Giường cưới gỗ xoan đào - Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy

08/08/2021 06:25 GMT+7

“Này là của hiếm đó chú. Trên đời có một không hai”. Người trai, chừng hai nhăm, ba mươi tuổi, gầy gò, hai mắt trũng sâu, đôi môi thâm xịt nhưng gương mặt lại rất lanh lợi nhìn tôi cười cầu tài.

“Ờ thì, nói chung là những sản phẩm thủ công đều có một không hai cả, vì người thợ, đặc biệt là nghệ nhân làm ra chúng đều để tâm tư tình cảm và tài năng của họ vào mỗi sản phẩm riêng biệt, không như máy móc, in và đúc hàng loạt giống hệt nhau”. Tôi nhìn lại chàng trai, mắt đối mắt, tự tin. Chàng ta hơi bối rối, dường như cố lảng tránh ánh mắt tôi.
“Vâng, chính thế con mới nói nó rất giá trị. Con nghe bảo sau khi đóng chiếc giường này, người thợ mộc hộc máu tươi mà chết, vì kiệt sức”.
Tôi - “người thợ mộc hộc máu tươi chết, vì kiệt sức” - nhếch mép cười, tay khẽ lướt một vòng lên thành giường, nơi đôi chim phượng hoàng tuyệt đẹp, tinh xảo và sống động đến mức bất cứ lúc nào nhìn chúng, và ở góc nhìn nào, chúng đều như đang nhảy múa trong tiếng nhạc khi tưng bừng, khi du dương, giai điệu mà bất cứ cặp đôi yêu thương nhau nào cũng đều mong được dìu nhau đến bến bờ hạnh phúc. Lướt theo cặp chân dài của con phượng, tôi dừng tay nơi vết nứt ngang một bên chân nó. Vết nứt dường như không để lại dấu, vẫn mờ mờ một nét thâm nâu… Chạm vào vết nứt mong manh trên thân gỗ, trái tim tôi khẽ nhói đau, như một mạch máu li ti nào trong đó ngưng chảy.
***
Mỗi năm, vào mùa chim kết đôi xây tổ, là chúng tôi, lũ trẻ trai trong làng hay tụ tập kéo nhau lên những đồi xoan đào tìm bắt chim non về nuôi. Lũ chim từng tan nát gia đình sẽ rút kinh nghiệm, không năm nào chúng làm tổ trên cái cây đã từng bị phá. Chỉ có cây xoan đào của Khô là năm nào cũng có tổ chim, có khi tới ba, bốn tổ liền. Bởi vì, Khô không bao giờ cho phép ai đụng đến cái cây yêu quý của anh.
Xoan đào không phải là loại gỗ cực quý hiếm, nhưng ở làng tôi, chúng được trồng rất nhiều, và mỗi người đàn ông sinh ra từ làng đều có cho riêng mình một cây xoan đào. Người già nói rằng sở dĩ xoan đào được ưa chuộng trong việc đóng đồ gia dụng, đặc biệt là giường tân hôn, là vì nó đã đi vào thế giới truyện cổ tích. Trong truyện cổ Tấm Cám, cô Tấm chẳng từng hóa thân thành cây xoan đào đấy thôi. Mà Tấm Cám là câu chuyện tình yêu không cần môn đăng hộ đối, không phân biệt giai tầng trong xã hội. Mọi cô gái đẹp người đẹp nết trong nhân gian đều có cơ hội trở thành vợ vua. Nói xa hơn, đó là khát vọng một cuộc hôn nhân bình đẳng, tự do, không do ràng ép mà thành.
Phá hoại gia đình những con chim làm tổ trên những cây xoan đào là sở thích chung của lũ trẻ trai trong làng. Và chúng nó cũng chẳng cần quan tâm tới những câu chuyện cổ tích.
Năm bốn mươi tuổi, anh Khô tôi mới cưới vợ. Ngày cưới, anh hạnh phúc đến nỗi sau khi dâu rể đã thắp hương vái gia tiên, mặc bạn bè vẫn đang tiệc tùng, anh kẹp một chai rượu vào nách, leo lên đồi ngồi dưới gốc xoan đào để uống. Vừa uống vừa khóc, như không thể tin mình đang được tận hưởng cái niềm hạnh phúc khó tin này. Mẹ tôi bảo con Nhuần đẹp gái, trẻ thế mà chịu cưới thằng Khô thì chắc có vấn đề. Bố tôi bảo vấn đề hay không kệ nó, con mình cưới được vợ là tốt lắm rồi.
