chuyện học sinh không yêu môn lịch sử. Đó là một sự thật không thể chối cãi. Nhưng ở đây, lịch sử đã trở thành những câu chuyện trải nghiệm của cá nhân. Từ đó, những người trẻ tìm thấy lịch sử của riêng mình.

Trinh Nguyễn

>> Triển lãm ảnh Hoàng Sa, Trường Sa, biển đảo Việt Nam
>> Phát động Triển lãm Ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 2014
>> Festival Huế 2014: Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế - VN13
>> Cần Thơ: Triển lãm ảnh thành tựu 10 năm
>> Triển lãm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.