Giọt nước mắt ngày xuân

31/01/2017 12:24 GMT+7

Có lẽ Tết năm nay, vở Mơ trăng bóng nước của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh là vở gây ấn tượng mạnh nhất. Tết mà đi coi kịch để… khóc thì lạ thiệt. Nhưng không ngờ, những giọt nước mắt ngày xuân lại ngọt ngào đến vậy!

Dĩ nhiên, trong vở kịch cũng có hài, nhưng cuối cùng Ái Như - Thành Hội cũng chủ trương phải làm cho người ta khóc. Bởi khóc là một thể hiện của sự thấm thía vô cùng tận cõi lòng người ta, để rồi sống mềm mại, tử tế hơn. Và thực ra, nguyên tác truyện ngắn Tình lờ của Nguyễn Ngọc Tư cũng vốn mang chất buồn hiu hắt của nhà văn này. Nỗi buồn của con người và vùng đất phương Nam sao mà ngọt ngào. Hoàng Thái Thanh và Nguyễn Thị Minh Ngọc cùng chuyển thể sang kịch, rồi đến đạo diễn NSƯT Thành Hội dàn dựng, đều rất đồng cảm.
Thật đơn giản là mối tình đơn phương của anh Lược (Quý Bình đóng) với cô Giá (Tuyết Mai) trong một buổi tối đi xem phim ở bãi cát (thời bao cấp, điện ảnh về làng theo kiểu ấy). Ngồi gần nhau trong bóng tối mờ mờ, nói với nhau vài câu ngắn ngủi, anh chỉ nhớ cô có mái tóc dài và là con nhà ông Nhiễu. Thế là nhờ bà mai (Ái Như) se duyên. Vô tình, bà se lộn duyên, đến ngày cưới thì cô dâu lại là cô Gương (Lê Thuý), em ruột cô Giá. Cuộc hôn nhân lỡ làng đã khiến anh Lược cáu bẳn, buồn rầu, thờ ơ với vợ…
Quý Bình và Lê Thúy trong vai một cặp vợ chồng bị bà mai se lộn duyên
Cuối cùng, cô Gương cũng biết hết sự thật, và khi trái tim không chịu đựng nổi sự tổn thương nữa thì cô dứt áo ra đi. Bây giờ anh Lược mới bàng hoàng nhận ra sự chăm sóc của vợ, nhận ra một tình yêu, tình thương lúc nào cũng kề cận bên mình mà mình cứ lãng quên, mãi mơ màng về một hình ảnh không thực. Anh cuống quýt đi tìm vợ. Họ đoàn tụ với nhau trong rất nhiều tình tiết éo le, đúng với tâm trạng, hoàn cảnh như ngoài đời thực.
Ái Như và Thành Hội nổi tiếng là tinh tế trong dàn dựng, tinh tế trong tâm lý con người, cho nên rất nhiều tình tiết trải dài khắp vở kịch thật sự phù hợp. Khán giả của sân khấu này đa số là người trung niên, trải đời, luôn luôn vừa ý với những tinh tế của Ái Như - Thành Hội. Nhất là những phong tục, những nét văn hoá của đất phương Nam thì eo ơi… sân khấu này "rành sáu câu"! Bắt gặp một câu thoại đúng chất Nam Bộ, nghe nó đã gì đâu. Ví dụ, có mấy chục năm rồi mới nghe lại câu “Hứ, toàn nói chuyện Phong Thần!”. Dân Nam Bộ rặt sẽ hiểu câu này, rất sướng. Ý là “nói chuyện trên trời, chuyện hổng có”. Chính những điểm xuyết như thế làm cho sân khấu Hoàng Thái Thanh có nét riêng, đặc biệt.
Quý Bình và Lê Thuý diễn quá hay trong vai vợ chồng Lược-Gương. Quý Bình là một anh kép đáng nể của sân khấu lẫn điện ảnh. Còn Lê Thuý là cô đào mới, nhưng không ngờ lại diễn tốt như vậy. Những đoạn cô vợ vỡ oà nỗi đau khiến khán giả cảm thấy như ai bóp nghẹn tim mình. Bùi ngùi cho thân phận phụ nữ. Bùi ngùi cho một mối tình ngây thơ. May mà họ đoàn tụ, nếu không chắc khán giả nhảy lên… oánh anh chồng. Lê Thuý diễn thấy thương như vậy đó! Diễn sao cho người ta “thương” không phải dễ. Đâu cứ là gào thét, hay khóc lóc, mới khiến người ta thương. Khóc kiểu nào, gào kiểu nào, đau kiểu nào… khó lắm. Nếu không, sẽ bị cho là diễn.
Những vai phụ trong Mơ trăng bóng nước cũng diễn rất tốt
Với Ái Như và Thành Hội, diễn viên phải đủ tinh tế thì mới được “trình làng”. Hai đạo diễn này không chấp nhận sự qua loa. Cho nên, ngay những vai phụ cũng diễn rất tốt, khán giả không bắt bẻ vào đâu được.
Năm nay, vì sự cố kỹ thuật nên Hoàng Thái Thanh chưa về lại Nhà thiếu nhi TP.HCM được, cho nên chỉ dựng duy nhất vở này để diễn Tết. Nhưng xứng đáng. Ái Như tâm sự: “Chúng tôi không tham nhiều. Thà ít vở, mà phải kỹ lưỡng. Các vở cũ vẫn còn đông khách, xếp lịch chen vào cũng được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.