Đêm tân hôn của họ, mẹ tôi trằn trọc. Bà cứ hết đi vào phòng ngủ lại đi ra phòng khách. Cuối cùng, không dằn lòng được, bà ghé tai vào vách tường buồng cưới của con trai, nghe ngóng. Ở làng tôi, mọi chiếc giường tân hôn đều có hai thanh giát được cắt dài hơn số còn lại, nó trồi ra, chạm khít với thành giường, nên hễ có chuyển động là nó kêu lên cọt kẹt như tố cáo, như trêu ngươi. Rồi tuồng như chẳng nghe thấy động tĩnh gì từ… chiếc giường, bà vòng ra vườn ngó qua khe cửa sổ rồi ngồi giữa nhà khóc, bảo con dâu nó không cho thằng con trai bà ngủ trên giường. Thằng bé đang co quắp dưới nền nhà kia.
Cũng sau đám cưới ít lâu, bố tôi xây cho họ một ngôi nhà nhỏ, chắc chắn và ấm áp ở ngay miếng đất vườn cắt ra. Nghĩa là Nhuần vừa về làm dâu nhưng ngay lập tức được tự do, ăn riêng, ở riêng, không phải ý tứ với bố mẹ và em chồng. Mẹ tôi giãy nảy: “Nó đã làm gì được cho cái nhà này mà ông chiều nó quá thể thế? Sao ông không thương tôi ngày xưa trầy da tróc vảy với nhà chồng, mười mấy năm trời mới được ở riêng?”. Bố tôi chỉ nhỏ nhẹ: “Bà lấy tôi trẻ khỏe lành lặn, chứ thằng Khô nhà mình… con dâu nó cũng thiệt thòi”.
... Ngày ngày, mới sáu rưỡi, bảy giờ sáng tôi đã thấy anh Khô bước thấp bước cao sang xưởng mộc ở đầu làng để làm việc. Làng tôi, hầu hết các gia đình có người làm thợ mộc. Họ tụ tập thành các cánh thợ, cùng nhau đi khắp thiên hạ mưu sinh. Số khác thì mở xưởng tại làng, và bố tôi cũng vậy. Vốn dĩ bố muốn cả hai anh em tôi đều thành thạo nghề mộc. Nhưng, khác với đám bạn cùng lứa, hai mươi tuổi mà Khô vẫn bé tẹo như đứa trẻ mười ba, yếu ớt, lẩy bẩy. Thế là bố tôi phải đau đầu, ngày đêm tính kế sinh nhai cho thằng con trai. Một hôm, vô tình thấy Khô chạm khắc một con trâu lên miếng gỗ bỏ đi, mắt ông sáng rực, quyết định gửi Khô đi học nghề chạm trổ. Con trâu định mệnh đó sinh động, có hồn, như thể nó đang rất thảnh thơi hóng tiếng sáo diều trên đồng cỏ mênh mông.
Khô về nhà, trở thành thợ chạm trổ giỏi nhất làng sau mấy năm vất vả học nghề. Ở các vùng lân cận, người ta chuộng nhất việc đặt đóng giường cưới ở xưởng nhà tôi, bởi chiếc giường cưới nào cũng được chạm khắc một đôi phượng hoàng. Đôi chim đẹp lộng lẫy quấn quýt nhau ở đầu giường cưới. Con chim trống là phượng, con chim mái là hoàng, chúng là biểu tượng của hạnh phúc vĩnh hằng. Và người khiến cho đôi phượng hoàng nhảy múa trong đêm tân hôn của những đôi vợ chồng trẻ, chỉ có thể là Khô.
Nhưng, đóng hàng trăm giường cưới cho thiên hạ, thì khi đám cưới con trai cả, bố tôi lại chẳng đóng cho nó cái giường cưới nào. Chạm trổ hàng trăm đôi chim phượng hoàng cho giường cưới của thiên hạ, Khô lại chưa từng làm thế cho mình. Và cây xoan đào của Khô trên ngọn đồi sau nhà chưa hề có trong kế hoạch của đám cưới năm đó. Tất cả chỉ vì Khô đòi cưới Nhuần quá bất ngờ. Và cũng quá bất ngờ là Nhuần lại chịu làm vợ Khô.
