Giới xuất bản, giải trí Việt bức xúc vấn đề thực thi quyền tác giả

12/08/2015 18:55 GMT+7

(TNO) Hội nghị bàn tròn về vấn đề thực thi bản quyền ở Việt Nam đã diễn ra chiều 11.8 tại Trung tâm Mỹ (34 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM).

(TNO) Hội nghị bàn tròn về vấn đề thực thi bản quyền ở Việt Nam đã diễn ra chiều 11.8 tại Trung tâm Mỹ (34 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM).

Số sách First News bị in lậu thu giữ được tại Công ty TNHH in Dương Khánh (Số nhà 28, ngõ 129, đường Trường Định, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào chiều 31/5/2015 - Ảnh: First News cung cấpSố sách First News bị in lậu thu giữ được tại Công ty TNHH in Dương Khánh (Hà Nội) vào chiều 31.5.2015 - Ảnh: First News cung cấp
Tham dự hội nghị bàn tròn có Phó chánh án Tòa án tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg, tiến sĩ Jane Ginsburg (giáo sư luật tại Đại học Columbia), ông Peter N. Fowler (Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ khu vực Đông Nam Á đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok) cùng đại diện của 10 đơn vị xuất bản, các công ty sản xuất phim và truyền hình cáp…
Hội nghị do Tổng lãnh sự quán Mỹ tổ chức với nội dung xoay quanh việc bàn luận về quyền tác giả và các vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan trên thế giới và Việt Nam, cùng những tác động khi vi phạm quyền tác giả.
Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc công ty sách First News bức xúc kể lại những vụ truy lùng tận nơi in lậu sách của công ty mình nhưng khi đưa nhau ra tòa thì vẫn bị “hòa cả làng” bởi sách lậu được cho là mới chỉ bị phát hiện tại nơi in lậu, chưa kịp mang đi tiêu thụ trên thị trường nên phía công ty ông “không bị ảnh hưởng kinh tế” gì.
Bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc công ty sách Chibooks cho biết, năm 2013 công ty bà phát hiện ra nhiều sách điện tử (ebook) của công ty mình được bán công khai trên một trang web. Sau khi “truy ra tận cùng”, bà lại càng kinh ngạc khi được biết Hiệp hội Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam đã ký hợp đồng với một công ty cung cấp dịch vụ làm ebook cho trang web trên với một gói rất nhiều ebook của đơn vị xuất bản với số tiền không nhỏ.
Nhưng điều đáng nói là công ty sách Chibooks nói riêng và nhiều đơn vị xuất bản có sách được bán không hề hay biết gì về hợp đồng trên, cũng như không hề nhận được bất kỳ lợi ích kinh tế gì từ đó. Sau rất nhiều lần đấu tranh gửi công văn cho nhiều bên đòi giải trình, trang web trên mới chịu hạ các ấn phẩm ebook kinh doanh bất hợp pháp của sách Chibooks xuống. Ông Nguyễn Thành Nam - Phó giám đốc NXB Trẻ, cũng thừa nhận giới xuất bản Việt chịu nhiều thiệt hại bởi vấn nạn cả in lậu sách giấy lẫn bị “luộc” trắng trợn ebook.
Ông Lương Công Hiếu - Trưởng phòng phát triển kỹ thuật số của Galaxy Studio, thừa nhận sau khi các phim được công chiếu tại hệ thống rạp sẽ được cất kho, chứ không dám bán cho bất kỳ kênh truyền hình nào hoặc cũng không dám sang in kinh doanh băng đĩa DVD vì sợ phim bị nhanh chóng phát tán lan tràn trên mạng hoặc bị in sang đĩa lậu.
“Rất khó xử lý đối với hành vi vi phạm bản quyền trên mạng internet ở Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - người phụ trách vấn đề tư pháp của Galaxy Studio chia sẻ, “Vì sau khi chúng tôi truy ra được server chủ nơi có trang web vi phạm bản quyền đó, chúng lại lập tức chuyển server đi nơi khác, hoặc thậm chí đặt server ở nước ngoài”.
Ông Trần Đăng Nguyên - Giám đốc Marketing công ty truyền hình cáp K+ không ngớt than thở rằng, họ là nạn nhân của vấn đề vi phạm bản quyền trên mạng.
Tất cả đại diện trên đều hy vọng cùng chia sẻ tìm kiếm ra phương thức hạn chế mức độ thiệt hại khi bị vi phạm bản quyền và học hỏi nhau cách tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.