Giới họa sĩ phẫn nộ về trang web vô tư mời chào bán tranh chép

Lucy Nguyễn
Lucy Nguyễn
13/03/2018 23:39 GMT+7

Sau khi phát hiện ra các tranh chép của mình đang được chào mời đặt mua trên trang web www.xuongtranh.vn, nhiều họa sĩ Việt đã phẫn nộ tố cáo và yêu cầu trang này phải xóa bỏ.

Họa sĩ Đặng Tiến (sinh sống tại Hải Phòng) vào ngày 12.3 đã phát hiện ra nhiều tranh của ông bị chép lại và bán công khai trên trang web xuongtranh.vn với giá rẻ, trong khi tranh gốc vẫn đang nằm tại nhà của họa sĩ. 
Tranh chép tác phẩm của họa sĩ Đặng Tiến bán công khai trên mạng. ẢNH: CHỤP LẠI MÀN HÌNH
Phẫn nộ, họa sĩ Đặng Tiến lập tức viết email cho trang web này yêu cầu phải gỡ bỏ ngay các hình ảnh tranh của ông cùng việc nhận đặt hàng, đồng thời cũng công bố sự việc này cùng các bằng chứng hình ảnh lên trang mạng xã hội cá nhân.
Theo họa sĩ Đặng Tiến, chuyện sáng tác chịu "ảnh hưởng" của nhau là bình thường, nhưng chép tranh thì không chấp nhận được.
Các tranh chép được bán công khai trên mạng. ẢNH: CHỤP LẠI MÀN HÌNH
Sự việc này dấy lên sự quan tâm và bày tỏ thái độ của nhiều họa sĩ cũng như giới chuyên ngành mỹ thuật trong 2 ngày qua. Nhiều họa sĩ lên trang web này kiểm tra và phát hiện tranh của họ cũng bị chép và đưa lên bán, như các họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, Mai Huy Dũng, Hoàng Văn Điểm, Đoàn Đức Hùng...
Cần cương quyết xử lý
Họa sĩ Phạm Hà Hải khẩn thiết kêu gọi Hội Mỹ thuật Việt Nam - cơ quan tập hợp các nhà sáng tác cần chính thức nêu vấn đề tranh chép này ra để phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi các thành phần đồng thời đảm bảo một xã hội có luật và thực thi pháp luật.  "Vấn đề tranh chép ngày càng trở nên phức tạp, lan rộng, tha hóa, nhức nhối và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lực lượng sáng tác, thể hiện một xã hội thiếu lành mạnh, thị trường không minh bạch. Cần vào cuộc ngay, mạnh mẽ, đồng bộ, triệt để mới chấm dứt sự bùng nhùng tai hại này! Để xã hội đạt được văn minh, an toàn và sáng tạo", họa sĩ Phạm Hà Hải nói.
Tranh chép tác phẩm của họa sĩ Mai Huy Dũng được chào bán trên trang. ẢNH: CHỤP LẠI MÀN HÌNH
Nhiều họa sĩ, giới phê bình mỹ thuật đều nhất trí kêu gọi các họa sĩ nạn nhân liên kết lại để xử lý triệt để và tận gốc. Đồng thời Hội Mỹ thuật nên tổ chức một diễn đàn để các nhà quản lý văn hóa, quản lý mỹ thuật, nhiếp ảnh, các nhà phê bình mỹ thuật, các chủ gallery, các nhà tổ chức sự kiện (bày tranh tượng cho các họa sĩ, điêu khắc), các nhà sưu tập và các nhà điêu khắc, họa sĩ tham gia, cùng bàn bạc phương thức, đường hướng giải quyết. 
Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến cho rằng chống lại nạn tranh chép thực sự là vấn đề rất khó vì những người làm việc này luôn bất chấp mọi thủ đoạn và làm vì tiền.
Tràn lan các trang web bán tranh chép, tượng chép
Sau khi bị các họa sĩ đồng loạt phản ứng, ngày 13.3, trang web xuongtranh.vn đã chính thức xóa các hình ảnh tranh chép và đăng tải lời xin lỗi chính thức tới họa sĩ Đặng Tiến và với các họa sĩ khác.
Trang web đã đưa ra lời xin lỗi các họa sĩ. ẢNH: CHỤP LẠI MÀN HÌNH
Theo đó, trang này viết: "Xuongtranh.vn là một dự án start up của nhóm các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp. Nhằm kết nối nhu cầu từ thực tế thị trường với các bạn sinh viên mỹ thuật... Sau khi nhận được phản hồi của họa sĩ Đặng Tiến, chúng tôi đã tìm hiểu lại và nhận thấy công việc của mình là sai. Vì vậy dự án này sẽ tạm ngừng hoạt động và tìm hướng đi mới. Chúng tôi cũng gửi lời xin lỗi sâu sắc tới họa sĩ Đặng Tiến và cộng đồng mỹ thuật Việt Nam. Lời xin lỗi và những hình ảnh sao chép sẽ được giữ nguyên trong hai ngày để chia sẻ bài học với cộng đồng".
Tuy nhiên đây không chỉ là một trang web cá biệt từng bán tranh chép. Đã có rất nhiều trang web và mạng xã hội công khai bán và nhận đặt hàng tranh chép của nhiều họa sĩ Việt vẫn đang sống.
Họa sĩ Đỗ Hồng Hạnh cho biết, cô từng phát hiện được tác phẩm gò đồng của mình đăng bán trên trang web khác ghi rõ giá tiền và đề còn hàng. Khi cô gọi điện thoại tới trang web, xưng là tác giả và yêu cầu gỡ hình ảnh, chủ trang web còn cười và nói rằng giờ họ làm thế đầy ra. Đến khi nữ họa sĩ tiếp tục yêu cầu gay gắt thì hai ngày sau, trang web đó mới chịu gỡ hình ảnh tác phẩm của cô. Từ đó nữ họa sĩ không dám đưa hình ảnh các tác phẩm của mình lên mạng xã hội nhằm tránh sao chép.
Họa sĩ Phạm An Hải cho rằng nạn tranh chép bán công khai trên mạng đang là một thực trạng nhức nhối và các họa sĩ cần tự bảo vệ mình bằng một số cách như: giảm kích cỡ hình ảnh tác phẩm trước khi đưa lên mạng xã hội, không ghi kích cỡ thật của tranh, chỉ gửi file hình ảnh tốt cho các nhà sưu tập quan tâm tới tác phẩm qua email, đặt chế độ xem tác phẩm trên trang mạng xã hội ở vòng hạn chế, chỉ có bạn bè mới xem được, hạn chế đăng hình tác phẩm vào các trang nghệ thuật công cộng...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.