Tầm bảy tháng sau ngày cưới, Nhuần sinh con trai. Gia đình tôi đón đứa cháu đầu tiên với thái độ vừa phải. Tôi thường gặp ở chị dâu thái độ thẫn thờ, như chị ta đang sống trong khắc khoải đợi chờ ai đó. Vốn thương con trai yếu ớt, vụng về, mẹ tôi hay hỏi thăm chuyện phòng the chăn gối. Nhuần thường bắn một cái nhìn khinh bỉ không giấu giếm về phía chồng. Mẹ tôi vì thế mà càng ấm ức. Mỗi lần ấm ức, lại than: “Biết ngay, con đĩ nó chửa hoang rồi mới lấy con mình. Nhưng nó cũng phải biết điều chứ. Đằng này nó dám tỏ thái độ khinh chồng…”.
Thằng cu con lên hai tuổi, ngày nọ Nhuần bế con về nhà ngoại chơi, và nhất định không quay về với chồng nữa. Được mươi hôm, bên nhà đẻ Nhuần thông báo Nhuần bế con bỏ đi, đi đâu không biết. Thế là anh Khô tôi mất vợ. Ngồi trên đồi, dưới gốc xoan đào của mình, anh khóc, bảo tôi: “Anh chẳng giận Nhuần, biết trước sau gì cô ta cũng bỏ anh thôi”.
Hôm sau, vừa sáng tờ mờ tôi đã nghe tiếng máy cưa cầm tay xén xoèn xoẹt vào thân cây. Tức tốc chạy lên đồi, tôi thấy Khô đang đánh vật với cái máy cưa. Khô mồ hôi và nước mắt đầm đìa, còn cái máy thì gào lên ầm ĩ như oan ức lắm. Mà oan ức phải là cái cây. Cây xoan đào bốn mươi hai năm tuổi, đã có biết bao chim non rời nó bay đi.
Cây xoan đào bị đốn hạ, những khúc gỗ thân được xẻ ra, xếp gọn ghẽ và kiêu hãnh trong xưởng. Có vài người đến đặt giường cưới muốn mua nó, Khô từ chối. Sau ngày Nhuần bỏ đi, lượng khách đặt đóng giường cưới ít hơn hẳn. Có lẽ họ nghĩ: Người tạo những đôi chim hạnh phúc cho những chiếc giường hạnh phúc mà còn không hạnh phúc, thì còn biết tin vào hạnh phúc nào nữa. Bố tôi không buồn, vì ngoài giường cưới, ông còn đầy các mặt hàng khác nên việc làm trong xưởng quanh năm không hết. Nhưng Khô buồn. Niềm vui của anh, hạnh phúc của anh chính là chạm khắc những đôi chim phượng, những đôi chim hạnh phúc.
***
Một buổi sáng Tuấn đến xưởng chúng tôi chơi. Tuấn là bạn học với tôi từ mẫu giáo. Khác với đám thanh niên làng, đi học về là sà vào bào, đục, đánh vecni, Tuấn chẳng phải động tay vào việc gì. Nhà Tuấn không làm mộc, mà buôn bán, thứ gì mua rẻ mà bán đắt được là bố con Tuấn nhảy vào. Nhưng, Tuấn lại rất mê nghề mộc. Những buổi trưa mùa hè dài dằng dặc, nếu không đi lùng bắt tổ chim thì Tuấn hay đến xưởng chơi với tôi, ngồi bệt xuống cái đám vỏ bào và cài cái bút chì lên vành tai, y như một chú thợ mộc thực thụ.
Con nhà giàu, lại ăn chơi có tiếng, nhưng Tuấn chưa muốn ràng buộc với ai. Lần đến chơi bất ngờ này, Tuấn bảo muốn đặt xưởng đóng cho một chiếc giường cưới bằng gỗ xoan đào. Thế là cuối cùng cậu ta đã chịu cưới vợ.
Được thôi. Trước nay gỗ xoan đào thường được dùng để đóng giường cưới, nhất là ở cái làng này, bao quanh nó là những quả đồi trồng toàn xoan đào. Và, mỗi đứa trẻ trai chào đời, đều được bố nó trồng cho một cây xoan đào, dành mười tám, hai mươi năm sau sẽ dùng gỗ đó đóng thành cái giường hạnh phúc cho chính nó. Trong làng, ít có cây xoan đào nào ngoài bốn mươi năm mới bị chặt hạ như cây xoan đào của anh Khô.
Chỉ là, Tuấn muốn đóng giường cưới từ chính gỗ của cái cây đó.
Tôi đã có cảm giác bất ổn khi thấy Tuấn ngắm nghía súc gỗ bằng cặp mắt thèm thuồng và ranh mãnh. Dù gì, hồi còn nhỏ Tuấn cũng thường theo anh em tôi lên đồi xoan đào sau nhà tôi chơi, từng không ít lần ngồi tựa lưng vào gốc nó mà ngủ gật. Tuấn bảo sẽ trả cho Khô nhiều tiền, nhiều hơn giá trị vốn có của súc gỗ. Tôi nhìn Khô, chắc chắn anh sẽ từ chối. Anh không cần tiền, thứ anh cần thì tiền của Tuấn, dẫu có bao nhiêu cũng không mua được. Với lại, như một giao ước ngầm, những người đàn ông trong làng, không ai bán đi cây xoan đào của mình cả.
Nhưng, Khô bằng lòng.
… “Chiếc giường này, đồ gia bảo, sao cậu bán nó đi?”.
Người trai bặm môi, vẫn tránh nhìn thẳng vào tôi, như thể đang cố che giấu một bí mật.
“Đâu có. Cháu mua lại của thằng bạn”.
“Tại sao bạn cậu lại bán nó?”
Không trả lời tôi ngay, người trai vân vê những ngón tay khô lên thành đầu giường, nơi đôi chim phượng hoàng đang dìu nhau nhảy múa. Đó là mẫu giường cưới của nhiều năm về trước, đầu giường uốn cong hình ô van, chính là nơi để những người thợ mộc được trổ tài chạm khắc chim muông hoa lá, những gì mà khách của họ thích và yêu cầu. Những chiếc giường cưới của xưởng khác thường gắn một chiếc gương lớn ở đầu giường, xung quanh chạm trổ hoa hồng, mẫu đơn hay một đôi chim câu đang cùng cắp một dải lụa mềm, chỉ riêng xưởng nhà tôi là chạm khắc đôi phượng hoàng lộng lẫy, sống động, và không gắn chiếc gương nào. Chính vì thế, giường cưới từ xưởng nhà tôi ra thiên hạ là không thể lẫn vào đâu.
Suốt một tháng ròng Khô đánh vật với đôi chim phượng cho giường cưới của Tuấn, điều mà trước nay Khô chưa từng. Những đôi chim phượng khác cho giường cưới của những đôi khác, Khô luôn hoàn thiện nhanh chóng, với niềm vui lạ lùng, như chính anh đang thể hiện cho hạnh phúc của bản thân. Khô nói, đối với công việc này, tâm tư, tình cảm của người thợ là vô cùng quan trọng. Gửi gắm lòng tin, sự nhiệt thành của bản thân vào sản phẩm, sẽ như gửi được phúc vào đó. Giống như người ta thường chọn những người đàn bà con cháu đầy đàn, ngoan ngoãn lương thiện để trải chiếu cho giường tân hôn vậy. Còn như trong lòng người thợ nhiều bấn loạn…
Thiệt thòi về thể chất nên Khô ít bạn bè, có lẽ Tuấn là người bạn duy nhất của tôi có thân với Khô. Từ cây xoan đào của chính mình đến đôi chim phượng cho giường cưới của bạn có lẽ khiến Khô chịu áp lực.
Có khi, tới ba, bốn ngày liền, đôi chim phượng vẫn dở dang như cũ, Khô đã không chạm vào chúng. Tôi nhìn khuôn mặt buồn nhiều hơn là sự khắc khổ của Khô và ước sao mọi chuyện đã không xảy ra như nó đã từng.
“Ahhh!”.
Khô giữ chặt ngón tay đổ máu ròng ròng và bật một tiếng kêu nghẹn ứ. Lần đầu tiên khi đã thành nghề, Khô để xảy ra một tai nạn trong khi làm việc. Tuy nhiên, tai nạn nhỏ thôi, vết thương vài hôm đã lành, chỉ để lại một vệt lỗi trên một bên chân con phượng. Vệt lỗi đó nhìn thì giống một vết nứt tự nhiên trên thân gỗ, nhưng nó là sơ sẩy của người thợ. Khô có lần bảo tôi: Phượng hoàng là linh vật, có linh khí, nên khi tạo ra chúng, người thợ phải đảm bảo chúng hoàn hảo nhất, tuyệt đối không để lại tì vết. Thường thì, nếu không quá quan trọng, những sản phẩm vướng tì vết như vậy sẽ bị hủy.
Tôi chỉ cười thầm, nghĩ phượng hoàng làm gì có thật, còn con chim có thật mà người ta cũng gọi là phượng hoàng thì trông chán chả buồn bàn.
Thật lạ, sau tai nạn, Khô như lấy lại niềm tin, rất nhanh, đôi phượng hoàng cho giường cưới của Tuấn đã hoàn thành. Chúng đẹp vô cùng, và có cảm giác chỉ cần một điệu nhạc du dương là chúng bước ra đời thật mà nhảy múa.
Ngày giao hàng cho khách, Khô không tham gia như mọi khi, anh đóng cửa ngôi nhà từng lưu bóng Nhuần, chuyển sang sống với bố mẹ và tôi…
***
...“Chú sẽ mua chiếc giường này, như cháu muốn bán, nhưng cháu phải đưa chú đến gặp mẹ cháu”.
Bối rối vô cùng, người trai như muốn hỏi việc mua chiếc giường cũ thì liên quan gì đến việc gặp mẹ cậu ta cơ chứ.
Một ngôi nhà tồi tàn ở ngoài rìa thị trấn được bao quanh bởi đám mướp trổ hoa vàng rực. Người phụ nữ tóc nhuộm đen nhánh đang săm se phơi phóng một vài mẹt lá cây đã chặt khúc gọn gàng. Trước đây, nhà mẹ đẻ Nhuần có nghề thuốc nam gia truyền, hẳn chị ta đã mang nó theo trên đường lưu lạc mấy chục năm qua.
Nhìn chị ta một lúc, tôi quay người bỏ đi. Người trai lại bối rối.
“Sao chú đòi gặp mà lại không gặp? Thế chú có mua không?”.
“Có”. Tôi đáp, ái ngại nhìn người trai. Đứa trẻ này, khi chào đời, những đêm nó ngằn ngặt khóc, Khô đã ôm nó suốt đêm đi lại dỗ dành...
Bây giờ, chiếc giường cưới gỗ xoan đào đó đã ở đây, ngùn ngụt cháy giữa mênh mang khói nghĩa địa, bên ngôi mộ đã được xây đắp cẩn thận với bức ảnh Khô mắt buồn thăm thẳm.
Những người thợ mộc trong làng bàn tán: Bán đi cây xoan đào của riêng mình có khác nào bán đi hạnh phúc. Cơ mà, hạnh phúc của Khô vốn đã ra đi, và thực chất nó chưa hề đến. Người ta cũng chưa ai từng rao bán chiếc giường cưới của mình hay con cháu họ, chỉ chiếc giường này, chiếc giường mà Khô đã đổ vào đó bao tâm huyết và khổ đau.
Năm đó Tuấn chở chiếc giường về, nhưng nghe nói cậu ta lại dùng chiếc giường cưới được đặt mua tận Hà Nội, loại gỗ thượng hạng từ rừng sâu núi thẳm, cũng chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ. Tôi không hỏi điều đó có thực không, và nếu thực, thì chiếc giường cưới gỗ xoan đào của Khô cậu ta đã mang đi đâu. Chỉ là, hai năm sau, một tai nạn giao thông đã khiến Tuấn phải cưa đi một bên chân, cái chân còn lại cũng thành tật.
Tôi nhìn theo những lọn khói lam tỏa bay trên nền trời biêng biếc, một vùng đồi mênh mông bao quanh khu làng đã phủ xanh màu của xoài, bưởi. Những cây xoan đào thanh xuân đã theo ký ức xa rồi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.